Kinh tế Việt Nam sáu tháng cuối năm

Những vấn đề của kinh tế vĩ mô Việt Nam trong nửa sau năm nay, qua góc nhìn của tiến sĩ Võ Trí Thành, viện phó viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

So với nhiều nước, kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng éo le nhất, ở chỗ chúng ta chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế vĩ mô, các rủi ro về vĩ mô còn lớn như lạm phát cao hơn, thâm hụt cán cân thanh toán nhiều hơn, thâm hụt ngân sách cao hơn, gói kích cầu cao; trong khi nguồn lực lại hạn chế.
Ví dụ như Trung Quốc, họ có 2.000 tỉ đôla dự trữ ngoại tệ là điều kiện để Nhà nước can thiệp. Thị trường ta không rộng như họ. Thu nhập đầu người của Việt Nam là 1.000 đôla, so với Trung Quốc là 3.300 đôla.
Cách đây 15 năm GDP đầu người của Trung Quốc chỉ gấp rưỡi, nay gấp ba lần chúng ta. Tức là sức cầu trong nước họ cao. Như vậy, điều kiện vĩ mô ta không tốt bằng họ, nguồn lực ta không dồi dào bằng họ.
Bản chất của gói kích cầu
Liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất, theo tôi, bản chất của nó là để cho doanh nghiệp và ngân hàng sống sót. Chúng ta phải chấp nhận anh nào ốm, tôi (Nhà nước) cũng cứu. Chúng ta phải làm thế. Nhưng chính sách này có ba vấn đề.
Thứ nhất, nguy cơ là chúng ta không tạo ra năng lực cạnh tranh thực. Ngay cả WB và IMF cũng cảnh báo về vấn đề nợ xấu. Thứ hai, nó không đúng mục tiêu là kích cầu vào tiêu dùng và đầu tư trong nền kinh tế thực. Thứ ba, Nhà nước không kiểm soát được hướng đi của các luồng tiền: họ dùng đảo nợ, gửi lại ngân hàng, đầu tư chứng khoán...
Hiện đang có rất nhiều tranh cãi về gói kích cầu của Việt Nam về quy mô, hiệu quả, cơ hội cho tham nhũng, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô. Thậm chí WB và IMF đề nghị không nên thực hiện gói kích cầu thứ hai.
Trong bối cảnh kích cầu cao, cũng phải đề cập đến thực tế là rủi ro lạm phát đã trở nên cao hơn rất nhiều. Cái rủi ro đó đã được phản ánh trong ý nguyện của Chính phủ. Tháng 4, mức lạm phát điều chỉnh mà Chính phủ có ý đưa ra Quốc hội chỉ 6%, bây giờ là dưới 10%. Theo tôi, nhiều khả năng lạm phát sẽ là 8 – 9%.
Vì sao? Vì tăng lương; loại bỏ kiểm soát giá điện, nước; nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khoá cho kích cầu; và giá cả thế giới đã chững lại và chỉ đi ngang (thay vì giảm xuống) trong khi giá dầu tăng. Hy vọng giá thế giới giảm, kéo lạm phát trong nước xuống như từ tháng 8 năm ngoái đến tháng 3 năm nay đã hết.
Chính sách tiền tệ nới lỏng đã qua
Cách đây vài tháng tôi có trao đổi với các anh ở uỷ ban Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia là dư địa cho chính sách tiền tệ là còn rất nhỏ. Bây giờ tôi có thể nói dư địa cho nới lỏng chính sách tiền tệ gần như đã chấm dứt. Lý do, lạm phát được dự báo cao hơn, không thể nào lạm phát kỳ vọng là 8 – 9% mà lãi suất huy động là 7%/năm được.
Thứ hai, trong một nền kinh tế bị đôla hoá cao như ta, thì kỳ vọng của thị trường vào tỷ giá vẫn là 18.500đ/USD. Nhưng nhiều tổ chức quốc tế dự báo USD sẽ yếu đi trong năm sau. Đó cũng là điều tốt, làm tỷ giá đỡ căng thẳng. Như vậy, khó khăn vẫn đang chờ đợi trong 6 – 7 tháng tới.
Thứ ba là phát hành trái phiếu chính phủ. Muốn người ta mua thì lãi suất không thể thấp được. Hiện nay lãi suất đã 8,3% mà vẫn chưa đủ hấp dẫn. Năm nay sẽ phát hành trái phiếu trị giá gần 56 ngàn tỉ đồng, và 1 tỉ USD thì làm sao hạ lãi suất được.
Điểm thứ hai của chính sách tiền tệ là bao giờ thì bỏ trần lãi suất. IMF đề nghị Việt Nam càng bỏ nhanh càng tốt. Tôi thì hơi sợ gợi ý này vì nó sẽ gây ra cú sốc khá lớn. Quan điểm của tôi là cần bỏ, nhưng bỏ vào thời điểm nào thì phải phụ thuộc vào hai yếu tố.
Thứ nhất, là phải tính toán lại gói kích cầu hỗ trợ lãi suất 4% (đã giải ngân được 330 ngàn tỉ đồng trong tổng số dự kiến 550 ngàn tỉ trong gói thứ nhất), đặc biệt là gói hỗ trợ trung và dài hạn. Thứ hai là phải đo được mức độ ổn định kinh tế vĩ mô.
Khi nào thì bỏ trần lãi suất? Hiện nay chúng ta đang rất khó khăn vì khoảng cách giữa lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay quá nhỏ. Bỏ thì nó quay lại câu chuyện tôi đã nói, thắt chặt quá sớm, nền kinh tế chưa lên thì lại có nguy cơ đi xuống.
Mà bất ổn kinh tế vĩ mô còn cao thì lạm phát lại quay đầu trở lại. Nếu lần này lạm phát quay lại thì vô cùng nguy hiểm. Tình hình còn rất khó khăn và không đơn giản như nhiều người nói. Nhưng tôi hy vọng là chúng ta vượt qua được.

Theo Tư Giang
SGTT

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as