Kinh tế Việt Nam sẽ sớm hồi sức hoàn toàn

Trong buổi công bố báo cáo về những phân tích tình hình kinh tế và môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam diễn ra cuối tuần qua, Liên minh Châu Âu (EU) nhận định: Mặc dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn trong tình trạng “sức khỏe” hợp lý và hoàn toàn có thể hồi phục đầy đủ.

Việt Nam - 1 trong 12 nước tăng trưởng dương
Tham tán Thương mại EU-ông Antonio Berenguernhận xét: Năm 2008, Việt Nam trải qua hai “khủng hoảng” liên tiếp, trong suốt nửa đầu của năm 2008, nền kinh tế Việt Nam phát triển quá nóng gây ra bởi nguồn vốn lớn đổ vào nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng mạnh, lạm phát cao và thâm thủng thương mại lớn. Trong nửa cuối năm 2008, khủnghoảng kinh tế toàn cầu đã châm ngòi cho sự xuống dốc trong xuất khẩu và thu hút FDI của Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã thành công trong kiềm chế lạm phát thông qua chính sách thắt chặt tiền tệ và thắt chặt tài khóa đối phó với tăng trưởng nóng. Không chỉ có vậy, cuôi năm 2008 và đầu năm 2009, Chính phủ đã áp dụng những biện pháp kích cầu nhằm duy trì mức tăng trưởng, thông qua các gói kích cầu kinh tế, nhờ đó tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,18% trong năm 2008. Chính điều này đã khiến các chính phủ và các tổ chức tư nhân cho năm 2009 vẫn xem Việt Nam nằm trong số 12 nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng dương trong giai đoạn này. Mặc dù đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng hiện này, nhưng ông Antonio Berenguer cũng đưa ra nhận định: Tốc độ phát triển kinh tế từ đầu năm đến nay đã chậm lại, và chắc chắn bị tổn thương. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn trong tình trạng sức khỏe hợp lý và hoàn toàn có thể hồi sức đầy đủ khi các điều kiện bên ngoài – nói cách khác là các thị trường nước ngoài – cho phép.
Ông Sean Doyle, Trưởng Phái đoàn Uỷ ban Châu Âu (EC) tại Việt Nam cho biết: Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong những tháng đầu năm 2009 giảm mạnh so với những năm trước, nhưng vẫn ở mức cao nhất thế giới. Theo số liệu mới nhất, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam của các doanh nghiệp thuộc EU lên tới 60% tổng vốn cam kết. Đây được xem là con số ấn tượng vì tỉ lệ giải ngân vốn FDI trung bình của cả nước năm 2008 chỉ đạt 17%. Điều đó cho thấy, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
EU tiếp tục là đối tác thương mại hàng đầu
Trong năm 2009 và những năm tiếp theo, EU tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đó là khẳng định của EU đối với Việt Nam. Có như vậy là bởi hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, riêng năm 2008, thị trường EU tiêu thụ khoảng 12,2 tỉ USD hàng xuất khẩu của Việt Nam, vượt cả thị trường Mỹ (nhập khẩu 11,86 tỉ USD hàng từ Việt Nam). Không chỉ có vậy, trong quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với EU trên quy mô lớn hiện có lợi cho Việt Nam với mức thặng dư thương mại Việt Nam được hưởng khoảng 5,41 tỉ USD (trong khi Việt Nam phải chịu thâm hụt thương mại chủ yếu với hai đối tác chính là Trung Quốc và ASEAN khoảng 11,2 tỉ USD và 9,38 tỉ USD). Đáng lưu ý là hàng hóa EU nhập từ Việt Nam tiếp tục tập trung vào những sản phẩm tận dụng lao động và những mặt hàng này đều có tốc độ tăng trưởng mạnh. Giày dép tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất giữa hai thị trường này (hơn 2 tỉ USD trong năm 2008, tăng 6,4% so với năm 2007). Những ngành hàng khác cũng tăng mạnh như dệt may đạt tăng 7,34%; cà phê tăng 1,71%; hải sản tăng gần 18%; và đồ gỗ tăng hơn 2,92%.
Bên cạnh đó, hiện EU là nhà đầu tư lớn với số vốn đầu tư đứng thứ 2 chỉ sau Nhật Bản xét trên tổng vốn FDI giải ngân. Năm 2008, EU đầu tư khoảng 7 tỉ USD vào các dự án FDI ở Việt Nam. Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân các dự án kinh tế cũng đứng ở mức cao (EU cam kết đầu tư 11,8 tỉ USD và triển khai giải ngân 7 tỉ USD) – tỉ lệ này cao hơn gấp 4 lần mức trung bình (vốn giải ngân so với vốn cam kết) của cả nước trong năm 2008 (các nhà đầu tư nước ngoài cam kết 64 tỉ USD/giải ngân 11,5 tỉ USD.
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam phát triển dương, là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng EU tại Việt Namvẫn đưa ra khuyến nghị: Việt Nam cần tiếp tục hạn chế quan liêu; Đẩy mạnh quá trình tự do hóa thương mại; Tăng cường hệ thống bảo vệ sở hữu trí tuệ, hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực cũng như cơ chế phá sản nhằm thu hút hơn nữa nguồn đầu tư có chất lượng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.

Theo Infotv.vn

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as