itaexpress / Quỹ ITA-s / Câu chuyện ITA-s / “Trước cái nghèo cũng đành bó tay…”.

“Trước cái nghèo cũng đành bó tay…”.

Bé Nguyễn Thị Hạnh

Tôi cười với Hạnh và đưa cho em cây kẹo, Hạnh hồn nhiên đưa tay nhận lấy và bóc ra ăn ngay, miệng cũng cười hồn nhiên như bao em nhỏ khác.

12h trưa, xong việc ở An Hiệp, chị Thúy Diễm, Phó Chủ tịch xã ngỏ ý mời chúng tôi và anh Minh Ký - báo Phú Yên đi ăn trưa. Chạy tới chạy lui suốt buổi trong cái nắng miền Trung gay gắt, lại trên một con đường đầy đá sỏi rất khó đi nên chúng tôi đã thấm mệt nhiều. Nhưng nhìn trời bắt đầu chuyển mây, mà còn một trường hợp ở An Xuân, cách đó gần 20 cây số, chúng tôi chưa đến. Thế là không hẹn mà gặp, mấy anh em đều lắc đầu từ chối lời mời của chị và tiếp tục lên đường, mặc chị tỏ ý e ngại: “Lên núi thì lấy gì mà ăn…”. Chúng tôi cười, cũng như khi lần đầu chị e ngại: “Đường ở đây nhỏ xíu, quanh co, gồ ghề và rất khó đi, tụi em chạy được không…” và ngỏ ý nhờ người địa phương chở giúp.

Đường lên thôn 3, An Xuân xa và khó đi hơn tôi tưởng. Chiếc xe cứ phải leo dốc liên tục, tay tôi rung lên bần bật vì gập ghềnh đá sỏi dưới chân. Có lúc, bụi bay mù trời làm mắt chúng tôi cay xè dù ai cũng đã trang bị đầy đủ nón, mắt kiếng… Anh Minh Ký đi trước dẫn đường, chúng tôi bám sát theo sau. Đường đi hun hút, thỉnh thoảng mới có một vài căn nhà nhỏ. Tôi và chị đồng nghiệp hỏi nhau, không biết lý do nào người ta chọn ở nơi xa heo hút đến thế, không tiện nghi, không gần phố thị, không chợ búa, không một chút gì cho thấy là dễ sống… mà con đường lại quá xa và khó đi vô cùng. Cũng may sáng nay mấy chú bên Hội Dioxin Phú Yên cho mượn chiếc xe này, nếu không, với chiếc xe cà tàng thuê được ngày hôm qua, chắc chúng tôi đang lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười giữa chốn đồng không mông quạnh thế này.

Cuối cùng, chúng tôi đã đến An Xuân, nơi có nhà em Nguyễn Thị Hạnh, sinh năm 1995 - một trường hợp bệnh tâm thần nhẹ xin trợ cấp từ Quỹ ITA-s Chiến thắng bệnh tật, sau rất nhiều lần kiên nhẫn tìm kiếm, hỏi thăm.

Bé Hạnh và mẹ

Thấy người lạ, Hạnh tròn xoe mắt nhìn rồi lân la lại gần. Chị Võ Thị Trẫm - mẹ Hạnh, vội gọi giật con lại rồi đua tay ôm con vào lòng, miệng phân bua: “Chị sợ Hạnh lên cơn… Hôm nay may sao cháu nó khỏe, chứ bình thường thấy người lạ là cứ chực lại gần và muốn cắn. Từ khi sinh ra cháu đã bị vậy, mỗi khi lên cơn là cứ đập đầu vô tường, rồi xé quần xé áo. Chúng tôi cũng đưa cháu đi điều trị vài nơi nhưng vẫn không thuyên giảm…”. Tôi cười với Hạnh và đưa cho em cây kẹo, Hạnh hồn nhiên đưa tay nhận lấy và bóc ra ăn ngay, miệng cũng cười hồn nhiên như bao em nhỏ khác. Tôi hỏi kẹo ngon không, em lại cười và nhìn mẹ như có ý muốn khoe mình có món đồ mới. Nhìn em lúc này, nếu không biết trước về Hạnh, chắc không ai nghĩ em đang là một trong những bệnh nhân của Sở Y tế Phú Yên, trạm chuyên khoa Tâm thần và bác sĩ khuyến cáo phải đưa em vào Bệnh viện Nhi đồng 2 để kiểm tra nhưng gia đình chưa có điều kiện nên lần lữa mãi.

ItaExpress, PV Minh Ký và gia đình em Hạnh

Anh Nguyễn Hoài, cha Hạnh, tiếp lời vợ: “Đất chúng tôi ở đây là đất bậc thang, thu nhập chủ yếu chỉ từ một vụ lúa trong năm. Chúng tôi cũng trồng mía thêm nhưng mía cũng thường mất giá… Hai vợ chồng tôi đi làm lo cho 5 miệng ăn (một đứa đã có gia đình ở riêng và một đứa đi làm thuê trong TP.HCM), hai đứa nhỏ đang đi học, còn bé Hạnh thì bệnh tật vậy… Hoàn cảnh thật sự rất khốn khó, chúng tôi thương con, mỗi lần nhìn con vật vã, đau đớn thật xót lòng, nhưng trước cái nghèo cũng đành bó tay…”.

Nhìn vợ chồng họ lam lũ ngồi trước căn nhà cũ của mình, tay ôm trong lòng đứa con bé bỏng mới sinh ra đã chịu cảnh không may, chúng tôi cùng anh Minh Ký đều e ngại nhìn nhau. Quỹ ITA-s và Tập đoàn Tân Tạo sẽ đưa vai gánh vác giùm một phần khó khăn cho họ trên cuộc chiến với bệnh tật tìm lại cuộc sống bình thường cho bé Hạnh, nhưng chúng tôi vẫn cầu mong sao những hoàn cảnh đáng thương sẽ ngày càng ít đi ở mỗi nơi chúng tôi đi qua…

Kim Tuyến