Xu hướng tăng điểm đang chiếm ưu thế

Dù giảm điểm trong phiên ngày 21/2, nhưng theo VCBS, TTCK đang khá hấp dẫn và có nhiều cơ hội với xu hướng tăng điểm đang chiếm ưu thế hơn.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 22/2.

Thị trường sẽ có sự phân hóa tương đối mạnh

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Thị trường quay đầu giảm điểm sau phiên tăng mạnh ngày 20/2, bên cạnh đó, khối lượng giao dịch của 2 sàn ghi nhận mức cao nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây. Tại sàn HOSE, sự điều chỉnh giá của các cổ phiếu lớn như MSN, BVH, STB đã khiến chỉ số VN-Index giảm tương đối mạnh. Còn tại sàn HNX, ngay từ đầu phiên, lực cầu hưng phấn đua giá trần cũng đã được đáp ứng đủ bởi lượng lớn cung chờ sẵn ở mức giá cao.

Như đã đề cập trong bản tin 20/2, khi thị trường xuất hiện hoạt động phân phối mạnh và các chỉ số giảm về cuối phiên đi kèm khối lượng khớp lệnh trên 70 triệu thì các nhà đầu tư nên tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường.

Chúng tôi cho rằng, trong vài phiên tới, diễn biến của thị trường có thể sẽ chậm lại bởi lượng cầu trong phiên 21/2 đã được đáp ứng phần nhiều trong khi lượng cung tiềm ẩn ở vùng giá cao vẫn lớn.

Thị trường sẽ có sự phân hóa tương đối mạnh, nhiều cổ phiếu có dấu hiệu chững lại sẽ khó thu hút được sự quan tâm của dòng tiền đầu cơ. Theo quan điểm của BVSC, trong 1-2 phiên tới, nếu thị trường xuất hiện những nhóm cổ phiếu mới dẫn dắt sự quan tâm của dòng tiền thì thị trường sẽ không điều chỉnh quá sâu.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân

(CTCK BIDV - BSC)

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 3,07 điểm (-0,74%) xuống 410,91 điểm; HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,59% ) xuống 63,89 điểm.

Thị trường phiên 21/2 trải qua phiên giao dịch khá giằng co, song cuối cùng lực bán thắng thế về cuối phiên khi các thông tin về việc hạ lãi suất- được coi là động lực của phiên tăng điểm phiên 20/2 - vẫn chưa được khẳng định một cách chắc chắn từ phía NHNN và các cơ quan hoạch định chính sách.

Rõ ràng, theo quan sát của chúng tôi, đằng sau câu chuyện hạ lãi suất cho vay của một số NHTM lớn, thanh khoản của các NHTM nhỏ vẫn đang ở trong tình trạng khá căng thẳng. Bên cạnh đó, thông tin tăng giá xăng vẫn đang bỏ lửng và cũng vẫn là áp lực đối với vấn đề lạm phát và bài toán hạ lãi suất.

Lực bán mạnh và quyết liệt cho thấy tâm lý đầu tư vẫn khá thận trọng. Lực cầu suy yếu trước các ngưỡng kháng cự (65 điểm trên HNX và 420 điểm trên HOSE) cho thấy khả năng điều chỉnh của thị trường trong phiên ngày 22/2 sẽ khá cao khi chưa có thêm các thông tin mới có tác dụng nâng đỡ tâm lý đầu tư.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ có sự cải thiện của dòng tiền khi các thông tin về việc phân loại các NHTM cũng như tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được công bố một cách đầy đủ giúp cho dòng vốn tín dụng ngân hàng cũng như vấn đề lãi suất có chuyển biến tích cực.

Chúng tôi duy trì quan điểm, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân trong các phiên điều chỉnh trong đó các kết quả kinh doanh được công bố có thể là một tham khảo tốt. Đối nhà đầu tư cầm cổ phiếu, việc giảm tỷ lệ nắm giữ các cổ phiếu đã tăng giá mạnh trong các phiên trước cũng là cần thiết để bảo toàn lợi nhuận trong thời điểm nhạy cảm của thị trường.

Nhiều khả năng, VN-Index sẽ quay về vùng hỗ trợ 380-390

(CTCK ACB - ACBS)

Đà tăng của phiên trước được duy trì, giúp VN-Index mở cửa với gap-up lớn ngày 21/2. Tuy nhiên, áp lực chốt lời kéo VN-Index dần dần xuống dưới tham chiếu. Mặc dù, lực cầu mạnh quay lại vào gần cuối phiên nhưng VN-Index vẫn đóng cửa trong sắc đỏ.

Trong các phiên tới, VN-Index có thể tiếp tục giằng co. Phiên đảo chiều mạnh cùng khối lượng giao dịch lớn cho thấy vùng kháng cự 410-420 rất mạnh. Nhiều khả năng, VN-Index sẽ quay về vùng hỗ trợ 380-390.

Ở chiều ngược lại, nếu VN-Index vượt 410-420, chỉ số này có thể tiếp tục tăng về vùng kháng cự tiếp theo ở 470-480. Với quan điểm thận trọng, chúng tôi muốn thấy VN-Index tích lũy thêm trước khi thực hiện các bứt phá.

Tương tự VN-Index, HNX-Index cũng bị bán mạnh sau khi tăng vọt đầu giờ. Chỉ số này đã không duy trì được lâu trên vùng kháng cự 64-65 trước khi bị kéo xuống và đóng cửa giảm điểm.

Cây nến giảm điểm cùng với phần bóng nằm trên vùng 64-65 cùng khối lượng tăng đột biến, cao nhất trong vòng 6 tháng, cho thấy sức mạnh của vùng kháng cự này. Trong các phiên tới, nhiều khả năng HNX-Index sẽ giằng co đi ngang hoặc mất điểm. Chỉ số này có thể giảm về vùng hỗ trợ 59-61.

Ở chiều tăng, nếu vượt 64-65, HNX-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng về mức giá mục tiêu 75 của mô hình Head & Shoulders đảo ngược. Nhà đầu tư nên kiên nhẫn đứng ngoài thị trường ở thời điểm hiện tại.

Nhà đầu tư nên tiếp tục đứng ngoài quan sát

(CTCK FPT - FPTS)

Bất chấp những thông tin tích cực hỗ trợ thị trường bắt đầu xuất hiện, đà tăng điểm của thị trường vẫn nhanh chóng bị ngắt nhịp trong phiên giao dịch ngày 21/02 khi VN-Index để mất 3,07 điểm xuống còn 410,91 điểm.

Mặc dù ngưỡng hỗ trợ tại 410 điểm vẫn được giữ vững và trở thành điểm tựa nâng đỡ thị trường trong phiên giao dịch này nhưng một lần nữa xu thế tăng của VN-Index lại bị áp đảo bởi sức bán tập trung quanh các mốc kháng cự mạnh.

Quan sát diễn biến giao dịch, có thể thấy sức bán bất ngờ tăng cao khi chỉ số tiếp cận ngưỡng kháng cự mạnh 420 điểm là nguyên nhân chính khiến thị trường đảo chiều giảm mạnh trong phiên giao dịch này.

Tuy nhiên, mặc dù áp lực bán tăng cao song sức cầu vào thị trường vẫn được duy trì khá tốt. Người mua tiếp tục mua vào, tranh thủ thị trường điều chỉnh để cơ cấu lại danh mục khiến thanh khoản thị trường được cải thiện mạnh. Ngoài ra, phải kể đến thông tin về việc bộ tài chính giảm thuế nhập khẩu xăng dầu cũng phần nào hỗ trợ tâm lý đầu tư trước những lo ngại về khả năng điều chỉnh giá xăng bán lẻ.

Theo đó, với những thông tin hỗ trợ mới xuất hiện cùng tâm lý người mua vẫn duy trì kỳ vọng vào xu thế tăng điểm của thị trường thì VN-Index sẽ khó có thể giảm sâu trong những phiên giao dịch tiếp theo.

Hiện tại, VN-Index đang được nâng đỡ bởi ngưỡng hỗ trợ 410 điểm và sâu hơn là ngưỡng hỗ trợ mạnh 390 điểm. Tuy nhiên, với diễn biến của chỉ số trong vài phiên trở lại đây thì chúng tôi cho rằng khả năng VN-Index đảo chiều tăng điểm trở lại và bứt phá qua ngưỡng kháng cự 420 điểm sẽ chưa thể xảy ra trong một vài phiên tới. Nhà đầu tư nên tiếp tục đứng ngoài quan sát thị trường và chờ đợi tín hiệu cho một xu thế rõ ràng hơn.

Xu hướng tăng điểm đang chiếm ưu thế hơn

(CTCK Vietcombank - VCBS)

Trong phiên giao dịch ngày 21/2, mặc dù lúc đầu thị trường đã tăng điểm khá hưng phấn, tiếp nối thành công từ phiên giao dịch đột phá đầu tuần, nhưng về nửa cuối phiên, áp lực bán chốt lời đã dâng lên mạnh mẽ ở hầu hết các cổ phiếu, trong đó có cả những mã chủ chốt và làm cho cả HNX và VN-Index đều giảm đỏ nhẹ khi đóng cửa.

Mặc dù vậy, điểm đáng khích lệ là lực cầu cũng tỏ ra khá bền bỉ, luôn trực chờ sẵn để bắt đáy, góp phần đáng kể hạn chế khả năng giảm sâu của thị trường. Giao dịch diễn ra hết sức sôi động với hoạt động mua bán và cơ cấu lại danh mục khá nhộn nhịp, tính thanh khoản của thị trường vì thế tiếp tục tăng vọt với chủ yếu là giao dịch khớp lệnh.

Sau phiên điều chỉnh như vậy, thị trường được dự báo sẽ khó tránh khỏi những biến động giằng co mạnh, đặc biệt là vào khoảng đầu của phiên giao dịch ngày 22/2. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của kỳ vọng vể khả năng Ngân hàng Nhà Nước có thể sẽ giảm mặt bằng lãi suất huy động, trên cơ sở tình hình lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, thể hiện qua mức tăng chỉ số CPI trong tháng 2 của Hà Nội và TP. HCM lần lượt là 1,45% và 1,32% so với tháng trước, chúng tôi cho rằng, thị trường chứng khoán đang tỏ ra khá hấp dẫn và tiềm ẩn nhiều cơ hội với xu hướng tăng điểm đang chiếm ưu thế hơn.

Cũng cần phải lưu ý rằng, sự thận trọng luôn là cần thiết, các nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định và nên đặt một mức lợi nhuận kỳ vọng vừa đủ để hạn chế tối đa rủi ro

Xu hướng tăng điểm vẫn được bảo vệ

(CTCK VNDirect - VND)

Hai chỉ số giảm điểm khi vấp phải vùng đỉnh xác lập hôm 9/2. Vùng kháng cự MA200 đối với VN-Index và hầu hết các bluechip tương đối mạnh, cộng với áp lực chốt lời tại vùng đỉnh trước đã khiến thị trường giảm điểm.

Khối lượng trên cả hai sàn hôm nay rất lớn nhưng chúng tôi đánh giá việc này hết sức bình thường, khi mà hầu hết nhà đầu tư e ngại thị trường sẽ hình thành 2 đỉnh trong ngắn hạn. Chúng tôi quan sát thấy vẫn có những sắc thái khá tích cực trong phiên giao dịch đột biến này. Lực mua vào giá xanh trong phiên vẫn duy trì tốt và không có nhiều cổ phiếu bị bán về giá sàn.

Xét trên đồ thị các cổ phiếu nói riêng và HNX-Index nói chung, nến đen tạo ra trong phiên 21/2 vẫn neo ở vùng cao và chỉ chiếm 1 phần nhỏ so với phiên tăng mạnh ngày 22/2. Điều này cho thấy thị trường đang có những triển vọng khá tích cực và áp lực của vùng đỉnh cũ có thể chỉ khiến thị trường dừng lại một vài phiên.

Trong các phiên tới, thị trường sẽ vẫn tiếp tục điều chỉnh và nếu lực bán ra không quá mạnh, điểm số giảm không nhiều thì xu hướng tăng điểm của thị trường vẫn được bảo vệ.

Như khuyến nghị đầu tuần của chúng tôi, nhịp điều chỉnh này xảy ra là tất yếu. Trong các phiên giao dịch tới, nếu áp lực bán ra không quá mạnh thì nhà đầu tư có thể gia tăng thêm trạng thái cổ phiếu và chú ý tới các bluechip trên sàn HOSE.

NĐT tạm thời chưa tham gia vào thị trường

(CTCK Dầu khí - PSI)

Thị trường diễn biến khá kịch tính khi thanh khoản khớp lệnh liên tục tăng nhanh và mạnh. Tính trong cả phiên, thanh khoản hai sàn đạt tới 135,2 triệu đơn vị và hơn hơn gấp đôi so với mức bình quân giao dịch 10 phiên gần nhất.

Mặc dù sức mua trên thị trường khá lớn nhưng chỉ số hai sàn vẫn chưa thể phá vỡ kháng cự 420 điểm với VN-Index và 66 điểm đối với HNX-Index. Sự thoái lùi của chỉ số về cuối phiên tạo thành dạng mô hình bearish piercing line, báo hiệu một sự điều chỉnh ngắn, đồng thời cũng cho thấy trạng thái dao động của chỉ số có khả năng còn được duy trì.

VN-Index có hỗ trợ tại 400 điểm còn HNX-Index tiếp tục nhận 60 điểm là hỗ trợ mạnh. Như đã khuyến nghị trước đó, NĐT tạm thời chưa tham gia vào thị trường khi chỉ số hai sàn vẫn chưa có tín hiệu break out rõ nét để phá vỡ các kháng cự nêu trên.

Theo TNCK

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as