Dòng vốn ngoại vào TTCK: Vào, ra không dễ

Mới đây hai Cty quản lý quỹ Sài Gòn và DragonCapital đã thành công trong việc thuyết phục cổ đông duy trì các quỹ hiện có.

Thông thường, quyết định bám trụ rất dễ khiến người ta nghĩ rằng đang có một sự kỳ vọng về một tương lai sáng sủa hơn của thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay,việc ở lại cũng đồng nghĩa mang tính rủi ro hơn rất nhiều.

Với tỉ lệ được cho là gây hồi hộp đến phút chót, 58,7% dành cho VEIL và con số an toàn hơn, 74,1% dành cho VGF, cổ đông của hai quỹ do Dragon Capital quản lý đã quyết định sẽ tiếp tục ở lại với Việt Nam thêm một thời gian. Trước đó, phương án tài chính trong trường hợp các cổ đông lựa chọn việc giải tán quỹ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Gay cấn là vậy nhưng quan sát chung trên thị trường thì đều cho rằng đại hội của quỹ đã diễn ra khá êm ả. Một phần là vì sự quan tâm của các NĐT không còn nhiều như trước. CK bị rẻ rúng, một phần rất lớn NĐT nội đã rời bỏ thị trường. Một phần nữa thì nhiều ý kiến cho rằng, bản thân các NĐT của quỹ DragonCapital đều hiểu rằng hiện nay có thoái vốn cũng không biết thoái cho ai và bán đến bao giờ.

Hiện không ít quỹ ngoại đang ngày đêm mong mỏi thị trường có thể lấy lại mốc 500 điểm, thanh khoản cải thiện để họ có thể thoái bớt vốn hay cơ cấu lại danh mục. Bởi vì hiện tại ngay cả việc điều chỉnh danh mục, một số quỹ cũng không thực hiện được do thanh khoản quá thấp của thị trường không cho phép. Bối cảnh TTCKVN thời gian qua cho thấy, nhiều CP có tính thanh khoản rất thấp. Những khoản đầu tư vào các dự án BĐS, đầu tư trực tiếp vào DN hay mua CP OTC... càng khó bán. Hay lựa chọn bán sỉ danh mục cho một NĐT mới lại càng khó khăn, vì suốt 2 năm qua, quỹ mới vào Việt Nam rất thưa thớt và quy mô nhỏ.

Khó khăn hiện hữu vẫn có, nhưng nhiều chuyên gia vẫn đánh giá rằng không vì vậy mà sự quan tâm của NĐT ngoại đối với TTCKVN mất đi. Tâm sự với các NĐT trong một ngày hội đầu tư CK mới đây ở TPHCM, ông Phạm Ngọc Bích, Phó TGĐ CTCK SSI cho biết, vừa qua đại diện 10 Cty quản lý quỹ nước ngoài đã đi thăm và tìm hiểu các DN niêm yết. Điều này cho thấy, dòng vốn đầu tư vào TTCK sẽ không thiếu, chỉ có điều là làm thế nào để thu hút được nó?

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những lo ngại về tỉ giá, thanh khoản, lãi suất thì hiện nay với các NĐT ngoại còn thêm lo ngại về nợ xấu và vấn đề của các NH. Ông Louis Nguyễn, TGĐ Cty quản lý quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM), nhận xét NĐTNN luôn quan tâm đến lạm phát, chính sách tiền tệ, lãi suất, tính ổn định của hệ thống NH khi muốn đầu tư vào VN. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, TTCKVN chưa có dấu hiệu sáng sủa do các bất ổn của nền kinh tế. Trong khi đó, NĐTNN lại có quá nhiều chọn lựa, nhất là khi các thị trường Myanmar, Indonesia đang mở ra nhiều cơ hội tốt hơn các năm trước. Điều này đe dọa trực tiếp tới thu hút đầu tư của Việt Nam.

Ở một góc nhìn khác, TS Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa cho rằng, trào lưu đầu tư đa ngành của các DN Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả xấu. DN đang kinh doanh tốt, có tiềm lực tài chính nên tiếp tục đầu tư mở rộng lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình. Tuy nhiên, những doanh nghiệp phát triển tốt thì hầu như đã hết “khoảng trống” dành cho khối NĐTNN nên cơ hội đầu tư của khối ngoại vào TTCKVN cũng bị hạn chế.

Và hơn hết, một trong nhiều vấn đề của TTCKVN luôn được các NĐT quan tâm là thông tin chưa được công khai, minh bạch. Các chuyên gia đều nhấn mạnh vấn đề khối ngoại không phải đầu tư vào CP mà là đặt cược vào chính những người điều hành Cty. Do vậy, khả năng lãnh đạo, minh bạch thông tin là điều mà khối ngoại soi xét rất kỹ. Trên thực tế, nhiều thông tin được công bố không rõ ràng, số liệu vênh nhau khá xa đã khiến cho NĐTNN e ngại, không muốn đổ vốn vào thị trường.

Theo Lao Động

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as