Hiệp ước EU lập chức chủ tịch khối

Lãnh đạo EU sẽ ký hiệp ước trong một

tu viện được xây cất vào thế kỷ XVI

tại Lisbon

Lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) tụ tập tại Lisbon thủ đô Bồ Đào Nha để ký một hiệp ước nhằm thay thế hiến pháp châu Âu bị hủy bỏ.

Hiệp ước này sẽ có tác động lớn lên chính sách và cách điều hành của các nước thành viên.

Theo hiệp ước, EU sẽ có một chức chủ tịch và một người đứng đầu về các chính sách ngoại giao cho tất cả 27 nước của Liên Hiệp.

Cùng lúc hiệp ước này cũng hủy bỏ quyền phủ quyết của các nước thành viên trong nhiều chính sách.

Hiệp ước sẽ thay thế hiến pháp EU vốn bị hủy bỏ sau khi Pháp và Hà Lan phản đối. Lãnh đạo EU nhấn mạnh là hai văn bản này hoàn toàn khác nhau.

Nhưng hiệp ước Lisbon cũng bao gồm một số chương trình cải cách chính của bản dự thảo hiến pháp và nhiều nước phải đối diện với áp lực từ trong nước liên quan đến văn bản này.

Thủ tướng Anh Gordon Brown đã quyết định không tham gia dự lễ ký kết, nói rằng ông đã có một hoạt động khác tại Quốc hội Anh.

Tuy vậy, ông cũng sẽ ký hiệp ước riêng vào cuối ngày thứ Năm.

Theo phóng viên Oana Lungescu của BBC, EU hy vọng việc ký kết hiệp ước Lisbon sẽ chấm dứt cuộc khủng hoảng mà EU đã phải đối diện sau khi bản hiến pháp bị hủy bỏ.

Ái Nhĩ Lan là nước duy nhất dự tính tổ chức một cuộc trừng câu dân ý nhưng đa số người dân ở đó xem ra vẫn chưa quyết định hay tỏ vẻ thờ ơ.

Quốc hội Anh, Hà Lan và Đan Mạch cũng được chờ đợi tiếp nhận bản hiệp ước dài 250 trang này với không ít những tranh luận gắt gao trước khi thông qua.

Tuy vậy, Đức, Pháp và Ba Lan hứa sẽ là những nước đầu tiên phê chuẩn hiệp ước và qua đó các cải cách sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2009 như dự tính.

Thu gọn

Hiệp ước là một bản thu nhỏ của hiến pháp châu Âu. Nó cũng không còn đề cập đến các biểu tượng như cờ và quốc ca.

Mục đích chính của hiệp ước là đơn giản hóa tiến trình lấy quyết định bằng cách hủy bỏ quyền phủ quyết của các nước thành viên trong khoảng 50 lĩnh vực, trong đó bao gồm cả những vấn đề nhạy cảm như hợp tác về cảnh sát hay pháp luật.

EU sẽ có một người đứng đầu về chính sách ngoại giao, kiểm soát ngân sách và hàng chục ngàn nhà ngoại giao và quan chức và một chức chủ tịch thường trực được chỉ định cho nhiệm kỳ năm năm.

Nhưng có một số quan ngại rằng thay vì giúp châu Âu có một tiếng nói duy nhất trên thế giới, những vị trí mới này có thể tạo thêm sự cạnh tranh.

Theo BBC

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as