itaexpress / Quỹ ITA-s / Câu chuyện ITA-s / Câu chuyện về một thương binh nghèo khó ở huyện Tuy An

Câu chuyện về một thương binh nghèo khó ở huyện Tuy An

Ông Lê Tấn Bộ

Rời nhà bác Bùi Xuân Phong ở thôn Mỹ Phú 2, chị Thúy Diễm và anh Sơn tiếp tục đưa chúng tôi đến nhà ông Lê Tấn Bộ, năm nay 69 tuổi.

Thấy chúng tôi đến, cả bác trai và bác gái - Đỗ Thị Khánh, sinh năm 1944, cùng ra đón tiếp, không ồn ào, xởi lởi mà gần gũi, thân thiết. Một góc trong căn nhà nhỏ là bộ bàn ghế gỗ đơn sơ, ấm trà đã cũ và ly uống trà được tận dụng lại từ những tách nhỏ người ta thường dùng để đựng các loại dạng nước như cà ri, sa tế… Tuy thế, tất cả đều rất sạch sẽ và mộc mạc y như chủ nhân của chúng. Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về đôi vợ chồng đều là thương binh này.

Ông Bộ nói không nhiều, và vợ ông cũng thế. Nhưng qua câu chuyện của chị Thúy Diễm và anh Sơn - những người nắm rõ gia cảnh của ông nhất, chúng tôi hiểu đây là một trong những gia đình khốn khó của xã.

Khi chúng tôi đến UBND huyện Tuy An làm việc về các Quỹ ITA và danh sách xin trợ cấp trong huyện, ông Nguyễn Ngọc Thanh - Chánh Văn phòng huyện cũng đặc biệt nhấn mạnh khi nhắc đến ông Bộ. Ông Thanh cho biết: “Gia cảnh ông Lê Tấn Bộ rất khốn khó, lại bệnh tật thường xuyên. Nhưng đối với địa phương chúng tôi, ông Bộ có uy tín rất cao từ những đóng góp cho cách mạng và từ rất nhiều việc khác… Hiện nay, ông là người trông coi Di tích Lịch sử Lê Thành Phương. Chúng tôi rất mong Quỹ ITA-s sẽ cùng chúng tôi hỗ trợ, giúp đỡ cho gia đình ông Lê Tấn Bộ”.

Tham gia chiến đấu từ những năm 62 cho đến ngày nước nhà độc lập, người chiến sĩ Lê Tấn Bộ và cô giao liên Đỗ Thị Khánh đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp thắng lợi chung của cả nước. Đặc biệt, ông đã vinh danh cái tên Lê Tấn Bộ với nhiều chiến công chói ngời: Huân chương kháng chiến hạng nhất, Huân chương Quyết thắng hạng nhất, Huân chương Giải phóng hạng ba… và hơn 40 năm tuổi Đảng.

Vợ chồng ông Lê Tấn Bộ

Nhưng ác nghiệt thay, chiến tranh đi qua, nỗi đau vẫn còn ở lại… Ông trở thành thương binh bậc ¾ với nhiều vết thương ở bụng, tay, chân… khiến những cử động, đi lại bình thường cũng rất khó khăn. Riêng bác gái thì sức khỏe ngày càng suy yếu do di chứng của những ngày bị địch tra khảo, đánh đập… Hiện ông Bộ và vợ sống với người con trai út, nhưng đời sống kinh tế gia đình hết sức khó khăn, hầu như chỉ trông vào trợ cấp hàng tháng của cả hai vợ chồng là số tiền chưa đầy 1 triệu. Các con ông làm nông kiếm sống nhưng cũng thường thất bại, mất mùa. Đứa cháu ngoại bị câm, không biết có phải từ di chứng của chiến tranh không, cũng sống cùng với ông bà. Cảnh nhà khốn khó càng thêm khốn khó hơn…

ItaExpress đang trò chuyện cùng ông Lê Tấn Bộ

Chúng tôi hỏi thăm về các vết thương, ông Bộ cho biết ông vẫn phải thường xuyên đi điều trị tại Trung tâm Y tế Tuy Hòa. Tuy nhiên, nhiều khi ông cũng phải nén đau và ráng chịu đựng ở nhà vì đi chữa bệnh thì không có người nuôi nấng, chăm sóc. Vợ ông quá yếu, các con thì ở xa, lại quá nghèo nên cũng phải đầu tắt mặt tối lo làm lụng. Mặt khác, các chi phí cho việc điều trị cũng là một vấn đề nan giải đối với gia đình ông. Gởi hồ sơ xin trợ cấp từ Quỹ ITA Hàn gắn vết thương, ông chỉ mong sao có thể giảm bớt gánh nặng cho con cháu về tiền thuốc men, chi phí đi lại, ăn uống…, để có thể yên tâm mà chữa bệnh và không còn bị vết thương ngày đêm hành hạ.

Chúng tôi cũng mong sao không chỉ có Quỹ ITA-s mà sẽ là hàng ngàn, hàng vạn tấm lòng đến với ông, như sự tri ân những gì ông đã dành cho đất nước; như là đồng cảm, sẻ chia giữa người với người để cuộc đời này tươi đẹp hơn và không còn nỗi đau, không còn nước mắt…

Kim Tuyến