itaexpress / Quỹ ITA-s / Câu chuyện ITA-s / “Giấc mơ vẽ lên từ tấm lòng người chưa quen biết…”

“Giấc mơ vẽ lên từ tấm lòng người chưa quen biết…”

Thầy Hữu Văn Bảnh tại bến đò.

Những đôi mắt bé thơ sáng ngời như tia nắng, như giọt sương tinh khôi rồi sẽ được thắp sáng lên bằng tất cả tình thương của thầy, của cô nơi vùng đất xa xôi địa đầu Tổ quốc...

Thầy Hữu Văn Bảnh, người dân tộc Khơmer 44 tuổi đời thì đã 24 tuổi nghề “gõ đầu trẻ”, ngôi trường thầy giảng dạy thuộc điểm lẻ của trường Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, Cà Mau. Nói là trường nhưng đó chỉ là một dãy lớp học tạm bợ gồm 4 phòng học cấp tiểu học, học sinh 2/3 là con em đồng bào người Khơmer.

Hàng ngày, lộ trình quen thuộc thầy Bảnh tới lớp được “lập trình” suốt 24 năm nay là sáng dậy thật sớm đi bộ mất gần 3km tới bến đò, qua đò tới trường hết thảy gần cả giờ. Đó là chưa kể lúc trời mưa thì lội sình, lội nước là điều rất bình thường vì thầy và trò đều chân đất như nhau. Đứng lớp ở vùng xa xôi, cơ sở vật chất còn thiếu thốn là tình hình chung của cả huyện nhưng trực tiếp giảng dạy ở nơi mà phần lớn học sinh là người Khơmer mới thấy sự vất vả của thầy cô dạy điểm lẻ là vô cùng khó. Do phụ huynh hầu như rất ít quan tâm đến việc học hành của các em và bận công việc đồng án nên việc học các em đều phó thác cho thầy cô. Thầy Bảnh cho biết cực nhất là giáo viên đứng lớp ở bậc tiểu học bởi khi vào lớp các em không biết tiếng Việt nên ban đầu phải dạy bằng song ngữ Việt – Khơmer, thậm chí nhiều em lấm lem bùn đất đi học thầy Bảnh phải kiêm luôn nhiệm vụ tắm rửa cho các em sạch sẽ vào lớp học. Tập sách thầy phải giữ lại ở lớp vì khi mang về thì hầu như sách vở mất hết, có em còn ngây ngô “em của em xé rách hết rồi!”. Và thế là ngoài giờ lên lớp, thầy Bảnh đến từng nhà phụ huynh học sinh vận động, tâm sự việc học của các em, mưa dầm thấm lâu vì vậy học sinh đến lớp ngày càng ổn định, chăm ngoan hơn.

Ngoài giờ học các em học sinh bắt ốc ở những khúc sông như thế này.

Gia đình thầy Bảnh nằm tận trong ruộng xa, mọi chi phí sinh hoạt cả nhà gồm vợ và 2 con nhỏ đều trông chờ vào đồng lương giáo viên ít ỏi. Vợ thầy là người Khơmer, hàng ngày chị làm thuê từ cắt cỏ đến lột tôm theo mùa vụ, khi không có việc làm chị ra đồng câu cá, đặt lờ bất kể nắng hay mưa. Ấy vậy mà nghèo vẫn hoàn nghèo, khi được hỏi nếu nhận được sự tài trợ từ Tập đoàn Tân Tạo trong chương trình “Hỗ trợ giáo viên nghèo vùng sâu, vùng xa” thầy sẽ dùng tiền trợ cấp vào mục đích gì, không kịp suy nghĩ thầy bộc bạch: “Mơ ước lớn nhất của tôi là có tiền lợp lại mái nhà cho lành lặn để bọn trẻ có nơi khô ráo mà học hành khi trời mưa, vì vậy nhận được sự tài trợ từ Tập đoàn Tân Tạo với gia đình tôi nó như một giấc mơ, giấc mơ không chỉ vẽ lên từ bảng đen phấn trắng mà bằng cả tấm lòng của người chưa quen biết.”

Đôi mắt bé thơ sáng ngời như tia nắng, như giọt sương tinh khôi...

Tạm biệt thầy Bảnh tại bến đò vì đường vào trường lầy lội kinh khủng chúng tôi không tài nào vào tận nơi được, mái lá ngôi trường thấp thoáng xa xa, nơi đó tiếng cười và ước mơ trẻ thơ được chắp cánh không chỉ bằng tình thương mà con sự hy sinh của thầy cô vượt bao khó khăn bám trụ với nghề. Những đôi mắt bé thơ sáng ngời như tia nắng, như giọt sương tinh khôi rồi sẽ được thắp sáng lên bằng tất cả tình thương của thầy, của cô nơi vùng đất xa xôi địa đầu Tổ quốc, nơi bưng biền con nước lớn nước ròng thắm đượm màu phù sa, để bạn, để tôi đều có thể tin rằng “Đất sẽ nở hoa”.

Thầy Bảnh tại bến đò Láng Trâm, đường vào trường học.

Ngọc Bích