itaexpress / Quỹ ITA-s / Câu chuyện ITA-s / Thủ khoa đại học con một bà mẹ nông dân

Thủ khoa đại học con một bà mẹ nông dân

Chiều đông Hà Nội, nắng vàng sánh như mật ong, tôi đến thăm Đặng Thị Liên, sinh viên năm thứ nhất - thủ khoa của Trường Đại học công nghệ.

Liên ở trong căn nhà trọ 13m2 tại một ngõ nhỏ của phố Minh Khai. ở cùng em còn có ba cô bé người cùng quê. Tôi nhìn xung quanh, đồ đạc trong phòng tuềnh toàng, đơn giản. Góc phải của căn phòng để lỉnh kỉnh rương, hòm, tủ giấy đựng quần áo, bếp gas... góc trái kê một chiếc giường ngủ rộng chừng 1m6. Đây hẳn là chỗ ngủ của 4 cô gái. Gọi là giường cho sang chứ thực chất nó chỉ là các tấm gỗ tạp được chủ nhà ghép lại, bên dưới kê bằng hai chân rong. Sát cửa sổ bên trái là góc học tập được kê hai chiếc bàn nhỏ. Trên bàn có một bộ máy vi tính của Liên vừa được Tập đoàn Tân Tạo tặng.

Liên có dáng người gầy gò, cao chừng 1m50. Em vận bộ đồ ở nhà trông cũng tuềnh toàng như dáng vẻ của căn phòng vậy. Có thể em nghĩ tôi cũng là phụ nữ nên không cần thiết phải cầu kỳ trong cách ăn mặc.

Cô gái nhỏ bé có nước da hơi xanh và hơi nhút nhát này lại là thủ khoa của một trường đại học trên đất Hà Thành. Một chút ngỡ ngàng thoảng qua trong tôi. Ban đầu, Liên không vồn vã cũng không cởi mở trong cách nói chuyện. Em e dè khi nói về mình: “em cũng bình thường thôi mà”.

Em sinh ra và lớn lên ở xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Quê em chỉ có nghề trồng lúa và hoa màu. Bố và mẹ em đều là nông dân trên vùng đất này. Thu nhập chính của cả nhà trông chờ vào 7 sào ruộng. Nếu được mùa thu được khoảng 2,5 tấn thóc/vụ. Tổng cộng cả năm khoảng gần 5 tấn lúa. Để nuôi được ba chị em ăn học, bố mẹ em phải làm lụng rất vất vả. Vì vậy, là chị cả trong gia đình, em đã giúp bố mẹ được nhiều việc từ đi cấy lúa, làm cỏ, gặt hái...tất cả mọi việc của một người nông dân. ở nhà thì giúp mẹ nấu nướng, giặt giũ, chăn nuôi lợn... Tuy bận rộn như vậy nhưng Liên không chịu thua kém bạn trong học tập. Em luôn luôn là học sinh tiên tiến.

Em Duyên ở cùng phòng với Liên và cũng là bạn học phổ thông cho biết: Trong cuộc sống, Liên không sôi nổi lắm và trong học tập cũng vậy nhưng bạn ấy học rất chắc. Đức tính nổi trội của bạn là sự chăm chỉ.

Để học tốt, theo Liên không chỉ học trong sách giáo khoa mà phải đọc nhiều sách khác nữa. Em đọc và ghi chép những ý chính vào một cuốn sổ riêng. Những tích luỹ đó giúp ích nhiều cho em trong các kỳ thi. Liên chăm chỉ, cần mẫn như con ong. Thi đỗ vào đại học và là thủ khoa của trường là kết quả tất yếu của một quá trình phấn đấu không mệt mỏi. Khi được hỏi, tại sao em lai giỏi vậy? Liên cười giản dị: “Em học để mẹ em vui”.

Qua lời kể tôi biết Liên là một đứa con có hiếu. Nhưng mẹ em cũng là một người phụ nữ nông dân không tầm thường chút nào. Mẹ thường thủ thỉ tâm tình với cô con gái lớn từ cách ăn nói, cư xử. Đặc biệt, mẹ luôn nhấn mạnh: Nếu con muốn sung sướng hơn mẹ, không phải làm nông dân một nắng hai sương, thoát ly khỏi vùng quê nghèo và thành đạt thì con phải học giỏi. Chỉ có con đường học hành mới giúp con đổi đời. Liên luôn ghi nhớ lời mẹ. Tuy nhiên, tuổi học trò có những lúc vẫn hồn nhiên, nông nổi. Những khi em làm sai điều gì, mẹ chỉ khẽ nhắc nhở hoặc im lặng. Nhưng em sợ nhất là sự im lặng của mẹ. Vì vậy em luôn cố gắng chăm chỉ và học tốt để mẹ vui lòng. Tuy làm nghề nông nhưng mẹ của em có cách cư xử như một người trí thức. Điều này lý giải vì sao một bà mẹ nông dân lại có đứa con là thủ khoa.

Em Liên rất phấn khởi với món quà này của Tập đoàn Tân Tạo.

Khi vào trường, Liên chọn khoa Tài chính ngân hàng vì em nghĩ ngành này hiện nay đang rất phát triển. Học ngành này em sẽ có nhiều cơ hội xin việc làm và có cơ hội làm giàu. Quả thực, ý chí của bà mẹ đã được truyền sang em một cách triệt để.

Liên cho biết, hiện nay mỗi tháng mẹ em gửi cho em nhiều nhất là 500 000 đồng. Trong đó, em trả tiền nhà hết 120 000; tiền điên nước 50 000; tiền ăn 150 000; số tiền còn lại cho tất cả các nhu cầu khác như mua sách vở, bút, đồ dùng con gái... theo Liên như vậy với em cũng đủ vì muốn nhiều cũng chẳng có mà tiêu. Mỗi ngày chỉ ăn có 5000 đồng. Vậy em ăn gì trong thời giá “ củi thì như quế, gạo như châu” hiện nay? trường ca rau và đậu phụ. Những ngày đầu mới ra,, em ăn đậu phụ Hà Nội thấy rất ngon. Nhưng ngày nào cũng ăn phát ngán. Vậy mà vẫn phải ăn. Thịt với bọn em là một khái niệm rất xa vời. 2-3 tuần mới mua một bữa thịt ba chỉ kho dừa.

Em tỏ lòng biết ơn Tập đoàn Tân Tạo đã tặng em bộ máy tính và 1 triệu đồng. Số tiền này em đã dùng mua sắm loa, tai nghe, đĩa để học tiếng Anh. Chiếc máy tính đã giúp ích nhiều cho em trong học tập, nhất là với bộ môn tin học, cần phải có máy để thực hành. Em sẽ cố gắng hơn nữa để mọi người không phải thất vọng vì em. Nhưng quan trọng hơn em phải học giỏi thì mới xin được việc vì nhà em không có tiền để chạy việc. Em rụt rè hỏi về Tập đoàn Tân Tạo và tỏ ra vui mừng nếu sau này được về làm việc tại đây.

Những giọt nắng mật ong cuối cùng đã biến mất. Tôi chia tay Liên ra về. Em cứ giữ tôi lại ăn cơm với đậu phụ. Tôi tự hỏi, những bữa cơm rau, đậu phụ đang nuôi sống bao nhiêu sinh viên ngoại tỉnh như Liên? Nuôi dưỡng bao nhiêu hoài bão như Liên? Tôi thầm mong Liên luôn gặp nhiều may mắn và thành đạt.

Bài và ảnh: Kim Thanh