Vốn đóng băng trong cổ phiếu OTC

Một trong những lý do khiến cổ phiếu ngân hàng còn “nhúc nhắc” được trên thị trường OTC là do một số ngân hàng vẫn duy trì chính sách cổ tức tiền mặt đều đặn cho các cổ đông, bình quân hơn 10%/năm.

Đến thời điểm này, có thể nói, phần lớn các nhà môi giới tự do không sống được với nghề. Một số người đã chuyển hẳn sang nghề khác. Tuy nhiên, những người đã đổi hẳn nghề khác yên ổn còn là may, bởi không ít nhà môi giới tự do cố bám trụ và cầm cự bằng việc môi giới thu xếp vốn hoặc cho vay lại vừa qua một phen thất điên bát đảo khi liên tiếp xảy ra các vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng.

Anh Đỗ Bá, một cựu môi giới thị trường OTC tại Hà Nội (nay đã chuyển sang kinh doanh quán ăn) cho biết, nhìn lại mấy vụ vỡ nợ vừa rồi, anh cũng thấy… toát mồ hôi. Anh Bá cho biết, cách đây hơn 1 năm, anh cũng đã đắn đo mãi việc có nên bám trụ với nghề môi giới OTC nữa hay không, vì khi đó, thị trường đã rất khó khăn rồi, các giao dịch rất thưa thớt, môi giới hầu như không có việc làm.

Lúc đó, một số đồng nghiệp của anh đã bắt đầu bỏ nghề, trong khi một số cố bám vào một vài giao dịch ít ỏi, kèm theo đó là xoay sang dịch vụ thu xếp vốn vay đáo hạn ngân hàng, hoặc cho vay trực tiếp đối với những người có nhu cầu cấp bách về vốn để có lợi nhuận. Tuy nhiên, anh Bá cho biết, anh quyết định chuyển hẳn nghề khác vì cảm thấy quá nhiều rủi ro.

“Bây giờ nhìn lại mới thấy mình đã quyết định đúng, nếu không, có thể sa đà vào cho vay để rồi không đòi được thì trắng tay, thậm chí lại còn nợ thêm”, anh Bá tâm sự.

Nhìn lại các nhà đầu tư tham gia thị trường OTC trong khoảng 2 năm trở lại đây, phần lớn đều lỗ nặng, thậm chí gần như mất hết. Rất nhiều cổ phiếu OTC có mà như không.

Một cổ đông mua cổ phần của Công ty cổ phần Bất động sản Lilama cho biết, chị mua cổ phần công ty này trong đợt góp vốn cách đây 3 năm, nhưng chưa bao giờ nhận được bất cứ thông tin gì về hoạt động của Công ty. Trong suốt mấy năm vừa qua, công ty này không mời cổ đông dự họp đại hội đồng cổ đông, không chia cổ tức, cũng chẳng thông báo tình hình tài chính đến cổ đông…

Trong khi đó, nhiều cổ phiếu OTC khác dù có giao dịch “lèo tèo” trên thị trường, nhưng giá bán được cũng rẻ như cho, khiến nhiều nhà đầu tư không muốn bán. Chẳng hạn, cổ phiếu của Ngân hàng Phương Đông (OCB) được nhiều nhà đầu tư mua từ năm 2007 với giá 150.000 đồng/cổ phiếu, hiện chỉ còn xấp xỉ mệnh giá. Tỷ lệ cổ tức tiền mặt ngân hàng này chi trả cũng chỉ khoảng 5%/năm.

Hiện chỉ còn một số ít cổ phiếu OTC có chút thanh khoản, như TCB (Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam), TVSC (Công ty cổ phần Chứng khoán Thiên Việt), SeaBank (Ngân hàng TMCP Đông Nam Á), ABBank (Ngân hàng TMCP An Bình), OCB (Ngân hàng TMCP Phương Đông)…

Nhìn vào danh sách các cổ phiếu còn có giao dịch trên đây, có thể thấy, phần lớn đều là các cổ phiếu ngân hàng. Một trong những lý do khiến cổ phiếu ngân hàng còn “nhúc nhắc” được trên thị trường OTC là do một số ngân hàng vẫn duy trì chính sách cổ tức tiền mặt đều đặn cho các cổ đông, bình quân hơn 10%/năm. Chẳng hạn, Ngân hàng An Bình trả cổ tức tương đương 1%/tháng (3 tháng trả một lần); Ngân hàng Liên Việt trả cổ tức 18%/năm…

Ngoài ra, ngân hàng cũng vẫn là một trong những lĩnh vực được giới đầu tư và kinh doanh quan tâm nhất. Ông Tạ Ngọc Hữu, Giám đốc Đối ngoại Công ty Định mức Tín nhiệm (Vietnam Credit) cho biết, chính vì sự quan tâm của giới đầu tư đối với lĩnh vực này, nên Vietnam Credit vẫn chọn ngân hàng là đối tượng để công ty này đưa báo cáo xếp hạng hàng năm suốt 3 năm qua.

Theo Chí Tín/Báo Đầu tư

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as