Nhịp đập Thị trường 10/06: Dòng tiền “nóng” tiếp tục chảy mạnh

Tâm lý phấn khởi của nhà đầu tư trước những dấu hiệu tích cực về vĩ mô cùng những lời hứa của các cơ quan quản lý đã tạo động lực cho thị trường có phiên giao dịch cuối tuần diễn ra “tưng bừng” dù cuối phiên đà tăng có phần hạ nhiệt.

Tại HOSE, với lực bán gia tăng và lực cầu giảm nhiệt vào cuối phiên làm cho VN-Index chỉ còn giữ được mức tăng yếu ớt và chốt tại mốc 445 điểm.

Thanh khoản gia tăng đáng kể so với phiên trước. Như vậy, tính chung cả tuần chỉ số này chỉ tăng được 1.59 điểm, tức 0.36%.

Cụ thể trong phiên này, VN-Index chỉ tăng 1.05 điểm, tương ứng 0.24% và chốt tại 445 điểm. Thanh khoản toàn phiên đạt 41.11 triệu đơn vị, trị giá 66.52 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 22.72% và 16.52% so với phiên trước. Giao dịch thỏa thuận giảm mạnh chỉ còn 2.77 triệu đơn vị, tương ứng với 55.63 tỷ đồng.

SSI tiếp tục cho thấy vai trò dẫn dắt của mình với mức tăng kịch trần và khối lượng giao dịch đạt gần 5.4 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng. Một loạt các mã gồm REE, ITA, GTT, ITC, STB đều có thanh khoản đạt hơn 1 triệu đơn vị/mã.

Cổ phiếu vốn hóa lớn có giao dịch ảm đạm và tạo ra sự phân hóa lớn trong nhóm cổ phiếu này. Khá nhiều mã chủ chốt đã đảo chiều giảm hoặc về mức tham chiếu như MSN, BVH, VIC, CTG, HAG… làm cho chỉ số Large Cap cũng ghi nhận mức giảm 0.58% vào cuối phiên.

Trái lại các nhóm còn lại đều ghi nhận mức tăng khá mạnh gồm Mid Cap tăng 2.18%, Small Cap tăng 2.52% và Micro Cap tăng đến 2.89%.

Nhà đầu tư nước ngoài đi ngược xu hướng với nhà đầu tư trong nước khi chỉ mua vào 1.18 triệu cổ phiếu, trong đó tập trung nhiều nhất vào SSI.

Khi mọi thông tin hỗ trợ thị trường vẫn còn là dấu hiệu và chưa có sự chắc chắn, phần lớn các nhà đầu tư đã lựa chọn chiến lược đầu cơ cổ phiếu vừa và nhỏ vốn giảm rất mạnh thời gian qua nhằm tìm lợi nhuận đột biến trong thời gian ngắn. Những cổ phiếu này nhà đầu tư có thể tìm thấy khá nhiều tại HNX, bên cạnh đó sự đi xuống các mức thấp chưa từng có của sàn này làm cho tính hấp dẫn tăng lên đáng kể.

Điều này giải thích vì sao trong giai đoạn tăng vừa qua của thị trường, HNX lại là nơi hút được dòng tiền của nhà đầu tư.

Phiên này, dù thị trường có sự giảm nhiệt vào cuối phiên nhưng lực cầu vẫn duy trì ở mức cao, đặc biệt đối với nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao giúp HNX-Index duy trì mức tăng 1.71 điểm, tức 2.21% và chốt tại 79.1 điểm.

Khối lượng giao dịch tăng trưởng gần 7% so với phiên trước, đạt hơn 58.83 triệu cổ phiếu và giá trị chuyển nhượng cũng tăng trên 5.5%, đạt 701 tỷ đồng.

Đáng chú ý khi phiên này, SCR bất ngờ tăng khối lượng chuyển nhượng đến 7.7 triệu cổ phiếu, và trở thành cổ phiếu có thanh khoản cao nhất thị trường.

Trong khi đó, việc hạn chế nguồn cung nên thanh khoản của KLS đến cuối phiên chỉ đạt hơn 1.67 triệu cổ phiếu. Với PVL, việc bị đưa vào diện cảnh báo không làm mất đi tính hấp dẫn của cổ phiếu này khi vẫn có 1.44 triệu cổ phiếu được trao tay ở mức giá trần.

Ngoài ra, hàng loạt cổ phiếu có mức tăng khá mạnh nhưng việc nhà đầu tư tiết cung làm cho thanh khoản bị chặn đứng như trường hợp của SHN, PFL, SDD, AMV

Thống kê giao dịch nhà đầu tư nước ngoài cho thấy họ tiếp tục có giao dịch ở mức thấp nhưng lại chuyển sang bán ròng khi lượng mua vào chỉ đạt 6.95 tỷ đồng mà bán ra đến 10.7 tỷ đồng.

Nhận định về các phiên giao dịch gần đây, CTCK ACB (ACBS) cho rằng, diễn biến tâm lý của thị trường là yếu tố quyết định chính đến kết quả giao dịch. Thực tế, nhiều kịch bản trái ngược được đặt ra khiến giao dịch mua bán của các nhà đầu tư diễn ra giằng co và kịch tính hơn trước. Nhìn chung bức tranh vĩ mô vẫn chưa xuất hiện nhiều gam màu sáng, nhưng việc Chính phủ có những động thái tích cực trong việc "giải cứu" thị trường bất động sản và chứng khoán đã mang đến cho giới đầu tư nhiều kỳ vọng.

Theo VietStock

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as