Cuộc “đại cải tổ” chức năng của FED

Trong một động thái mới nhất nhằm đương đầu với khủng hoảng tín dụng, chính quyền Mỹ vừa đề ra một kế hoạch thay đổi căn bản chức năng nhiệm vụ của Cục Dự trữ Liên bang nước này (FED).

Dự kiến, kế hoạch này sẽ được Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, ông Henry Paulson, công bố trong ngày hôm nay (31/3).
Theo đó, FED sẽ được trao thêm quyền lực để trở thành cơ quan bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính tại Mỹ. Đây được coi là bước cải tổ chức năng lớn nhất tại FED kể từ thời kỳ Đại khủng hoảng vào thập niên 1930, vì trước đây, FED chỉ có vai trò bảo vệ các ngân hàng thương mại của Mỹ, thay vì các tổ chức tài chính trên Phố Wall.
Theo đó, các ngân hàng đầu tư như JP Morgan Chase, Goldman Sachs… sẽ được vay tiền trực tiếp từ FED, một “đặc ân” mà trước đây chỉ có các ngân hàng thương mại mới được hưởng.
Theo quy định hiện tại ở Mỹ, các tổ chức tiết kiệm, các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng nằm dưới sự bảo lãnh bởi chính quyền liên bang và phải tuân thủ quy định của rất nhiều cơ quan giám sát. Trong khi đó, các quy định giám sát dành cho các quỹ phòng hộ, các công ty đầu tư cổ phần tư nhân và các ngân hàng đầu tư là rất ít.
Cuộc khủng hoảng tín dụng khiến kinh tế Mỹ chao đảo thời gian qua giống như một hồi chuông cảnh báo về những thiếu sót trong việc giám sát các tổ chức này. Nhiều tập đoàn tài chính vừa qua đã công bố những khoản thua lỗ nhiều tỷ USD xuất phát từ tình trạng vỡ nợ do đầu tư cho vay mua nhà.
Cách đây không lâu, FED đã có một động thái hiếm gặp là cung cấp cho một tập đoàn tài chính là JP Morgan Chase một khoản vay 30 tỷ USD để tập đoàn này mua lại đối thủ Bear Stearns bên bờ vực phá sản.
Hành động như vậy, FED đã đặt ngân sách công vào thế rủi ro, khiến giới chuyên môn không thể lên tiếng kêu gọi việc giám sát chặt chẽ hơn các ngân hàng đầu tư và các tổ chức tài chính khác. Đây chính là lý do mà Bộ Tài chính Mỹ đi đến kế hoạch này.
Kế hoạch cải tổ FED của ông Paulson, người nguyên là chủ tịch của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, cũng loại bỏ sự chồng chéo chức năng trong việc giám sát các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các tổ chức tiết kiệm. Theo đó, kế hoạch này đề xuất việc giải tán một số cơ quan như Văn phòng Giám sát các tổ chức tiết kiệm và Ủy ban Giao dịch hàng hóa kỳ hạn và đưa các chức năng, nhiệm vụ này gộp vào chức năng, nhiệm vụ của FED.
Giới quan sát dự báo, kế hoạch của ông Paulson sẽ “châm ngòi” cho những cuộc thảo luận gay gắt tại Quốc hội Mỹ - cơ quan sẽ thông qua kế hoạch này. Một số nghị sỹ hiện tỏ thái độ rất ủng hộ kế hoạch này của ông Paulson, trong khi một số khác thì cho rằng ông hành động như vậy vẫn là chưa đủ vì Phố Wall hiện có quá nhiều những công cụ tài chính phức tạp.
Đến lúc này, vẫn chưa thể khẳng định FED sẽ thành công đến đâu trong việc giám sát nhưng ngân hàng đầu tư khổng lồ của Phố Wall. Đây là lần đầu tiên mà các quỹ phòng hộ và các công ty đầu tư cổ phần tư nhân ở Mỹ được đưa vào khuôn khổ, nhiều người vẫn cho rằng kế hoạch của ông Paulson thiếu sức mạnh nhằm hạn chế sự “thèm muốn” của Phố Wall đối với những hoạt động rủi ro.
Theo kế hoạch này, FED được quyền biết rõ về tình trạng thanh khoản và vốn của các ngân hàng đầu tư, nhưng không phải FED “muốn gì làm nấy” vì vẫn có những hạn chế với những điều kiện nhất định kiểu như “…khi sự ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính bị đe dọa”.
Kế hoạch cải tổ này cố gắng không đặt các ngân hàng đầu tư của nước này vào thế bất lợi trong cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Tuy nhiên, năm nay là một năm bầu cử ở Mỹ nên Phố Wall rất có thể sẽ phải tuân thủ những quy định chưa từng có trước đây.
Nhiều nhà phân tích hiện đang đặt câu hỏi liệu các ngân hàng đầu tư có bị buộc phải duy trì dự trữ cao hơn, khiến hạn chế khả năng kiếm lợi nhuận của các ngân hàng này, vì không giống như các ngân hàng thương mại bị giám sát chặt chẽ, các công ty Phố Wall thường sử dụng lượng vốn vay lớn để tối đa hóa lớn nhuận.
* Những điểm chính trong kế hoạch cải tổ FED:

- Đưa FED trở thành tổ chức điều hành chính nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính Mỹ; mở rộng khả năng của FED trong việc giám sát bất kỳ tổ chức tài chính nào có khả năng gây ra rủi ro cho hệ thống tài chính nước này.

- Giải tán và sáp nhập một số cơ quan nhằm tránh sự chồng chéo chức năng.

- Thành lập một cơ quan quốc gia để giám sát các công ty bảo hiểm, đối tượng hiện chủ yếu vẫn nằm dưới sự giám sát của các bang.

- Thành lập một ủy ban để giải quyết các vấn đề có liên quan đến làn sóng vỡ nợ đang dâng cao.

Theo VnEconomy

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as