Vốn kinh doanh: trong khó ngoài khó

Lãi suất ngân hàng dù đã giảm, vẫn ở mức trên 19%, các doanh nghiệp Việt Nam xoay xở đủ cách để huy động nguồn vốn đôla Mỹ từ bên ngoài, chấp nhận lãi suất cao hơn hẳn so với mức lãi suất mà các doanh nghiệp thuộc các nước đang phát triển trong khu vực như Indonesia, Thái Lan hoặc Trung Quốc đang trả.

Nếu kế hoạch huy động 200 triệu đôla Mỹ bằng việc phát hành trái phiếu kỳ hạn năm năm trên thị trường Singapore được tiến hành suôn sẻ như dự định, công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức sẽ vẫn phải trả cho các nhà đầu tư một mức lợi tức cao hơn hẳn mặt bằng thị trường quốc tế hiện tại. Ông Đức cho biết, việc tín nhiệm nợ quốc gia của Việt Nam đang bị các tổ chức đánh giá quốc tế hạ điểm xấu như hiện nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cả đánh giá tín dụng của doanh nghiệp thuộc khối tư nhân như HAGL. Tình hình không dễ dàng khiến HAGL phải thuê hai tổ chức Moody’s và Standard & Poor’s đánh giá công ty. Nhưng ngay cả khi tự tin rằng kết quả đánh giá được công bố đầu tháng tới có thể giúp công ty vay vốn, ông Đức vẫn tiên liệu rằng chi phí vay sẽ cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp nước ngoài cùng ngành.
Giá cao vẫn phải vay
“Các doanh nghiệp lớn đều đang khát vốn”, ông Đức chia sẻ. “Chi phí cao hơn thì tôi vẫn vay, vì cao hơn cũng không thể cao bằng lãi vay trong nước hiện nay”. Theo tính toán của ông Đức, yếu tố biến động tỷ giá khi trả nợ là không đáng kể đối với HAGL vì dự tính trong vòng hai năm tới, công ty này sẽ bắt đầu có các khoản thu ngoại tệ từ xuất khẩu của những dự án trồng cao su, khai khoáng và thuỷ điện ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Riêng về thị trường địa ốc trong nước, ông Đức cho là vẫn đang “rất thê thảm” và HAGL dự định sẽ còn giảm giá mạnh đối với ba dự án chung cư mà tập đoàn này sẽ tung ra bán trong năm tới.
Hồi đầu năm nay, Chính phủ phát hành trái phiếu với mức lợi tức 6,95%. Đây là mức trước khi vụ Vinashin thua lỗ đổ bể, và trước khi nền kinh tế bộc lộ rõ những yếu kém về cấu trúc như hiện nay, từ lạm phát hai con số, tiền đồng mất giá, đến cuộc đua lãi suất của ngân hàng. Ở thời điểm hiện nay, theo tiến sĩ kinh tế Trần Vinh Dự, một giám đốc thuộc công ty TNK Capital Partners, nếu Chính phủ phát hành trái phiếu, thì lợi tức phải trả cho nhà đầu tư sẽ vượt quá 7%. Đối với những doanh nghiệp như HAGL, chi phí vốn sẽ lên tới 9%/năm hoặc cao hơn. Ông Dự cho rằng rất khó để tìm những nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro cho vay. Ông nói: “Ngay cả nếu tìm được người mua trái phiếu trong thời điểm này, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với rủi ro tỷ giá, khiến cho chi phí vốn cao hơn”.
Ngay cả với mức chi phí vay vốn USD cao lên tới 9 – 10%/ năm, thì vẫn không nhiều doanh nghiệp Việt Nam có đủ khả năng tiếp cận với nguồn vốn nóng của nước ngoài. HAGL là một trong số ít doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn này, từ việc bán 60 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho Temasek của Singapore, đến việc bán 70 triệu USD cổ phiếu riêng lẻ cho Deutsche Bank. Mới đây, có thêm công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) cũng đã bán được 25 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho Goldman Sachs. Với đa số các công ty vừa và nhỏ, việc tiếp cận nguồn vốn vay nước ngoài hiện nay là rất khó khăn.
Chi phí vốn 6 – 7% tìm ở đâu?
Tình cảnh doanh nghiệp tư nhân như vậy, doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ không dễ dàng gì hơn trong việc vay vốn ngoại. Các tập đoàn nhà nước lớn như tập đoàn Dầu khí, tập đoàn Than khoáng sản đều đã phải hoãn các kế hoạch phát hành trái phiếu vay vốn ở nước ngoài lại do tình trạng tín nhiệm nợ quốc gia đang xấu và việc Vinashin chưa trả nổi nợ vay nước ngoài. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Tiến Dũng, phó tổng giám đốc tập đoàn Dầu khí (PVN), tập đoàn này không từ bỏ ý định huy động vốn đầu tư. Ông Dũng cho biết PVN đang chuẩn bị huy động 1 tỉ USD từ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra nước ngoài. “Vẫn cần rất nhiều vốn”, ông Dũng nói. “Tuy nhiên mọi việc đều phải tính kỹ. Chúng tôi cố gắng thực hiện nhưng chỉ phát hành với chi phí hợp lý”.
Chi phí vốn vay USD ở mức 6 – 7%, theo ông Dũng là chấp nhận được. Các chuyên gia tài chính cho rằng ở thời điểm này, doanh nghiệp nhà nước khó có thể vay được ở mức chi phí ấy. PVN hiện vẫn đang chuẩn bị một đợt xúc tiến đầu tư tại Mỹ vào thời gian tới. Năm ngoái tập đoàn này đã tổ chức hai đợt xúc tiến tại Nhật và Hàn Quốc, và cho rằng vẫn có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.

“Tình hình đang nan giải, nhưng vẫn phải cố gắng, và bao giờ cũng phải có hy vọng”, ông Dũng nói như vậy về kế hoạch vay vốn của tập đoàn.

Theo SGTT

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as