Rau mùi Tân Mỹ ủ hương chờ Tết

Một góc cánh đồng rau Tân Mỹ.

Trước đây, thôn Tân Mỹ (Điện Minh, Điện Bàn) là vùng chuyên canh rau ăn lá như cải, dền đỏ, xà lách, bồ ngót, mồng tơi. Nhưng khi các vùng trồng rau ở Đại Lộc, Thăng Bình xuất hiện và nhất là trước sự "trỗi dậy" của làng rau Trà Quế, nông dân Tân Mỹ đã chuyển hướng.

Họ vẫn trồng các loại rau quen thuộc trước đây, nhưng rất ít, chỉ đủ để ăn và để... "gợi nhớ" một thời. Thay vào đó, họ trồng chủ yếu rau mùi, rau gia vị. Ngoài ngổ điếc, diếp cá, ngò... còn có rau cần, rau húng, rau răm, ngò tây, rau quế... Hầu hết các loại rau mùi này không kén đất, ít "đỏng đảnh" trước sự thay đổi của thời tiết, có thể trồng được suốt bốn mùa, trên các chân đất khác nhau. Cứ thế, quanh năm, cả thôn Tân Mỹ luôn được tắm mình trong nồng nàn của bao hương vị...

Bà Hồ Thị Tấc, có thâm niên 21 năm trồng rau và sống nhờ rau cho biết, thường thì các loại rau khác lúc rất được giá, lúc rẻ như bèo. Còn với rau mùi, giá cả gần như ổn định quanh năm, đơn giản vì với đa số các món ăn, có thêm vài cọng rau mùi thì hương vị sẽ trở nên hấp dẫn hơn nhiều. Như các loại rau quế, húng, ngò tây..., nhiều tháng nay vẫn đang đứng giá ở mức 2.000 đồng/kg, chủ yếu được tiêu thụ bởi các quán phở. Còn rau răm, theo đúng chu trình hằng năm, hễ càng gần đến tết thì càng được giá, và hiện đang ở mức 2.500 đồng/kg bán sỉ, cao hơn tháng 11 âm lịch 300 đồng/kg... Ở Tân Mỹ, ngoài bà Tấc còn có 7-8 người khác làm rau mùi lâu năm và có quy mô lớn, từ 2 sào trở lên. Với giá cả như hiện nay, cứ một sào rau răm mỗi tháng người trồng rau có thể thu 500-600 nghìn đồng; lãi ròng khoảng 400-450 nghìn đồng. Còn với các loại rau cho thu hoạch mỗi tháng hai lứa, tổng số tiền thu vào có khá hơn. Nhưng do chi phí phân bón, công chăm sóc nhiều hơn nên số tiền lãi cho mỗi đơn vị diện tích tương ứng cũng ngang bằng với rau răm. Nhưng không vì thế mà dân Tân Mỹ coi trọng thứ này, phụ rẫy thứ kia. Bởi nói như lão nông Đặng Mẫn, sở dĩ nghề nông - đặc biệt là nghề trồng rau, "sống bền" là vì rau rác luôn "bù đắp" cho nhau, mất cái này còn cái khác, trừ trường hợp lũ lụt mù trời như hồi cuối năm ngoái. Và quan trọng hơn, người Tân Mỹ gắn bó với rau mùi vì thu nhập mà nó mang lại cao hơn hẳn so với nghề trồng lúa hay các loại rau ăn lá khác.

Cũng vì những lẽ ấy, rau mùi Tân Mỹ cứ lặng lẽ "bò" lan ra khắp thôn, khắp các khu vườn, thửa ruộng, các nổng, các gò; ăn cả vào các vệ đường quanh co. Với khoảng một nửa hộ dân Tân Mỹ, rau mùi là loại cây trồng cho thu nhập chính. Không ít người lần lượt chuyển dần ruộng lúa thành ruộng rau; rồi thay đổi phương thức canh tác. Diếp cá, ngổ điếc, rau húng vốn quen sống trên đất ướt, nay được bà con chuyển hẳn lên cạn, chen vào những khu đất trước đây chỉ để trồng đậu, trồng bắp. Theo ông Đặng Mẫn, khi lên sống trên bờ, các thứ rau này trông "sạch" hơn, thân và lá đều giòn nên nhiều người ưa thích, và tất nhiên, cũng ít bị mất giá hơn... Phần đất trũng nước dôi ra, rồi cả những đám ruộng lúa kém màu mỡ, được ưu tiên cho cây rau răm. Đi trên tuyến đường tránh thị trấn Vĩnh Điện đoạn qua Tân Mỹ, nhìn về mé phía đông, có thể thấy cả một cánh đồng rau răm xanh thẫm. Ruộng lúa được lùi ra phía xa hơn...

Những ngày này, người trồng rau mùi Tân Mỹ ra đồng nhiều hơn, nhổ cỏ, bón phân và cắt tỉa bớt những khóm rau già. Rau húng, ngổ diếc, diếp cá... mới được tỉa đọt, chờ vài chục ngày nữa là vừa kịp mùa rau tết. Cạnh những vạt ngò tây, rau quế xanh tốt là những ô đất vừa được vỡ ra, gieo ngò, tần ô. Những ruộng rau răm rộng thênh thang cũng đã được phân luống, "chia lịch" luống nào cắt trước, luống nào cắt sau, sao cho trong vòng một tuần trước tết ngày nào cũng có rau đi chợ. Xa hơn, một số người cũng đã tính đến các buổi chợ rau đầu năm mới. Một người tiết lộ: "Dân quê mình quen cúng gà đầu năm, để dành một vạt rau răm, tới cữ đó đem bán thế nào cũng được giá...".

Phú Mỹ / Báo Quảng Nam

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as