Núi thơ Dục Thúy

Trên đỉnh Dục Thúy

Nằm nghiêng mình bên ngã ba sông Đáy sông Vân của thành phố Ninh Bình, Dục Thuý không chỉ là “cảnh tiên nơi cõi tục” mà còn là núi thơ với “thơ phú anh hoa đầy vách gấm” làm mê hồn bao du khách.

Đến với núi Dục Thuý là đến với bảo tàng thơ Hán Nôm - một bảo tàng thi ca của tạo hoá rất sống động và phong phú giữa đất trời. Vào đời Trần, Trương Hán Siêu tự là Thăng Phú, hiệu là Đôn Tẩu - người con của đất Ninh Bình đã khởi tạo nên bảo tàng thơ này, khai sinh ra truyền thống khắc thơ vào núi đá. Bài thơ đầu tiên ông khắc vào vách núi có tên là Núi Dục Thuý ngợi ca vẻ đẹp của núi và khát vọng tha thiết muốn trở về với quê hương vì sự quyến rũ của phong cảnh Dục Thúy tươi đẹp: Sắc núi còn xanh ngắt, Lâu rồi, người vẫn đi/ Lòng sông in bóng tháp, Tầng thẳm cửa thôi che/ Từ cách xa đời tục, Mới hay điều thị phi/ Năm Hồ trời đất rộng, Bến cũ khi nào về? (Băng Thanh dịch).

Đến triều Lê, vua Thánh Tông khi ở Vĩnh Lăng (Thanh Hoá) trở ra, cũng dừng thuyền lên thăm núi Dục Thuý, cảm thán trước cảnh đẹp của thiên nhiên và những bài thơ trên vách núi, đã làm bài Đề núi Dục Thuý, cho khắc ở phía tây của ngọn núi nhô cao ở phía đông. Vua Tự Đức triều Nguyễn đến thăm núi cũng đề thơ vào vách đá. Có thể nói không một ngọn núi nào trên đất nước ta lại gắn với nhiều triều đại phong kiến Việt Nam như núi Dục Thuý.

Một bài thơ được khắc ở Dục Thuý

Núi Dục Thuý Thơ phú anh hoa đầy vách gấm – thơ của các tao nhân mặc khách khắc hàng nối hàng như: Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Huy Oánh, Bùi Văn Dị, Phạm Bá Huyền... Núi đã mài mòn nét bút của bao hào kiệt. Dục Thuý là núi thơ - một tuyển tập thơ có một không hai ở đất nước ta, chứa đựng những bài thơ có một không hai ở đất nước ta, chứa đựng những bài thơ hay trong bảy thế kỷ qua.

Núi được khắc khoảng hơn 40 bài thơ, đó là những bức thông điệp vô giá lưu truyền trường tồn cho các thế hệ mai sau, giữ hộ con người bao điều sáng chói diệu kỳ, đã tô điểm, trang trí thêm cho núi có phần cổ kính, trang nghiêm và trí tuệ hơn. Đó cũng là giá trị văn hoá thể hiện tài năng sáng tạo, kỹ thuật tinh xảo, điêu luyện của các nghệ nhân khắc đá xưa. Bất luận thời gian, trải qua bao độ phong sương, mưa nắng của đất trời, những bài thơ chữ Hán, chữ Nôm, nét chữ to, nét chữ nhỏ, khắc trên vách núi vẫn chưa mờ. Như những tác phẩm điêu khắc tạo hình hoàn chỉnh cho cái đẹp của núi, cuốn hút du khách lòng không muốn rời, chân không muốn bước để say trong cảnh núi sông tuyệt mỹ.

Từ đỉnh núi thấy mây trời tuyệt đẹp và cõi lòng lắng xuống để thả bay trong gió những lo toan của đời thường.

Theo Thu Thơm (Thế giới Ảnh)

eZ Publish™ copyright © 1999-2024 eZ systems as