itaexpress / Quỹ ITA-s / Câu chuyện ITA-s / Chỉ thích được làm cô giáo làng

Cô Thị H'Loan: "Chỉ thích được làm cô giáo làng"

Nghe nói có người từ Quỹ ITA-s về thăm, cô Thị H’Loan cứ ngóng ra cổng. Và khi xe chúng tôi dừng lại, cô vừa phấn khởi, vừa có vẻ ngượng ngùng…

Con đường vào Bon Bu Srê I, xã Đak Ru, huyện Đak R’Lấp, tỉnh Đak Nông nắng, gió và bụi kinh khủng. Cứ cách một quãng xa mới thấy một căn nhà, nhưng những ngôi nhà gỗ nhỏ nằm hai bên đường này dường như cũng phủ đầy bụi. Đây đó thấp thoáng vài em nhỏ người H'Mông thấy khách lạ cứ len lén trộm nhìn và kháo nhau những điều gì chúng tôi nghe không rõ. Nhưng những đứa trẻ, người gầy nhem và đen đúa…

Lúc bấy giờ đang là giờ ăn trưa. Chúng tôi được mời vào nhà và đi một vòng tham quan căn nhà của cô H’Loan theo gợi ý của chị Nguyễn Thị Ngọc Anh - Phó Chủ tịch công đoàn ngành và chị Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Đào, nơi cô H’Loan đang công tác. Vừa đi, chị Hà vừa nói: “H’Loan vừa được địa phương hỗ trợ 5 triệu để tu sửa nhà lại nên giờ mới đỡ như thế này…”. Nhà rộng, nhưng trống trải. Có lẽ, vật dụng đáng giá nhất trong nhà lúc đó mà tôi nhìn thấy là bộ bàn ghế gỗ dùng để tiếp khách. Ở gian bếp phía sau, chồng cô H’Loan đang chuyện trò với hai đứa con nhỏ trong bữa cơm. Bé gái lớn hơn một tay bưng chén cơm, một tay vịn đứa em trai nhỏ độ khoảng mới hơn 1 tuổi. Không chén dĩa, xoong nồi…, vẻn vẹn dưới nền nhà là một dĩa cá khô nướng…

Cô H’Loan run run mời chúng tôi ngồi, chắc hẳn cô xúc động không kém khi lần đầu tiên có nhiều người đến thăm mình thế này. Những câu trả lời cũng ngập ngừng, ngắc ngứ. Hồi lâu sau, cô mới lấy lại được sự bình tĩnh và tự nhiên kể về mình.

Chồng và con cô H’Loan trong buổi cơm trưa

Năm 1987, trước tình trạng thiếu giáo viên, nhất là thiếu các cô nuôi dạy trẻ dành cho con em đồng bào địa phương, Phòng Giáo dục huyện quyết định mở lớp “Bồi dưỡng giáo dục mầm non” và tiến hành tập huấn cấp tốc. Vốn yêu trẻ con và thích thú với nghề dạy trẻ, cô thôn nữ Thị H’Loan 19 tuổi xin được tập huấn để trở thành cô giáo làng. Mới đó mà nay thấm thoát đã 20 năm cô gắn bó với nghề, dẫu vẫn còn không ít khó khăn và trở ngại. Đồng lương giáo viên không đủ trang trải hàng ngày, nhất là khi cô có đến 4 người con (hai trai, hai gái, đứa nhỏ nhất mới hơn 1 tuổi) và một đứa cháu 6 tuổi mồ côi mẹ mà cô nhận nuôi từ khi cháu mới tròn 5 tháng. Ruộng vườn thì lúc được mùa lúc không. Những giờ không lên lớp, cô cùng chồng lại ra rẫy, chăm chỉ làm để nuôi con. Ngoài ra, cô còn nhận giăng, dệt sợi thành khăn, mũ… cho người ta để đổi lấy một ít tiền, gạo.

Khó khăn là thế, nhưng hình như cô chưa bao giờ buồn. Người trong thôn bàn tán và tự hào về cô, vì cô luôn đi làm việc thiện. Những tháng hè, cô nhận dạy học cho trẻ trong thôn nhưng không lấy tiền công. Nơi nào cần cô giáo dạy dệt cho phụ nữ là cô cũng đến. 20 năm là cô giáo, cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, cô còn là hội viên Hội Phụ nữ xã Đak Ru và được nhận Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đak Nông về thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển kinh tế gia đình năm 2006..

Cô H’Loan đang giăng sợi

Không biết từ bao giờ, hai tiếng “nghề giáo” đối với cô trở nên thiêng liêng quá đỗi. “Em thích trẻ con, thích làm cô giáo, thế là đi dạy. Giờ một ngày không gặp các em là nhớ lắm. Có lúc các em cũng không nghe lời, cũng phá… nhưng đi dạy thích lắm, vui lắm. Em cũng rất thích nếu được nhận tài trợ của chương trình Hỗ trợ giáo viên, để có thêm một khoản tiền nuôi các con em...” - cô H’Loan tâm sự. “Nếu bây giờ, chuyển công tác H’Loan sang văn thư hay công việc khác thì H’Loan thích làm gì?” - chị Ngọc Anh hỏi. Cô H’Loan có vẻ bối rối, và cười: “Nếu không được dạy nữa, em xin nghỉ ở nhà đi làm rẫy, vì em chỉ thích làm cô giáo làng thôi…”.

Tôi hiểu câu hỏi của chị Ngọc Anh, đúng như sau đó chúng tôi đã trao đổi với nhau trên đường về. Giáo dục hiện nay đòi hỏi ngày càng phải chuẩn hóa cao, mà cô H’Loan thì do những hạn chế nhất định nên không có điều kiện để theo học nâng cao. Do đó, dù hơn 20 năm qua cô đóng góp rất nhiều cho giáo dục huyện nhà nhưng để đáp ứng đúng như yêu cầu, với cô là một vấn đề rất khó… “Mà lúc đó em vẫn sẽ dạy cho các em nhỏ trong làng…”- cô H’Loan nói thêm và cười, một nụ cười thật tươi kể từ khi chúng tôi gặp gỡ.

Kim Tuyến