Nghịch lý giá nông sản Việt tại EU

Lâu nay, EU được đánh giá là thị trường tiêu thụ lớn nhất của hàng nông sản Việt Nam. Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được đối tác bạn đánh giá có chất lượng tốt nhất.

Song có một nghịch lí là giá nông sản Việt Nam còn thấp hơn mức giá thị trường, bởi nông sản Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu và chất lượng không ổn định.

Thị trường khó tính

Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và thị trường các nước Liên minh Châu Âu (EU) đạt 8,5 tỷ USD, tăng 0,6 tỷ USD so với năm 2006.

Trong các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường khu vực EU, hàng nông sản chiếm lượng rất lớn. Hầu hết các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản đều có vị trí quan trọng trong tỉ trọng xuất khẩu vào thị trường các nước trong khối EU.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, trong năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ đạt trên 10 tỷ USD, trong đó các mặt hàng về nông-lâm-thủy sản cũng sẽ tăng mạnh về sản lượng và giá trị. Thủy sản ước sẽ đạt khoảng 1,15 tỷ USD, cà phê là hơn 800 triệu USD, đồ gỗ là 780 triệu USD.

Với 27 quốc gia thành viên, EU là một thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những thị trường khó tính với nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt và chặt chẽ được lập ra áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu.
Đối với mỗi một mặt hàng, thị trường châu Âu đều có những tiêu chuẩn áp dụng riêng, chẳng hạn như: mặt hàng rau quả tươi yêu cầu đạt chứng chỉ chất lượng GAP, mặt hàng thủy sản phải đạt chứng nhận chất lượng của Cục Quản lý an toàn vệ sinh và thú y thủy sản (NAFIQUAVED) cấp, mặt hàng lâm sản, đồ gỗ khi xuất vào thị trường châu Âu phải có chứng chỉ rừng FSC (Forest Stewardship Council - Hội đồng Quản lí rừng Quốc tế).

Tham gia thị trường các nước châu Âu, doanh nghiệp không chỉ phải đối mặt với những tiêu chuẩn chung, mà còn phải thỏa mãn những quy định riêng của từng nhà nhập khẩu hàng hóa, bởi lẽ các nhà nhập khẩu vẫn có thể đưa ra những quy định riêng cho hàng hóa trong hệ thống phân phối của mình.

Để tiếp cận được thị trường EU, hàng hóa cần vượt qua những rào cản về tiêu chuẩn. Hai vấn đề lớn nhất đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU là an toàn thực phẩm và chất lượng. Chuyên gia dự án Mutrap, ông Paolo R. Vergano đã khẳng định như vậy.

Chế biến nông lâm sản xuất khẩu.

Ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại cho biết, mặt hàng nông sản Việt Nam còn nhiều điều hạn chế, đặc biệt là vấn đề chất lượng. Bởi lẽ chất lượng chưa đạt theo yêu cầu của thị trường, nên thời gian qua, dù hàng nông sản Việt Nam xuất vào EU nhiều, nhưng bán giá chưa cao.

Riêng đối với mặt hàng cà phê , nếu sản phẩm Việt Nam đáp ứng đủ tiêu chuẩn thị trường nhập khẩu thì mỗi năm có thể thu về thêm vài trăm triệu USD. Hiện mặt hàng cà phê xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn theo tiêu chuẩn cũ TCVN 4193-93. Tiêu chuẩn này không xếp hạng theo hàm lượng ẩm, tỉ lệ hạt vỡ và tạp chất trong cà phê.

Tiêu chuẩn TCVN 4193:2005, áp dụng cho cà phê xuất khẩu theo tiêu chuẩn chất lượng thế giới, chưa được thực hiện; dự kiến từ niên vụ cà phê 2009 sẽ áp dụng bắt buộc. Để chất lượng hàng nông sản nâng lên, đòi hỏi mọi hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản trong nước cần đổi mới, từ khâu trồng trọt, chăn nuôi đến tiêu thụ.

Sản phẩm thô, thương hiệu kém

Châu Âu là một thị trường có sức tiêu thụ lớn nhưng người tiêu dùng lại rất khó tính. Để thu hút được người tiêu dùng hàng hóa không chỉ có chất lượng “ngon” mà còn phải “bổ” cả mắt. Bởi thế các doanh nghiệp cần chăm sóc sản phẩm từ khâu in ấn đến màu sắc của nhãn mác trên bao bì.

Đặc biệt là mặt hàng thực phẩm, doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn gốc, thành phần, hàm lượng dinh dưỡng cũng như hướng dẫn sử dụng. Còn đối với những mặt hàng đồ dùng thì việc công bố các chỉ tiêu về các nguyên liệu sử dụng trong sản xuất và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là không thể thiếu.

Tiếp đó, ngôn ngữ cũng đóng vai trò quan trọng trong sự thành-bại của doanh nghiệp. Việc sử dụng ngôn ngữ địa phương để truyền đạt thông tin sẽ gây được ấn tượng sâu sắc và tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Hàng nông sản Việt Nam không chỉ mới xuất khẩu dạng thô vào thị trường châu Âu mà thương hiệu cũng rất ít được biết đến. Người tiêu dùng chỉ biết tên tuổi của nhà làm ra sản phẩm chứ không quan tâm đến những thứ trong sản phẩm ấy xuất xứ từ đâu. Vì vậy, nếu chỉ mãi xuất khẩu sản phẩm thô sẽ không thể có được thương hiệu.

Khi quyết định làm ăn tại thị trường EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải xác định về năng lực kinh doanh của mình, chịu bỏ sức thực hiện hoạt động quảng bá tiếp cận thị trường và đổi mới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, vì một khi thương hiệu đã có thì giá trị hàng hóa sẽ được nâng lên cao hơn, ông Paolo R. Vergano khẳng định.

Ái Vân / VnEconomy

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as