Mừng, lo giao dịch ký quỹ

Dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động giao dịch ký quỹ (đang hoàn thiện để chuẩn bị ban hành) đang tạo những tâm lý trái chiều đối với nhà đầu tư.

Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cơ quan này đang khẩn trương hoàn tất Thông tư hướng dẫn Giao dịch ký quỹ để chậm nhất là cuối tháng này sẽ trình Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt.

Giao dịch ký quỹ (margin trading) là việc mua, hoặc bán chứng khoán trong đó người đầu tư chỉ thực có một phần tiền hoặc chứng khoán, phần còn lại do công ty chứng khoán cho vay. Việc đưa vào sử dụng giao dịch ký quỹ có thể mang lại những tác động tích cực như ổn định giá chứng khoán, tăng tính thanh khoản của thị trường.

Với việc sử dụng dịch vụ giao dịch ký quỹ, nhà đầu tư có thể tối đa hoá lợi nhuận. Chẳng hạn, khi thị trường lên điểm, nhà đầu tư vay thêm tiền từ công ty chứng khoán để đầu tư, họ sẽ có cơ hội mua được nhiều cổ phiếu hơn và khi giá cổ phiếu tiếp tục tăng, lợi nhuận mà họ có được sẽ cao hơn so với việc chỉ sử dụng vốn tự có để đầu tư. Tất nhiên, giao dịch ký quỹ cũng ẩn chứa độ rủi ro cao nếu nhà đầu tư dự đoán sai về diễn biến thị trường.

Trong thời gian qua, từ khi có thông tin về việc UBCKNN đang tiến hành soạn thảo Thông tư hướng dẫn Giao dich ký quỹ, thị trường đã trải qua một chu kỳ tăng điểm mạnh. Lý do là, các nhà đầu tư cho rằng, khi Thông tư về giao dịch ký quỹ được ban hành, thị trường sẽ có thêm đòn bẩy do tác dụng của quy định cho phép mua ký quỹ. Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra lo lắng về các vấn đề quản lý thị trường sau khi quy định về giao dịch ký quỹ được chính thức ban hành.

Ông Trần Tiến Dũng, một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán cho biết, hiện cơ quan quản lý (Trung tâm lưu ký) vẫn chưa quản lý được tài khoản của từng nhà đầu tư. Cụ thể, Trung tâm lưu ký hiện chỉ quản lý tổng số chứng khoán theo “đầu” từng công ty chứng khoán. Theo đó, các công ty chứng khoán sẽ tự quản lý tài khoản của các nhà đầu tư là khách hàng của mình.

Tương tự tài khoản chứng khoán, việc quản lý tài khoản tiền của nhà đầu tư hiện nay cũng khá “nhập nhèm”.

Mặc dù UBCKNN đã yêu cầu các công ty chứng khoán phải chuyển việc quản lý tiền về một ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, ngân hàng cũng chỉ có một khoản duy nhất “gộp” tất cả các nhà đầu tư của công ty chứng khoán trong đó và công ty chứng khoán chính là người tự phân chia trong cái “rổ” tiền đó.

Theo một số nhà đầu tư lâu năm, khi nghiệp vụ giao dịch ký quỹ được đưa vào áp dụng, công ty chứng khoán sẽ được cung cấp dịch vụ ứng tiền cho nhà đầu tư mua chứng khoán nếu họ không có đủ tiền trong tài khoản.

Về mặt pháp lý, khi công ty chứng khoán cho khách hàng vay tiền, thì số tiền đó phải là tiền của công ty chứng khoán, nếu họ lấy tiền của người khác, thì phải được sự đồng ý của người bị lấy tiền và phải trả lãi suất cho họ.

Tuy nhiên, khi công ty chứng khoán là người “tự biên tự diễn” trong cái “rổ” tiền khổng lồ (là tổng số tiền của tất cả các nhà đầu tư có tài khoản tại công ty chứng khoán), thì có gì để đảm bảo rằng, công ty chứng khoán không lấy tiền của nhà đầu tư này để ứng cho nhà đầu tư khác.

Điều nguy hiểm nằm ở chỗ, người bị lấy tiền có thể hoàn toàn không biết. Nếu mọi sự suôn sẻ (lấy “tạm” một thời gian rồi trả lại nguyên vẹn) thì đó cũng đã là một sự xâm hại quyền lợi đối với người bị “mượn” tiền. Còn nếu có rủi ro xảy ra (người vay tiền không trả được nợ, trong khi công ty chứng khoán cũng không thu xếp bù trả được tiền cho tài khoản bị chiếm dụng), thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Theo Hải Bằng
Báo Đầu tư

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as