Giao dịch ký quỹ: Chặt quá hóa khó

Thị trường cần sớm có khung pháp lý cho hoạt động ký quỹ.

Dịch vụ hỗ trợ tài chính (ký quỹ) cho nhà đầu tư là con át chủ bài của nhiều CTCK trong việc thu hút khách hàng. Do chưa có khung pháp lý nên hiện mỗi nơi thực hiện mỗi cách dưới nhiều hình thức "lách luật" khác nhau.

Dự thảo Thông tư Hướng dẫn hoạt động giao dịch mua chứng khoán ký quỹ đang được lấy ý kiến lần 2 đã phần nào cụ thể hóa điều kiện thực hiện nghiệp vụ này, nhưng phân tích một cách kỹ càng hơn thì nhiều yêu cầu trong đó sẽ làm cho cả CTCK và NĐT không thể triển khai dịch vụ.

Giao dịch mua chứng khoán ký quỹ được quy định trong dự thảo là việc khách hàng vay một phần tiền theo tỷ lệ nhất định của CTCK để thực hiện mua chứng khoán, đồng thời thế chấp chứng khoán đã mua tại CTCK.

Với định nghĩa như thế, đối tượng điều chỉnh của Thông tư rất rộng, bao gồm: các CTCK, tổ chức, cá nhân đầu tư trên TTCK. Để được cung cấp dịch vụ ký quỹ cho NĐT, CTCK phải nộp hồ sơ đăng ký với Sở giao dịch, đáp ứng các điều kiện chặt chẽ như có thời gian hoạt động môi giới chứng khoán ít nhất một năm, có vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn điều lệ, tỷ lệ an toàn vốn khả dụng không dưới 200%, tổng dư nợ cho vay giao dịch mua ký quỹ của một CTCK không được vượt quá 100% vốn chủ sở hữu của công ty.

Trong một văn bản đồng góp ý của 4 CTCK gồm: Thăng Long, HSC, Tân Việt và Sacombank gửi tới UBCK, các công ty này cho rằng, yêu cầu như vậy là quá khắt khe.

Thực tế, CTCK có thể dùng vốn vay để thực hiện nghiệp vụ giao dịch ký quỹ. Bản chất của giao dịch ký quỹ là giao dịch có tài sản đảm bảo (chứng khoán).

Bộ Tài chính cũng đang soạn thảo dự thảo Thông tư về an toàn tài chính dành cho tổ chức kinh doanh chứng khoán cũng là sự thừa nhận về hình thức hoạt động của CTCK như tổ chức tín dụng bằng việc phân chia vốn cấp 1 (vốn tự có) và vốn cấp 2 (vốn khả dụng), hệ số rủi ro, tỷ lệ an toàn vốn…

Các CTCK có vốn điều lệ tương đối lớn, áp lực kinh doanh và sử dụng hiệu quả đồng vốn là gánh nặng đối với mỗi công ty. Kỳ vọng của cổ đông và áp lực chi trả cổ tức cao đẩy chi phí vốn của CTCK lên cao.

Với chi phí vốn cổ phần là xấp xỉ 20%, CTCK không thể dùng vốn chủ sở hữu để cho vay mua giao dịch ký quỹ mà bắt buộc phải nhận vốn từ các ngân hàng thương mại theo lãi suất thị trường.

Để vay được từ ngân hàng, bắt buộc CTCK phải có uy tín và hoạt động an toàn, lành mạnh.

Tuy nhiên, nếu chỉ được cho vay hạn chế như tinh thần Thông tư thì CTCK không thể hạ chi phí vốn bình quân xuống và thực hiện nghiệp vụ này sẽ lỗ. Đây sẽ là rào cản chính yếu hạn chế giao dịch cho vay mua ký quỹ, làm lãng phí nguồn vốn và hạn chế tính thanh khoản của thị trường khi một trong những kênh hỗ trợ vốn vào thị trường bị thắt chặt.

Khó khăn nữa xuất phát từ chính quy định chứng khoán được phép mua ký quỹ.

Điều 9 quy định, cổ phiếu được giao dịch phải có thời gian niêm yết từ 6 tháng trở lên, là cổ phiếu của công ty niêm yết có thời gian thành lập và hoạt động tối thiểu 5 năm, tỷ lệ lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm liền trước tối thiểu là 3%. Đặc biệt, về quy định phải có tỷ lệ khối lượng giao dịch hàng tháng trên tổng khối lượng niêm yết tối thiểu là 50%, sẽ không nhiều cổ phiếu thỏa mãn các tiêu chí trên.

Đơn cử, STB, một trong những cổ phiếu có tính thanh khoản nhất trên thị trường phiên nào giao dịch khởi sắc nhất cũng chỉ có khối lượng khớp lệnh khoảng 10 triệu đơn vị.

Mỗi tháng thị trường có 20-21 phiên giao dịch, khối lượng giao dịch của STB do vậy cao nhất cũng chỉ đạt 200 triệu đơn vị, trong khi khối lượng STB đang niêm yết hiện đạt gần 700 triệu cổ phiếu.

Điều 11 quy định, cổ phiếu phải tạm ngừng giao dịch mua ký quỹ trong trường hợp có mức giá giao dịch dao động quá lớn, có mức độ tập trung sở hữu quá mức, khối lượng giao dịch quá bất thường, nếu không được định lượng hóa cụ thể thì CTCK và NĐT có cách nào để biết được cổ phiếu có thuộc diện trên. Sở giao dịch có trách nhiệm lựa chọn, lập danh sách chứng khoán được phép giao dịch mua ký quỹ để công bố cho các CTCK theo từng thời kỳ. Phân tích kỹ điều này có thể thấy sẽ có tác động tiêu cực đối với thị trường.

Chẳng hạn, Sở yêu cầu bắt đầu từ ngày… cổ phiếu A không được cho vay ký quỹ nữa, ngay lập tức sẽ là động thái xả bán cổ phiếu và chắc chắn cổ phiếu này sẽ giảm giá liên tục, NĐT có thể buộc phải bán thêm cổ phiếu khác khiến cho thị trường thêm áp lực giảm điểm.

Vì vậy, theo các thành viên thị trường, nên để CTCK tự thẩm định và đưa ra danh mục cổ phiếu cho vay giao dịch ký quỹ của mình căn cứ theo hệ thống quản trị rủi ro mà CTCK có. Hơn nữa, với chứng khoán bị ngừng giao dịch mua ký quỹ, CTCK sẽ phải xử lý như thế nào với những tài khoản mua ký quỹ hiện có loại chứng khoán này, cần có quy định rõ hơn.

Điều 15 quy định, CTCK không được cho vay tiền giao dịch mua ký quỹ với khách hàng mới mở tài khoản dưới 3 tháng. Trong khi thực tế, NĐT mới với CTCK này những có thể rất có kinh nghiệm trong đầu tư do chuyển tài khoản từ CTCK khác và nếu quy định như vậy, vô hình trung vi phạm quyền bình đẳng giữa các nhà đầu tư.

Một điều kiện oái oăm nữa là điều 17 quy định Lệnh giao dịch mua ký quỹ có giá đặt mua không được cao hơn giá tham chiếu trên thị trường tại thời điểm đặt lệnh. Tuy nhiên, khi nhà đầu tư quyết định bỏ tiền vào một chứng khoán nào đó, họ có quyền tự đưa ra mức giá phù hợp nhất. Hạn chế giá đặt mua như vậy, liệu có can thiệp quá sâu vào quyết định mua bán của nhà đầu tư và để mua được cổ phiếu đó, họ sẽ phải theo đuổi đặt lệnh bao nhiêu với mức giá tham chiếu trong trường hợp cổ phiếu được kỳ vọng giá tăng.

Thị trường cần sớm có khung pháp lý cho hoạt động ký quỹ nhằm chấn chỉnh tình trạng lộn xộn, cho vay, sử dụng đòn bẩy tài chính tràn lan như hiện nay nhưng nếu cơ quan quản lý đưa ra các quy định không xuất phát từ điều kiện thực tế thị trường thì khung pháp lý ấy khó có thể được thực thi nghiêm túc. "Lách luật" để cung cấp dịch vụ cho NĐT khi đó là việc "cực chẳng đã" với chính các CTCK.

Anh Việt/ĐTCK

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as