itaexpress / Quỹ ITA-s / Bên lề / Nắng, gió và những phận người huyện Đất Đỏ - Phần 2

Nắng, gió và những phận người huyện Đất Đỏ - Phần 2

Cùng nhau bẻ bắp.

Giây phút thanh bình chỉ có trên những chặng đường đi. Còn khi tôi gặp họ, những người đã làm đơn kêu tới Quỹ ITA Chiến thắng bệnh tật thì sự bình yên ấy không còn nữa.

Ngày thứ hai của chuyến công tác, tôi đã tìm gặp hai người thương binh cùng có con bị nhiễm chất độc da cam. Nỗi đau mỗi người mỗi khác. Có nỗi đau hiện hữu, có nỗi đau tiềm ẩn đeo bám từng ngày, từng giờ…

Cha già khóc đưa con trẻ

Không biết vì ngại trời nắng nóng hay ngại tiếp người lạ tại nhà riêng mà khi nghe tôi trình bày xong, trưởng khu phố Hải Trung, thị trấn Phước Hải xua tay từ chối thẳng thừng. Nằn nì mãi, ông mới đồng ý chỉ đường cho tôi đến nhà em Hoàng Thanh Châu, nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Vòng đi vòng lại tìm không ra hẻm rẽ, chợt nhớ ra nhà em Châu có điện thoại, tôi mở máy cầm tay nhưng màn hình báo không có sóng. Loanh quanh một hồi mới tìm được một tiệm tạp hóa trông kha khá chút đỉnh. Nghe tôi nói về nỗi khổ tìm nhà gần một giờ đồng hồ, chú chủ nhà vui vẻ bấm số liên lạc giúp.

Câu chuyện của thương binh Hoàng Thanh Hải (cha của em Châu, ngụ khu phố Hải Trung, thị trấn Phước Hải) chất chứa nhiều nỗi đau tiềm ẩn, nỗi đau chưa biết sẽ bùng phát vào ngày, giờ nào. Năm người con của chú Hải khi sinh ra, ai cũng khoẻ mạnh, cao ráo và hoàn toàn bình thường, vậy nhưng trong mỗi đứa trẻ ấy đều tiềm ẩn một mầm bệnh biến chứng từ chất độc da cam. Cả năm người con của chú Hải đều không có khả năng theo học. Người học cao nhất cũng chỉ hết lớp 5.

Em Châu và cha mẹ.

Chú Hải mang tập ảnh gia đình ra, chỉ cho tôi xem hình của từng đứa con và không hề giấu giếm niềm tự hào về chúng. Quả thật là trông các con chú đều rất khoẻ mạnh và dễ thương. Vậy nhưng, sau niềm tự hào là đôi mắt ngân ngấn nước khi chú chỉ cho tôi tấm hình của người con trai thứ hai. Cậu bé có tên Hoàng Thanh Phúc, trông đẹp trai nhất nhà nhưng thật không may, cậu đã ra đi ở tuổi 23. Không giấu nổi nỗi đau, chú nói nghẹn ngào: “Cô biết không, khi em nó phát bệnh, cả người nó trương lên, nhất là bụng. Đưa nó xuống bệnh viện dưới TP.HCM, bác sĩ bảo cháu bị di chứng chất độc da cam. Thằng bé nằm đúng sáu tháng thì mất. Suốt thời gian nằm viện, tháng nào cháu cũng phải truyền hóa chất và thay máu. Cha già khóc đưa con trẻ, cô chưa trải qua nỗi đau ấy, không hiểu hết được đâu”. Lặng đi một hồi, chú Hải tiếp tục câu chuyện về những đứa con: “Cháu Châu cũng bị di chứng chất độc da cam, thường hay bị chảy máu tai, máu mũi nhưng nó không biết độ nguy hiểm của bệnh nó. Lát em nó về, cháu nói chuyện với nó, nhớ đừng để lộ cho nó biết kẻo nó buồn. Trông thì khoẻ mạnh lắm, nhưng chẳng biết nó sẽ bỏ mình đi vào lúc nào”…

Em Hoàng Thanh Châu.

Rụt rè, khép nép ngay trong chính ngôi nhà của cha mẹ đẻ mình, Châu tiếp chuyện tôi bằng thái độ nhiều hơn là lời nói. Em có vẻ bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Mong ước của em chỉ là được chữa khỏi căn bệnh chảy máu tai vẫn thường hành hạ em lúc trái gió trở trời nhưng mong ước vậy thôi chứ em cũng biết là không thể chữa khỏi. Em mong Quỹ ITA Chiến thắng bệnh tật quan tâm đến em, không nhất thiết phải là sự quan tâm thường xuyên mà chỉ cần Quỹ quan tâm khi em phát bệnh. Còn hiện tại, với số tiền trợ cấp của bố, tiền trợ cấp của xã, của những người họ hàng ở xa và cả tiền kiếm được hàng ngày từ công việc làm thuê, làm mướn của mấy anh chị em Châu thì cuộc sống của gia đình người thương binh có nhiều hiểm họa rình rập ấy cũng tạm ổn.

Tình người

Là điều tôi cảm nhận được trong suốt câu chuyện của người thương binh già Kiều Hồng Quân, sống tại ấp Hội Mỹ, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ. Ngôi nhà mà ông Quân đang sống cùng vợ và bốn người con là ngôi nhà tình nghĩa to nhất mà tôi được biết. Nhà có diện tích 130m2, khang trang và thoáng mát. Ông Quân là thương binh ¼, bị liệt một chân nên sinh hoạt hàng ngày của ông phải nhờ đến những người thân trong gia đình. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, trải qua bao năm tháng cơ cực khi đất nước vừa thống nhất, người Đảng viên có hơn 40 năm tuổi Đảng ấy vẫn giữ nguyên cái hào khí của thời trai trẻ khi kể lại cho tôi nghe một vài kỷ niệm thời chiến tranh. Ngoài những ký ức hằn sâu trong đầu thì thứ mà ông còn là Huân chương kháng chiến hạng nhất do Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký tặng năm 1996 và Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

“Thế còn căn nhà này? Bác có thể tiết lộ đôi chút cho con biết không?”-tôi hỏi. Ông Quân cười hiền, chậm rãi từng câu: “Là của một lính cấp dưới đi đám ma ở huyện, thấy tôi sống khổ quá, mà lại chưa có nhà, cậu ấy về xin với đơn vị là Công an tỉnh Đồng Nai xây cho tôi đấy. Được như thế này đều là nhờ cậu ấy cả”.

Ông Kiều Hồng Quân và con gái Kiều Lệ Hoa.

Ông Quân nói đến đây thì cô con gái Kiều Lệ Hoa chơi bên hàng xóm trở về. Chị Hoa là người duy nhất trong bốn người con của ông Quân bị di chứng chất độc da cam. Chị là người đã viết đơn tới Quỹ ITA Chiến thắng bệnh tật để xin trợ cấp. Đúng hơn là người bên UBND xã xét hoàn cảnh gia đình chị còn nhiều khó khăn nên đã viết giùm vì chị Hoa không biết chữ. Điều may mắn là chị vẫn biết giao tiếp, biết nói chuyện với mọi người và biết tự lo cho sinh hoạt cá nhân mình. Giống như mọi người, chị Hoa cũng có ước mơ. Ước mơ của chị là được học nghề vắt sổ nhưng cái bệnh của chị không cho chị đủ tính kiên nhẫn để làm điều đó. 30 tuổi, chị Hoa vẫn sống dựa vào cha mẹ nhưng không có khả năng chia sẻ gánh nặng cơm áo với mỗi thành viên trong gia đình. Ba người em trai của chị, ngoài một người đi bộ đội, hai người còn lại cũng là kiếp thợ phu hồ, công việc khi có khi không. Chi tiêu trong gia đình chủ yếu vẫn trông vào đồng lương đại úy của ông Quân nhưng với gia đình ông, cuộc sống hiện giờ đã đỡ vất vả hơn nhiều so với thời ông vừa rời quân ngũ. Ông mong sự chia sẻ của Quỹ ITA Chiến thắng bệnh tật đến với con gái ông khi ông không còn trên thế gian này nữa.

(Còn nữa)

Bùi Nhung

Nắng, gió và những phận người huyện Đất Đỏ - Phần 1