14/04: VN-Index đảo chiều bất thành

Nỗ lực giữ giá của các mã cổ phiếu vốn hóa lớn tại HOSE đã không thành công trước áp lực bán ra khiến VN-Index một lần nữa đảo chiều giảm điểm trong đợt khớp lệnh đóng cửa. Thanh khoản từ các đợt khớp lệnh tăng trưởng đáng kể so với phiên trước cho thấy nhiều nhà đầu tư đã tận dụng cơ hội thị trường tăng điểm để bán ra.

Nỗ lực của những mã như MSN, BVH, HPG, ITA, STB… chỉ giúp VN-Index giữ được mốc 460 điểm và tránh một phiên giảm mạnh.

Thống kê các nhóm cổ phiếu cho thấy, nhóm Large Cap giữ được mức tăng 0.39%, trong khi các nhóm khác như Mid Cap, Small Cap và Micro Cap có mức giảm lần lượt 0.6-0.8%.

Kết phiên, VN-Index giảm nhẹ 0.38 điểm, tương đương 0.08% và chốt tại 460.63 điểm. Thanh khoản toàn phiên đạt 24.3 triệu đơn vị, trị giá 495.93 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 5.6 triệu đơn vị và 134.18 tỷ đồng.

STB dẫn đầu về thanh khoản với hơn 3.1 triệu đơn vị được chuyển nhượng, tiếp sau là SSI với mức chênh lệch khá lớn, khi đạt hơn 680 ngàn đơn vị. Ngoài ra còn có LCG, VCB, EIB… có vài trăm ngàn đơn vị.

Trên bảng điện tử, số lượng cổ phiếu giảm chiếm đa số với 142 mã, tuy nhiên cũng tương tự một vài phiên trước mức giảm của cổ phiếu không quá mạnh chỉ với 19 mã giảm kịch sàn. Ở chiều ngược lại có 54 mã tăng giá, và 92 mã đi ngang.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giao dịch cầm chừng với số lượng mua vào hơn 2.25 triệu cổ phiếu, trong đó họ mua nhiều đối với các mã ITA, VCB, HPG, SSI

Tại sàn Hà Nội, HNX-Index có mức giảm 0.35 điểm, tương ứng 0.39% và chốt tại 89.078 điểm. Toàn sàn có 185 mã giảm giá, 75 mã tăng và 119 mã đứng giá hoặc chưa có giao dịch.

Với sự dẫn dắt của một vài mã cổ phiếu chủ chốt như MSN, BVH, HPG… giúp VN-Index quay đầu tăng nhẹ 0.12 điểm lên 461.13 điểm vào cuối đợt khớp lệnh liên tục. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 19 triệu đơn vị nhưng nếu loại trừ gần 4 triệu cổ phiếu giao dịch thỏa thuận thì giao dịch khớp lệnh chỉ còn khoảng 15 triệu.

Áp lực giảm giá đến với hầu hết các mã cổ phiếu khiến cả thị trường đảo chiều giảm điểm vào khoảng 9h53. Theo đó, VN-Index trở về mức 460 điểm, trong khi HNX-Index có xu hướng lùi về dưới 89 điểm.

Tính đến 10h00, VN-Index giảm 0.43 điểm, xuống 460.58 điểm. Trong khi toàn sàn có đến 134 mã giảm giá, một số mã như MSN, SRC, TRC, DXG, VPK tiếp tục duy trì mức tăng mạnh từ đầu phiên.

Một vài mã chủ chốt ở HOSE duy trì mức tăng giúp chỉ số VST Large Cap giữ được sắc xanh với 0.4% tạo nên lực đỡ cho VN-Index.

HNX-Index do không nhận được sự hỗ trợ nào đáng kể nên đã quay đầu giảm 0.36 điểm, lùi về 89.07 điểm.

Thanh khoản vẫn ở mức thấp với 11.45 triệu đơn vị tại HOSE và 9.11 triệu đơn vị tại HNX. Đây được xem là mức thanh khoản khá tiêu cực nhưng lại là hệ quả đến từ các khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng và tạm thời không nên giao dịch của khá nhiều công ty chứng khoán thời gian qua.

* 9h30, các chỉ số tiếp tục duy trì mức tăng nhẹ, tuy nhiên diễn biến thị trường khá lình xình cho thấy nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trong bối cảnh không có nhiều thông tin hỗ trợ. Điều này làm cho thanh khoản tăng trưởng một cách chậm chạp với hơn 12 triệu cổ phiếu chuyển nhượng trên cả hai sàn, trị giá trên 210 tỷ đồng.

Đà tăng tại sàn HOSE được hỗ trợ bởi một nhóm cổ phiếu tăng giá như VCB, BVH, MSN, STB… bất chấp việc số cổ phiếu giảm chiếm áp đảo với 113 mã.

Trong khi đó, HNX-Index đã thu hẹp mức tăng chỉ còn 0.08 điểm 89.5 điểm do số lượng cổ phiếu giảm giá đang gia tăng lên hơn 100 mã.

* 9h00, đà tăng nhẹ của thị trường tiếp tục được duy trì. Chỉ số VN-Index mở rộng biên độ tăng 1.07 điểm lên mức 462.08 điểm và HNX-Index cũng tăng nhẹ 0.39 điểm lên 89.81 điểm.

Thanh khoản ở cả hai sàn nhìn chung còn thận trọng với hơn 5 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, trị giá khoảng 90 tỷ đồng. Tổng số lượng cổ phiếu tăng trên toàn thị trường là 130 mã, số lượng giảm cũng chiếm gần 110 mã còn lại là các mã đứng giá hoặc chưa có giao dịch.

*8h45: Chốt lại đợt khớp lệnh mở cửa, VN-Index tiếp tục đi xuống với mức giảm 1.14 điểm, tương ứng 0.25% xuống còn 459.87 điểm. Thanh khoản ở mức 709,040 đơn vị, trị giá 16.45 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu vốn hóa chỉ còn MSN tăng trần nhờ thông tin bán 10% cổ phần cho nước ngoài, VCB trở lại với mức tham chiếu trong khi hầu hết các mã khác đều giảm.

Vài phút sau đó, VN-Index quay đầu tăng trở lại với với hơn 0.3% chủ yếu nhờ việc các mã chủ chốt trở về với mức tham chiếu.

BAS giảm hết biên độ sau khi Sở GDCK TPHCM (HOSE) ra quyết định tạm ngừng giao dịch cổ phiếu này từ ngày 15/04 do thua lỗ hai năm liên tục.

Cùng lúc này, tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng duy trì mức tăng nhẹ 0.34 điểm, tương đương 0.38% lên 89.76 điểm. Giao dịch diễn ra thận trọng với 2.3 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, trị giá 35 tỷ đồng.

* Mở cửa phiên giao dịch sáng 14/04, một vài mã cổ phiếu bật tăng mạnh như MSN, VCB nhờ có thông tin hỗ trợ tốt vừa công bố trong ngày 13/04 vừa qua. Tuy nhiên, hầu hết các mã cổ phiếu vốn hóa lớn khác lại có xu hướng giảm làm cho giao dịch tại HOSE tiếp tục ảm đạm.

Tại HNX, thị trường bật tăng nhẹ trở lại với mức tăng trên 0.2% của HNX-Index và thanh khoản ở mức trung bình với hơn 1 triệu cổ phiếu vào lúc 8h38.

Theo nhận định của một số chuyên gia, thị trường trong phiên này có thể tăng nhẹ trở lại sau nhiều phiên liên tục sụt giảm. Tuy nhiên đà tăng này sẽ thiêng về mặt kỹ thuật hơn là sự hồi phục thực sự. Bên cạnh đó cũng có ý kiến thị trường diễn biến theo kịch bản tăng nhẹ đầu phiên và quay đầu giảm trở lại vào cuối phiên.

Viết Vinh/ VietStock

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as