itaexpress / Quỹ ITA-s / Câu chuyện ITA-s / Người mẹ già và những đứa con mù

Người mẹ già và những đứa con mù

Người mẹ già cùng các con cháu

Ngôi nhà năm người mù và người mẹ già 63 tuổi, gia đình ba thế hệ ấy cứ nương tựa, cưu mang nhau sống qua ngày. Để kiếm tiền nuôi các con, hàng ngày bà Sâm thức dậy thật sớm gánh nước mướn, lượm ve chai...

Cùng với phóng viên báo Phú Yên, tờ báo có nhiều sự hỗ trợ cho Qũy ITA Hàn gắn vết thương trong việc tìm đến những nhân vật có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi có mặt tại nhà bà Trần Thị Sâm tại thành phố Tuy Hòa, Tỉnh Phú Yên. Có thể nói đây là một trong những gia đình bị ảnh hưởng nặng nề từ chất độc da cam dù chiến tranh đã lùi xa hơn 20 năm.

Ngôi nhà nhỏ thiếu ánh sáng như khuất hẳn sau tấm bạt che nắng trước căn nhà cũ kỹ. Bà Sâm có 5 người con, 3 người bị mù khi vừa sinh ra, hai người may mắn không mang dị tật. Nhưng khắc nghiệt thay, anh con trai thứ 3 lập gia đình rồi sinh con cả hai đứa con nhỏ đều bị mù, đứa con gái lớn bị mù một bên mắt, đứa con trai nhỏ bị mù vĩnh viễn. Nhà quá nghèo nên bà Sâm cưu mang cả 2 đứa cháu ngọai. Vậy là nhà có 6 người thì đã hết 4 người mù vĩnh viễn, một người mù một bên mắt. Bà Sâm hàng ngày phải chăm sóc cho 3 người con trai bị mù là anh Trần Văn Nhật, 42 tuổi, anh Trần Văn Tèo, 32 tuổi, anh Trần Văn Xuyên, 29 tuổi và 2 đứa cháu ngoại là Huỳnh Công Hạnh, 15 tuổi, bị mù một bên mắt và bé Hà Văn Phúc, 5 tuổi, mù bẩm sinh.

Hạnh và Phúc

Hàng ngày để kiếm tiền nuôi các con, bà Sâm thức dậy thật sớm gánh nước mướn, lượm ve chai và tất cả công việc lặt vặt để có tiền mua gạo và rau nuôi cả nhà. 6 miệng ăn ngoài tiền phụ cấp xã hội cho các con bị mù mỗi người 65 nghìn/ tháng, phần chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ vào người mẹ, người bà 63 tuổi. Vào những lúc bình thường thì thôi, những đêm trái gió trở trời các con bị bệnh bà tất tả ngược xuôi lo hết đứa này đến đứa khác. Các con bà bị nhiễm chất độc da cam ngoài di chứng bị mù mắt còn bị bệnh thiểu năng trí tuệ, nhận thức về thế giới xung quanh của các anh chỉ là một màu đen và hạnh phúc hay khổ đau đều giống nhau, chỉ có sự hy sinh của người mẹ thầm lặng qua từng ngày là còn mãi. Nhìn gương mặt chịu đựng hằn vết nhăn của bà mới cảm nhận được sự khổ đau khi chứng kiến lần lượt tai biến ập xuống gia đình bà như thế nào, không một lời than thở, bà cứ âm thầm quần quật làm việc và là bờ vai cho các con nương tựa.

Hôm chúng tôi đến nhà bà dỗ mãi mới được anh Nhật, Tèo, Xuyên cho chụp hình. Bà Sâm dỗ dành: “Ngồi yên nào, anh Nhật đàn và hát cho nghe!”, bà kể, Nhật đàn rất hay, anh được một người thầy cũng bị mù dạy cho đàn, và thế là vào những dịp lễ, tết anh thường đàn những đoạn nhỏ tặng mọi người. Tiếng đàn trầm đục của anh làm những người có mặt thật xúc động, giọng không tròn vành anh hát, những đứa em ngây ngô lắng nghe rồi cười, hát theo…

Tiếng hát trong căn nhà thiếu ánh sáng

Em Huỳnh Công Hạnh bước vào tuổi 15 thật đẹp, đẹp như gương mặt xinh xắn của em vậy. Vì sức khỏe kém, mắt một bên không thấy đường, bên còn lại nhìn thấy rất mờ nên 15 tuổi em chỉ học lớp 5, ban ngày Hạnh trông em, bé Phúc mù cả hai mắt, ban đêm em theo học tại Trung tâm Vòng Tay Âm. Cha hai em chạy xe thồ kiếm sống qua ngày, mẹ thì bán nước mía dưới bãi biển, cuộc sống gia đình khó khăn vì thu nhập chẳng là bao. Hai đứa con chào đợi trong sự vui mừng khôn xiết của đôi vợ chồng nghèo, anh chị đặt tên con là Hạnh, Phúc nhưng hạnh phúc là vậy mà nước mắt cứ rưng rưng... Phúc biết mình đang được chụp hình em cứ cố mở hai mắt ra, cố nhướng mở hai mắt ra đến nổi miệng em phải há to lên, đôi mắt sâu hoắm, đục ngầu trên gương mặt bé thơ mới đáng thương làm sao. Em cứ víu lấy bà Sâm như tìm hơi ấm chở che, như nơi nương tựa yên bình nhất.

Ngôi nhà 5 người mù và người mẹ già 63 tuổi, gia đình 3 thế hệ ấy cứ nương tựa, cưu mang nhau sống qua ngày. Gánh nước trên vai người mẹ như oằn nặng theo bước chân bà, theo thời gian, và bà biết ánh sáng cho những đứa con không trọn vẹn của mình chính là ánh sáng của của đôi mắt, của ý chí sống của bà để ngày ngày các con của bà được che chở trong vòng tay yêu thương ấm áp, để trên đời này các con của bà còn có mẹ.

Ngọc Bích