itaexpress / Quỹ ITA-s / Câu chuyện ITA-s / Giấc mơ ám mùi của sắn

Giấc mơ ám mùi của sắn

Em Huỳnh Lê Hoàng Phi

Em là trường hợp khiến tôi băn khoăn nhất, băn khoăn xen lẫn chút nghi ngờ từ câu chuyện ở cái xứ chỉ có gió Lào, cát trắng với sắn khô cho mãi đến tận bây giờ. Ừ thì để độc giả tự bình luận vậy.

Băn khoăn chuyện thực hư: Khai giảm 5 tuổi để được đi học lại.

“Thầy hiệu trưởng bảo với em rằng nhà trường ưu tiên em nhất vì thấy hoàn cảnh em côi cút, phải náu nhờ dì dượng. Khi phòng giáo dục triển khai Quỹ ITA Vì tương lai tới trường em, cả trường xét chọn rất nhiều. Thầy cô thương em nên hướng dẫn em làm hồ sơ gửi đi, gửi đi thôi chứ em cũng chả dám hy vọng nhiều, vì nghĩ, khó khăn thì nhiều bạn còn nghèo lắm, nhưng học giỏi thì em cũng chỉ biết giỏi so với trường thôi chứ ra ngoài hẳn nhiều bạn giỏi hơn em….”.

Không hề rụt rè và kiệm lời, chúng tôi bắt đầu câu chuyện như những người bạn sau và phút ngập ngừng. Huỳnh Lê Hoàng Phi, cô nữ sinh lớp 9 của trường THCS Hải Phú - Hải Lăng - Quảng Trị, mảnh mai và u buồn bắt đầu câu chuyện về mình. Tôi ngỡ ngàng trước những suy nghĩ có thể nói là quá già so với tuổi khai của em về cuộc sống, về ước vọng và cả về những tiếng thở dài giấu giếm. Đột ngột, em ngước lên nhìn tôi, cười hỏi:

- Chị thấy em có giống tuổi 15 không?
- Em nhỏ như cô bé 15 đang chờ lớn, nhưng suy nghĩ và lời nói thì… chậc, già quá!
- Thế à, Phi cười tinh nghịch, mắt em lấp lóa, vậy chị nghĩ, cái “già quá” ấy tương đương với tuổi nào?
- Cũng khó lắm, vì nó còn phụ thuộc vào quan niệm và môi trường hình thành quan niệm.
- Thì chị cứ thử đoán xem.
- Ừ thì cũng cỡ chừng… tuổi chị. Nói xong, tất cả chúng tôi cười lớn.

Phi ngồi im lặng, em miết miết tay xuống chiếc bàn gỗ cũ kỹ. Cô gái miền Tây trôi dạt ra tận miền Trung sau bao nhiêu biến cố của cuộc đời, dường như em đã hòa nhập được phần nào với môi trường mới, giọng nói đã pha lẫn ngôn ngữ địa phương này mô, tê, răng, rứa.Nước da cũng chuyển sang màu bánh mật dưới cái nắng và cái gió cúa xứ sở khắc nghiệt này.

- Thực ra không phải em sinh năm 1991 đâu, em sinh năm 1986 đấy.
- Hở, gì cơ?

“Người ta tính tuổi theo nghề”

Đến lượt tôi, tôi ngớ người, Thiên Nhai, tình nguyện viên đi cùng với tôi thì nghệt mặt ra. Chắc trông chúng tôi ngố lắm nên em cười nói khẽ:

Thực hư em 15 hay 20 tuổi?

- Các chị sẽ khó tin, nhưng, em sinh năm 1986, em học hết lớp 7 ở Tây Ninh thì phải nghỉ học đi nuôi (đi chăm) bà ngoại nuôi. Cho đến năm 2005, khi mẹ em mất vì bị sốc thuốc, dì dượng thương nên đón em về nuôi, cho đi học lại từ lớp 8. Em lớn tuổi quá, sợ nhà trường không nhận nên cậu phải đi làm lại giấy khai sinh cho em.
- Em… thế em có lo sợ một ngày nào đó…?
- Lo thì có, nhưng sợ thì không? Em ngước nhìn tôi, ánh mắt rắn rỏi và cương nghị. Em chấp nhận chậm lại 5 năm để được đi học tiếp. Em phải học để sau này có một cái nghề tử tế.

Vẽ dần ước mơ...

Thiên Nhai lắp bắp muốn đổi xưng hô lại, cô sinh viên năm thứ 2 Đại học Văn hóa thốt nhiên thấy bối rối trước em học sinh lớp 9 khi biết em ấy hơn mình tới 2 tuổi. Nhưng Phi thản nhiên cười nói: “Chị là sinh viên, em là học sinh, đương nhiên chị lớn hơn em. Người ta tính tuổi theo nghề chứ bởi lớn tuổi mà không có nghề thì tính làm gì…”.

Chúng tôi có lẽ nói nhiều lắm, những vùng ký ức của Phi lộn lạo trong lời kể... Gương mặt em thật khó đoán cảm xúc…

"

Em lớn lên ở thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu, Tây Ninh, trước em mang họ của ba, về đây đi học không có ba nên chuyển sang họ mẹ. Người lớn luôn có những bí ẩn riêng chị nờ. Mẹ em mất năm 2005 do bị sốc thuốc, dì dượng thương cháu mồ côi mà đón về nuôi ăn học. Nhà dì chú thì cũng cực khổ, dì không có việc ngồi thêu thuê, dượng lái công nông thuê, các em thì đông, em thương dì chú lắm vì tự nhiên mình về đây tăng thêm gánh nặng mưu sinh cho dì và dượng, nhưng không về đây em không biết đi mô. Em sợ lại bị cuốn theo….

"

Giấc mơ thành kiến trúc sư ám mùi khoai sắn.

Em bỗng ngừng những lời kể đứt quãng, mùi sắn khô phơi ngoài sân hắt vào nồng nồng, say say và bức bối. Cái mùi và cái màu của sự đói khố đeo đẳng suốt dải đất miền Trung này. Chỉ ánh mắt rực sáng của em khi lấy những bức họa tập mơ làm kiến trúc sư là không ngừng lấp lánh. Em ước ao có tiền để được đi học vẽ, đi học làm kiến trúc sư, hoặc nếu không có tiền thì ráng học đậu vào sư phạm “vì nghe nói, học cái đó hình như không mất học phí”.

Em đã có quá nhiều nổi nênh và chúng tôi hiểu những gì mình đang làm cùng với người thân, nhà trường và Quỹ ITA Vì tương lai đang cố gắng hết sức bằng những gì có thể để mong thay đổi thân phận một con người, như Phi.

Bài, ảnh Lại Thu Giang

Ý kiến

Log in or create a user account to comment.