itaexpress / Quỹ ITA-s / Bên lề / Quỹ ITA-s với Hành trình ngược con gió Lào

Quỹ ITA-s với Hành trình ngược con gió Lào

ItaExpress – Ban đầu tôi định đi Dakrong và Hướng Hóa, hai huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Trị nói riêng và của miền Trung nói chung với một em gái tình nguyện, sau rồi, khi đổi đi cùng với một em trai, vượt đèo đi ngược hướng về phía của nắng táp, gió Lào này, tôi mới hiểu, mình đã quyết định đúng.

Lên núi

Biển lùi xa, thành thị lùi xa, làng mạc lùi xa, chúng tôi chỉ như một chấm nhỏ xíu di chuyển trên con đường 9 ngoằn nghoèo giữa muôn trung núi, bần bật gió và rát bỏng nắng. Tôi phải dừng để bện lại tóc đến mấy lần vì gió lớn quá, cứ bị rũ bung ra. Hiệp, cậu tình nguyện viên trẻ cười bảo: “Chị không bịt mặt vào là hiến mình cho gió Lào đấy!”. Đây không phải là lần đầu tiên tôi về miền Trung, càng không phải lần đầu tiên biết thế nào là gió Lào, nhưng, quả là gió Lào trên núi và gió Lào dưới biển khác nhau thật. Chúng tôi cúi rạp mình để giảm sức cản của gió, chiếc xe chạy với tốc độ chậm do vấp phải những cơn gió dữ dội.

Trời vẫn xanh ngăn ngắt, nắng táp lên mặt, lên chân, lên tay, gió ràn rạt… những nóc nhà sàn lập tức hiện ra…

Em gánh nước ngược chiều con gió

Chúng tôi đi như chạy đua với thời gian, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn đập vai Hiệp kêu dừng lại khiến cậu luôn ở trong tình trạng giật mình. Này những em học sinh không phải vai mang cặp sách mà gùi những bó củi to hơn thân mình. Này hai anh em nhà nọ đi tắm về, em thì gánh nước, còn thằng anh, có lẽ lớn hơn một tuổi, đội nước về nhà. Tôi đang mải nhìn xuống dòng Dakrong cạn trơ đáy, chiếc xe vọt qua rồi vòng lại. Khi ống kính của tôi hướng vào, và mặc kệ tôi cười thân thiện đến mấy, thằng anh vẫn đội thau nước vọt lên, chỉ còn em bé Vân Kiều có thể vì mệt, có thể vì nặng mà không phản ứng gì. Tôi tiếc ngẩn ngơ vì chỉ chụp được cái dáng xiêu vẹo của bé em. Em học lớp mấy rồi? Hay câu hỏi chính xác hơn, em mấy tuổi rồi? Có lẽ là 6, là 7 hay 8 tuổi là cùng.

Em gánh nước ngược chiều cơn gió.

Chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Em bé gánh nước lùi hút lại thành một chấm xiêu vẹo giữa nắng rát rạt và gió. Hành trình mang quỹ khuyến học của Tân Tạo lên vùng sâu, vùng xa ám ảnh trong tôi cái dáng bé tí tị mà dáng đi nghiêng lệch ấy chả biết sẽ đến tận lúc nào.

Đường 9 Khe Sanh, những ngôi mộ đá và chuyện hút chết trong gang tấc

Giữa trưa, đường 9 trở nên vắng vẻ hơn, thỉnh thoảng chúng tôi mới bị “nắn gân” bởi những chiếc xe chở hàng lậu chạy ngược chiều như trối chết làm cho điếng hồn. Chốc chốc tôi lại nhìn thấy những đống đá bé xíu bên vệ đường. Có đoạn chúng dày đặc, có đoạn thưa thớt.

- Hiệp ơi, người ta xếp đá thành đống thế kia làm gì thế?

- Bà chị ngố, ai lại rỗi hơi thế? Mộ đấy!

- Hả? Gì cơ?

- Là người ta đánh dấu đó chính là chỗ có người chết vì tai nạn.

Nói rồi, nó trề môi. Thốt nhiên tôi bấu vào nó mạnh hơn, gió thốc vào mắt thành vệt nước.

Những chiếc xe chạy như ăn cướp ngược đường hóa ra không phải là điều đáng sợ nhất. Mà bởi, bất kỳ lúc nào cũng có thể có một chú chó hạy lợn, hay gà nào đấy băng qua ngang ngay mũi xe, và chúng tôi suýt trở thành nạn nhân khi một chú chó bất thần vọt ngang mũi xe và ẳng lên 1 tiếng vì đau đớn. Chiếc xe loạng choạng và chỉ khi nó đổ ập xuống ngay một ngôi mộ đá, bên mép vực, tôi mới tin mình còn sống. Hiệp nhe răng cười hì hì trêu: “Vì lúc nãy chị không giơ máy chụp ảnh mấy ngôi mộ đá đấy, chứ nếu không giờ ở đây có thêm 2 ngôi nữa rồi!”. Còn tôi thì lại nghĩ, có lẽ, vì chúng tôi đang cố gắng thay mặt cơ quan, mang những cơ hội chạm đến ước mơ, làm điều thiện nên được trời đất phù hộ. Hay cứ nghĩ đi thế để hành trình dù xa xôi hay gian nan đến mấy cũng không làm giảm tình yêu và lòng say mê của tôi và những đồng nghiệp khác.

Xuống biển và lạc giữa biển cát

Theo dòng địa chỉ: Lê Thị Nhung, Trà Lộc - Hải Xuân - Hải Lăng - Quảng Trị, chúng tôi tìm đến. Lần đầu tiên tôi thấy một ngôi làng lớn đến thế, làng Trà Lộc và dòng địa chỉ ngỡ như có thể tìm thấy một cách dễ dàng kia lại hóa quá mơ hồ.

Mênh mông cát và những ngôi nhà bị bỏ trống.

Làng Trà Lộc chia thành vô số xóm và sau hơn 2 tiếng đồng hồ đi tới đi lui, dù đã có sự hỗ trợ của một tình nguyện viên ở thị xã Quảng Trị cùng đi, tôi đành bất lực quay về. Và tôi không ngờ đường quay về còn khó hơn việc tìm nhà chị Nhung.... Loay hoay đi hết đụn cát này tới đụn cát khác, hình như cát được đổ từ trên trời xuống, trắng nhưng nhức. Tôi chưa bao giờ thấy cát ở đâu có cái màu trắng ám ảnh như màu cát ở Hải Xuân, Quảng Trị. Trắng như màu sắn khô người dân phơi ở dọc những con đường. Người ta cố gắng trồng tràm, nhưng cây nào cây ấy đều còi cọc và thấp lè lè. Ở đây, chỉ có xương rồng tai thỏ là mọc nhiều. Mà người dân vùng cát trắng với gió Lào lại chẳng thể ăn được cái thứ cây ấy.

“Nhất định sẽ quay trở lại”

Giữa gió Lào và cát trắng.

Trở về Sài Gòn với bộn bề công việc, những tình nguyện viên ở Quảng Trị, báo Quảng Trị và lãnh đạo Quảng Trị, lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành ở Quảng Trị gửi email thông báo về việc họ đã cho triển khai Quỹ ITA-s tới các địa phương ra sao, và không quên hỏi: Về Quảng Trị thấy xa xôi như thế, vất vả như thế, không biết, lần sau, Quỹ ITA-s có còn quay lại nữa không? Tôi còn có thể trả lời thế nào được nữa, ánh mắt của em bé đồng bào Vân Kiều, những ngôi nhà bé xíu và trống huếch, những con đường chỉ có thể đi bộ hàng gần chục cây số, những tình nguyện viên tuyệt vời, những đụn cát và miếng sắn của người đồng bào…luôn ám ảnh…. “Quỹ ITA-s nhất định sẽ còn quay trở lại và hy vọng sự xuất hiện đúng lúc của chúng tôi sẽ thay đổi được điều gì đó, dù là nhỏ nhoi…”.

Bài và ảnh: Lại Thu Giang