Dư nợ tín dụng tăng mạnh: Mừng hay lo?

Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố, nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế thông qua các tổ chức tín dụng tăng 4,86% so với cuối tháng trước và tăng 11,16% so với cuối năm 2008.

Kết thúc quý 1/2009, với một loạt giải pháp chống suy giảm kinh tế của Chính phủ, trong đó có nới lỏng dần chính sách tiền tệ, dư nợ tín dụng chỉ tăng vỏn vẹn 2,67% so với cuối năm 2008. Tại thời điểm đó, nhiều chuyên gia kinh tế đã đặt câu hỏi về tốc độ tăng dư nợ và thậm chí đã có ý kiến cho rằng tín dụng đang bị “đóng băng”.

Tuy nhiên sang tháng 4, mọi chuyện đã đảo ngược khi nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế từ các tổ chức tín dụng tăng đột biến.

Đã nên cẩn trọng?

Lý giải về tốc độ tăng đột biến của tháng 4, một chuyên gia kinh tế cho rằng mục tiêu tăng trưởng dư nợ trong năm nay là khá cao, khoảng 21-23% cùng với việc nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn nên nhiều khả năng Chính phủ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và đẩy mạnh đầu tư trong tháng 4.

Một lý do nữa, theo chuyên gia này, là hoạt động giải ngân của các ngân hàng đã tiến hành trong các tháng trước nhưng đến tháng 4, nguồn tín dụng mới thực sự đi vào nền kinh tế.

Nếu giữ nguyên tốc độ này, dư nợ tín dụng cuối năm có thể tăng trên 30%. Con số này không khỏi làm nhiều người “giật mình” khi nhớ lại thời kỳ tăng trưởng tín dụng nóng năm 2007 và đầu năm 2008.

Theo một chuyên gia kinh tế của Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, nhiều nước hiện đang phải đối mặt với tình trạng tín dụng đóng băng, ngân hàng không dám cho vay và doanh nghiệp cũng không “mặn mà” vay.

Vì thế, tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức như vậy là một tín hiệu tốt bởi nó cho thấy kênh tín dụng cho doanh nghiệp và người dân đã được khơi thông.

TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: nếu giữ tổng dư nợ tín dụng dưới 25% và sử dụng tốt các công cụ tiền tệ, hướng vào các mục tiêu của Chính phủ thì sẽ không gây ra những tác động bất lợi.

Tăng trưởng nhưng phải kiểm soát dòng tiền

Tuy nhận định như vậy nhưng ông Lịch cũng cảnh báo: “Việc tăng dư nợ là một vấn đề nhưng đáng quan tâm hơn là biết được dòng vốn đó chảy vào đâu”.

Bởi nếu các dòng vốn đó đi đúng mục tiêu như các chính sách của Chính phủ đề ra thì không gây ra nguy cơ nhưng nếu không kiểm soát tốt, để nguồn vốn đó đi vào các kênh đầu cơ như thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản thì sẽ rất “lôi thôi”.

Cùng quan điểm với TS. Trần Du Lịch, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam cho rằng, nếu các nguồn tín dụng trên không bị kiểm soát chặt thì không thể biết được dòng tiền đó đi vào đâu và hiệu quả của nó thế nào.

Nếu dòng tiền chảy vào chứng khoán hay bất động sản thì rõ ràng nó không tạo ra được bất kỳ giá trị gia tăng nào cho nền kinh tế mà còn làm cho nền kinh tế có dấu hiệu “ấm giả” trên các thị trường này.

“Trong khi đó, dấu hiệu ấm lên thực sự của nền kinh tế phải dựa trên giá trị về sản xuất công nghiệp, tiêu dùng..., những dấu hiệu theo tôi là chắc chắn”, ông Vũ Thành Tự Anh nói.

TS. Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương còn đề nghị Quốc hội vào cuộc để giám sát đường đi của dòng tiền. Những ý kiến này đã được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền ghi nhận và hứa sẽ xem xét nhưng thời điểm thực hiện thì vẫn còn bỏ ngỏ!

Còn nhớ năm 2007, một số ngân hàng đã tranh thủ huy động và cho vay thật nhiều, trong đó có việc đổ vốn vào những lĩnh vực ẩn chứa rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán... Kết quả tất yếu là tổng dư nợ cho vay và đầu tư vào nền kinh tế của hệ thống ngân hàng Việt Nam tăng 34% so với cuối năm 2006.

Theo VNE

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as