itaexpress / Quỹ ITA-s / Bên lề / Nắng, gió và những phận người huyện Đất Đỏ - Phần 1

Nắng, gió và những phận người huyện Đất Đỏ - Phần 1

Cái nắng giữa tháng 9 của khí hậu miền Nam gay gắt hệt như nắng giữa hè của tiết trời miền Bắc. Ngồi trong xe ôtô có máy lạnh mà tôi vẫn cảm nhận rõ sự nóng bức ở bên ngoài lớp cửa kính đang trực chờ.

Xe dừng ở thị xã Bà Rịa, một người xe ôm trung niên đỡ hành lý cho tôi và khi ấy, chính tôi cũng không nghĩ rằng đó sẽ là người đồng hành trong suốt chuyến công tác kéo dài ba ngày của mình tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Sáng nắng, chiều mưa

Ý định ban đầu của tôi là chỉ đi xe ôm về đến thị trấn Đất Đỏ làm việc với UBND huyện, tuyên truyền về Quỹ ITA-s. Sau đó sẽ đến nhà chị Nguyễn Thị Xuân Hương ở khu phố Thanh Long, Thị trấn Đất Đỏ, một trong số hàng ngàn người đã viết đơn cầu cứu tới Quỹ ITA Chiến thắng bệnh tật để tìm hiểu rõ hơn hoàn cảnh của chị rồi sẽ tìm chỗ nghỉ lại. Nhưng khi về đến thị trấn, làm xong công việc như dự tính, chạy lòng vòng hết các ngả đường vẫn không thấy ở đâu có treo tấm biển nhà nghỉ hay khách sạn. Khi biết rõ những xã tôi cần đến, người xe ôm bảo tôi nên quay về thị xã Bà Rịa nghỉ vì hướng đi về mỗi xã là khác nhau, nghỉ tại thị xã sẽ tiện đường hơn nên tôi đành quay về nơi mình xuất phát.

Vừa đưa ra quyết định quay lại thị xã đã thấy cơn dông nặng trĩu kéo ngang đỉnh đầu dù nắng chiều còn chưa tắt hẳn. Con đường quay lại thị xã chưa đến bốn chục Km trở nên xa hun hút. Dông gió theo sát từng vòng quay của bánh xe rồi bất ngờ ập xuống như trút nước…

Dông gió đuổi theo sát sau vòng quay bánh xe.

Trình bày mãi, chủ nhà nghỉ mới đồng ý cho tôi thuê phòng với giá 120.000 đồng/đêm với điều kiện ban ngày, tôi phải mang hành lý xuống gửi dưới nhà để phòng cho họ kinh doanh ngắn giờ. Phòng nghỉ tận trên lầu 4, đầy đủ tiện nghi và khá yên tĩnh. Từ đây, tôi có thể trông ra 2 con phố nhỏ nhưng chỉ thấy nhà mà hiếm hoi mới thấy có bóng người, xe chạy qua. Điều đặc biệt là tuy thưa vắng bóng người nhưng trong bán kính chừng 700m quanh chỗ tôi nghỉ trọ, có đến gần 200 hộ kinh doanh nhà nghỉ, phòng trọ. Theo lời chủ nhà nghỉ, ở đây rất ít khách nghỉ qua đêm mà họ thường chỉ thuê một, hai giờ với giá khoảng năm, sáu chục ngàn đồng. Vì thế mà tuy nhiều phòng nghỉ nhưng họ cũng kiếm được.

Buổi tối ở thị xã dài hơn buổi tối nơi thành phố tôi sống. Đi bộ chưa đến một giờ đồng hồ đã hết đường thị xã. Đường nào cũng vắng như đường nào, vắng cả bóng trộm cắp, cướp giật. Về đến nhà nghỉ, gọi điện thoại cho người thân và bạn bè thêm một giờ đồng hồ nữa mà nhìn lên mới thấy kim đồng hồ đang chỉ chín giờ rưỡi tối…

Bệnh tật và nghèo đói

Ám ảnh về thân phận của mẹ con chị Nguyễn Thị Xuân Hương (khu phố Thanh Long, thị trấn Đất Đỏ) vừa gặp hồi chiều, tôi lấy giấy bút ra viết vội vã…

… Khi tôi đến nhà họ thì trời đang trưa. Chị Hương và mẹ là bà Nguyễn Thị Hoạt đang làm những công việc lặt vặt thường ngày. Thấy người lạ, chị Hương nép bên cửa không dám xuất hiện. Bà Hoạt kéo ghế ra hiên nhà mời khách. Khi biết tôi là người bên Quỹ ITA Chiến thắng bệnh tật, bà gọi con gái ra ngồi cùng rồi cứ thế, bà bắt đầu câu chuyện cuộc đời mình…

Bà Hoạt (bên phải) đang nói về căn bệnh di truyền của mình.

Hai người phụ nữ ấy, một già, một trẻ đã dắt díu, dựa dẫm vào nhau để sống qua mấy chục năm. Nỗi đau của bệnh tật và nỗi khó nhọc của cái nghèo đã truyền từ đời bà ngoại, sang đến đời bà Hoạt và đến đời chị Hương thì lên đến đỉnh điểm của sự bất hạnh. Chị Hương sống cùng mấy chục cục u, bướu ở khắp trên mặt, trên thân thể, nhưng đáng ngại nhất là cục bướu nằm giữa hai chân, kéo dài từ bẹn xuống quá gối và khối u lớn chừng vài ký ở đùi trái. Cái dáng người của chị vốn đã còng còng vì vất vả càng trở nên vẹo vọ hơn bởi sự cản trở của hai khối u. Không có tiền để cắt bỏ, chị đành chấp nhận sống cùng nó. Với hai mẹ con chị, cái ăn còn chưa đủ thì lấy đâu ra mấy chục triệu đồng để cắt bỏ những khối u? Thu nhập của họ chỉ là những đồng tiền rẻ mạt từ công việc làm thuê, làm mướn. Chị Hương sáng sáng ra chợ đi mua hàng giúp mọi người để kiếm vài ngàn đồng ăn vặt. Bà Hoạt thì ai thuê gì làm nấy, ngày cũng kiếm đủ hai bữa ăn đạm bạc cho cả mẹ và con. Căn nhà họ ở là nhà tình nghĩa do xã xây cho hồi năm 2003, bức tường còn trơ gạch đỏ. Cơn bão số 9 năm 2006 đánh sập mái ngôi nhà nghĩa tình ấy, xã lại cho tiền sửa sang nhưng vết nứt lớn trên tường thì vẫn chưa được khắc phục…

Cả hai con người ấy đều không có quyền lựa chọn, không có khả năng thay đổi cuộc sống theo ý thích của mình. Điều duy nhất họ có thể làm là mơ ước. Nhưng ngay cả cái thứ không mất tiền ấy, mẹ con họ cũng không dám phung phí. Họ chỉ dám ước chung một điều, ước có tiền cắt bỏ khối u cho chị Hương để chị đỡ vất vả hơn khi người mẹ già yếu và mất đi và vì thế, họ đã làm đơn tới Quỹ ITA Chiến thắng bệnh tật.

Viết kín hai trang A4 vẫn thấy chưa đủ so với những gì mẹ con họ đã và đang nếm trải, tôi quyết định phải quay lại đó vào buổi sáng sớm mai trước khi đi tìm hiểu hoàn cảnh của những người khác.

Vết nứt trên trần nhà do cơn bão số 9 năm 2006 gây ra.

Bác tổ trưởng khu phố Thanh Long, thị trấn Đất Đỏ tỏ ý ngạc nhiên khi thấy tôi trở lại và vẫn với thái độ nhiệt tình, bác đi cùng tôi sang nhà mẹ con chị Hương. Căn nhà tyềnh toàng và mộc mạc như cuộc sống của chủ nhân nó nhìn mãi vẫn không quen mắt. Bà Hoạt kéo ghế ra hiên mời khách, vừa đủ chỗ cho hai người ngồi một cách khiêm tốn. Cũng chẳng chuyện thêm điều gì, có bao nhiêu nỗi niềm của hai mẹ con, người đàn bà ấy đã bộc bạch cả với tôi trong buổi gặp trước. Tôi trở lại chỉ để tặng thêm họ phần quà của cá nhân tôi, một chút gọi là của một người dưng có duyên gặp gỡ. Chia tay mẹ con họ, tôi lại tiếp tục cuộc hành trình tìm thăm những mảnh đời bất hạnh đã cầu cứu và đang trông chờ sự sẻ chia từ Quỹ ITA Chiến thắng bệnh tật.

(Còn nữa)

Bùi Nhung