Doanh nghiệp “tung chiêu” để thu hút lao động

TP.HCM có ba khu chế xuất (KCX) và 12 khu công nghiệp (KCN), tập trung 255.000 lao động (LĐ) với 70% là LĐ các tỉnh. Thiếu hụt LĐ trầm trọng và sự dịch chuyển thường xuyên về nhân sự chiếm 15-30% không chỉ trong các KCX-KCN. Những đơn vị bị “mất” LĐ đang đưa ra nhiều chính sách để khắc phục tình trạng thiếu hụt này.

Thưởng "Nóng" và cho "Vay nóng"

Doanh nghiệp (DN) treo băng rôn tuyển dụng với những chế độ hấp dẫn, thu nhập người LĐ cao hơn đối thủ cạnh tranh đã không còn là điều mới lạ trong các KCX, KCN. Chỉ cần thấp hơn 100.000đ/người/tháng, không chi phụ cấp tiền xe 50.000đ/người/tháng, hàng trăm công nhân của Công ty HMS Việt Nam tại KCX Linh Trung đã dứt áo ra đi sang đầu quân cho DN kế cận. Công ty dệt LN Sài Gòn (KCN Tân Bình) sau ba tháng liên tục bị giảm LĐ (cả một chuyền đóng gói 25 người đến chuyền may 50 người) đã phải mang xe đưa rước công nhân chạy rảo trên Quốc lộ 1A để đón “nóng” công nhân bằng chiêu thưởng “nóng” và cho “vay nóng”. Trưởng phòng hành chính thay thế giám đốc nhân sự vừa xin thôi việc của Công ty dệt LN Sài Gòn cho biết: “Mỗi lần bị người quản lý giỏi ra đi là hầu như kéo theo cả ê kíp. Để duy trì sản xuất, đảm bảo giao hàng đúng tiến độ, chúng tôi đành dùng biện pháp đối đế là thưởng nóng 200.000đ/người khi nhận việc và ứng lương trước 300.000đ/người”.

Tại KCN Tân Bình, một số DN quy mô nhỏ 100-200 LĐ đã tổ chức nhà trẻ mini, giữ con cho công nhân, ứng tiền thưởng năm cho người LĐ có thời gian gắn bó với DN từ ba năm trở lên hoặc cho LĐ vay tiền với lãi suất ngân hàng (trừ dần vào lương tháng) để giữ chân người LĐ. Ông Phùng Quang Hưng (Giám đốc điều hành Công ty thực phẩm Thiên Hưng) nhận xét: “Trong điều kiện khó khăn về giá cả, tiền lương, chúng tôi phải cắt giảm nhiều chi phí, nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định cuộc sống của người thợ, chia sẻ với họ phần nào để họ yên tâm sản xuất. Đây được xem là kinh phí đầu tư giữ chân LĐ thay vì dành cho chi phí tuyển dụng và đào tạo mới”.

Một hình thức thưởng “nóng” khác được các đơn vị áp dụng là chi tiền thưởng cho công nhân theo từng đơn hàng sản xuất khi đẩy nhanh tiến độ bằng phong trào thi đua tổ nhóm. Ví dụ tại công ty TNHH MT - đơn vị liên kết với các DN dệt may lớn như Nhà Bè, Việt Tiến. Chỉ có gần 100 nhân viên kỹ thuật theo dõi các đơn hàng may xuất khẩu, MT tăng hiệu suất LĐ bằng cách thi đua giữa các tổ nhóm với tiền thưởng nóng từ 50-70 triệu đồng/đội (10-15 người). Điều này không chỉ tăng thu nhập cho mỗi thành viên mà còn kích thích sự sáng tạo, thi đua trong các nhóm, không khí làm việc năng động, giảm bớt sự mệt mỏi và căng thẳng. Chị Nguyễn Kim Loan (kế toán trưởng phụ trách đời sống của MT) chia sẻ: “DN ít người, chưa thành lập tổ chức công đoàn, không tổ chức được bữa ăn cho nhân viên, không có căng tin, nhưng chúng tôi thiết kế những bữa ăn tập thể, mua sắm nồi cơm điện, lò vi sóng và cung cấp gạo cho nhân viên nấu cơm tại chỗ. Bên cạnh đó là tổ chức sinh hoạt tập thể tạo sự gần gũi, thân thiện. Chúng tôi “giữ” người bằng cả vật chất và tình cảm”.

Đổi mới cách tuyển và dùng người

Theo Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP.HCM, nhu cầu tuyển dụng của các DN trong tháng 6/2011 cần 23.000 LĐ, giảm 10% so với tháng 5/2011; thị trường nhân sự mùa vụ giữa năm không còn sôi động như các năm trước. Những ngành nghề thâm dụng LĐ như da giày, dệt may và LĐ phổ thông cũng giảm hẳn, chỉ chiếm khoảng 25% nhu cầu tuyển dụng, còn lại là công nhân kỹ thuật, trung cấp nghề và LĐ quản lý. Theo ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP.HCM) thì: “Thị trường đang có nhiều biến động về nhân sự, có sự dịch chuyển mạnh mẽ giữa các ngành, đối tượng LĐ có nghề và không nghề. Một số DN do nhiều áp lực đã phải tinh giản dần bộ máy, nhân sự chất lượng cao, đổi mới phương pháp tuyển người và dùng người, xem việc tuyển dụng như một chi phí đầu vào để có nguồn nhân sự phù hợp, không tuyển tràn lan và chính sách dùng người dài lâu, không ăn xổi như trước”.

Tại TP.HCM, những tháng cuối năm sẽ diễn ra hàng loạt hoạt động tư vấn hướng nghiệp nhằm gắn kết DN với các trường nghề. Hiện nay, riêng các KCX, KCN tập trung các ngành chủ lực của TP như: điện tử trên 38%, cơ khí 15%, thực phẩm, dịch vụ từ 12-15% và dệt may, các ngành nghề khác chỉ chiếm 8-11%. Đặc biệt, ngành công nghệ thông tin tăng trưởng mạnh với khả năng thu hút nhân lực cao nhất, kế hoạch đào tạo 140.000 LĐ kỹ thuật có trình độ từ cao đẳng trở lên để đáp ứng nhu cầu phát triển gần 10.000 DN công nghệ thông tin từ nay đến năm 2015. Điều này cần có sự định hướng giúp người LĐ và DN nắm bắt đúng nhu cầu thị trường, đào tạo có địa chỉ, đào tạo lại và tái bố trí nguồn lực hiệu quả.

Song Khê/ PNO

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as