itaexpress / Quỹ ITA-s / Câu chuyện ITA-s / Những điều trông thấy ở TTBTXH Long An

Những điều trông thấy ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Long An

Hai em Hải (trái) và Tật

ItaExpress - Nơi đây đã giang tay đón nhận bao số phận đáng thương, bất hạnh…

Nhân chuyến công tác tại Long An trong 2 ngày 16 -17/8 vừa qua, chúng tôi đã đến thăm Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh. Những gì được chứng kiến tại đây không khỏi khiến chúng tôi xúc động…

Những số phận đáng thương

Lúc chúng tôi đến, Trung tâm đang vào giờ ăn trưa. Bộ phận cấp dưỡng làm việc hết sức khẩn trương. Được biết, ngày nào bộ phận cấp dưỡng của Trung tâm cũng phải làm việc hết công suất, có như thế mới phục vụ kịp cho hơn 200 người/3 bữa, gồm cả CB-CNV và các đối tượng.

Trong sân, các cụ già ở khu thông thường lần lượt thay phiên nhau đi nhận phần ăn. Rồi mỗi người một góc, các cụ ngồi ăn lặng lẽ, chậm chạp. Bên khu đặc biệt dành cho các cụ quá già yếu, không đi lại được, các CB-CNV của Trung tâm đang giúp các cụ ăn.

Trời đang vào trưa, hoạt động thường ngày vẫn diễn ra, tập trung, nhưng trong khung cảnh ấy, chúng tôi cảm thấy nỗi buồn và sự cô đơn vẫn gợi lên một cách rõ nét. Họ đã từng là những người mẹ, người cha mang nặng đẻ đau để sinh thành và nuôi dưỡng nên những đứa con. Công ơn cha mẹ không bút mực nào tả xiết. Vậy mà, giờ đây, khi tuổi về chiều, họ phải nhờ vào sự giúp đỡ của xã hội, từ những - người - không - thân - thuộc. Những người ấy đã cho họ một mái nhà và đầy ắp tình thương yêu, đón nhận họ như đón nhận những người thân. Còn người thân của họ, bây giờ làm gì và ở đâu?

Anh Võ Minh Tú, cán bộ quản lý, đang cho hai em Hải và Tật ăn trưa

Khung cảnh bên khu tâm thần còn xúc động hơn. Chúng tôi thấy những thanh niên rất nhiệt tình đem các phần ăn qua khu tâm thần nữ. Các bệnh nhân nữ nhận lấy và mỉm cười, cảm ơn một cách hiền lành rồi ngồi ăn rất gọn gàng và trật tự. Một vài người dường như vẫn nhận biết được sự có mặt của những người khách và cất tiếng chào hỏi. Nhìn họ không có vẻ gì là mang bệnh. Cô Phạm Thị Dành, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm, kề tai chúng tôi nói nhỏ: “Những người đang bưng cơm kia cho bên nữ đều là các bệnh nhân. Họ không có nhiều dấu hiệu của bệnh tâm thần và thường giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong mọi việc. Ở đây mọi người sống rất gắn bó với nhau, người khỏe giúp đỡ người yếu, người yếu giúp đỡ người yếu hơn. Bên khu người già cũng thế, các cụ già khi thấy khỏe cũng rất tận tình giúp chúng tôi làm cơm và chăm sóc các bệnh nhân khác. Nhờ đó nên công việc chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn”.

Các bệnh nhân trong khu tâm thần phụ giúp chuẩn bị cơm trưa

Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Long An hiện chỉ có 27 CB-CNV, nhưng số lượng các đối tượng cần chăm sóc đã lên đến hơn 190 người, thuộc đủ mọi thành phần. Đó là những người già nghèo khó, neo đơn; trẻ em mồ côi, lang thang, cơ nhỡ; người tàn tật; cán bộ hưu trí, thương binh… và nhiều nhất là các đối tượng bị bệnh tâm thần (hơn 100 người). Vì vậy, việc chăm sóc cũng không ít khó khăn. Có người hòa nhập dễ, nhưng cũng có người thường xuyên bị kích động, phải sau 3 tháng cách ly mới có thể sinh hoạt, vui đùa với các bệnh nhân khác. Lại có trường hợp sau một thời gian ở Trung tâm, thấy ổn định nên được cho về, về đến nhà lại trở bệnh và được đưa trở lại Trung tâm. Đặc biệt và đau xót hơn, có lúc Trung tâm đón nhận cả ba thành viên (ba mẹ con hoặc ba cha con) trong cùng một gia đình bị bệnh.

… Và nỗi lòng

Có đến và chứng kiến tận mắt những hoạt động thường ngày tại đây, chúng tôi mới cảm nhận hết những nỗi đau của những kiếp người. Được sống như một người bình thường, ngỡ là một điều hết sức bình thường, giản đơn, nhưng với những con người ở đây, điều đó sao khó khăn quá đỗi. Cuộc sống đã không ưu đãi đối với họ. Nhưng cũng may sao, họ cũng đã có một mái nhà để nương tựa - Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh.

Và có đến tận nơi, chúng tôi càng thấu rõ những khó khăn, vất vả của những CB-CNV đang làm việc tại đây. Với tính chất đặc thù công việc như vậy, nếu không giàu tình thương yêu, lòng nhân ái, tính kiên nhẫn… chắc họ sẽ chọn cho mình một hướng đi khác dễ dàng và nhẹ nhàng hơn.

Giờ ăn trưa tại khu bệnh nhân nữ

Khi được hỏi lý do nào níu giữ ở lại với nghề, cô Phạm Thị Dành cho biết: “Họ đều là những người kém may mắn, rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ của xã hội. Chúng tôi với những cố gắng hết mình chỉ mong sao có thể cùng chung tay, góp sức với xã hội nhằm xoa dịu phần nào nỗi đau, mất mát của họ. Được sống như những người bình thường như thế này đã là điều quá may mắn, nên chúng tôi rất vui khi được chăm sóc, phục vụ cho họ. Càng làm việc thì mình lại càng hiểu và thương họ hơn…”.

Ngừng một chút, đưa mắt nhìn xung quanh, cô tiếp: “Tất cả CB-CNV của Trung tâm đều đồng lòng, chung sức, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy buồn lo vì ngân sách còn ít, cơ sở vật chất chưa được trang bị đầy đủ để có thể chăm sóc họ tốt hơn. Vì thế, chúng tôi cũng rất mong sẽ nhận được sự hỗ trợ từ nhiều phía, nhất là của Quỹ ITA trong dự án mở rộng trung tâm trong thời gian sắp tới…”.

Kim Tuyến - Công Huy