itaexpress / Quỹ ITA-s / Câu chuyện ITA-s / Trăn trở trong từng giấc ngủ

Thương binh Nguyễn Chơn - Trăn trở trong từng giấc ngủ

Biết chúng tôi đến từ hôm trước, hôm nay Trưởng thôn Lạc Chỉ, ông Nguyễn Văn Nông cũng đã sắp xếp “lịch làm việc” để cùng chúng tôi đến thăm các gia đình thuộc diện chính sách mà ông và thôn đã bàn bạc kỹ trong mấy ngày liền từ tháng trước.

Vừa gặp, ông dẫn chúng tôi ngay đến nhà ông Nguyễn Chơn, gia đình thuộc diện khó khăn nhất trong số tại thôn Lạc Chỉ, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên để cùng chia sẻ.

Trong căn nhà tình nghĩa do Hội Cựu chiến binh tỉnh góp vốn xây dựng từ gần 5 năm nhưng cho đến vẫn chưa trả nợ xong và không có tiền để để trát tường. Ngoài cái bàn dùng để uống nước và bàn thờ đặt di ảnh của Bác Hồ là “hoành tráng” và trang trọng nhất, còn ra là trống trơn và hiu quạnh. Căn nhà dưới thì chỉ có những người gan dạ lắm mới có thể đi lại và sinh sống trong đó, nó đã có tuổi thọ gần bằng tuổi của ông, tường chỉ làm bằng đất sét, mái lá thì xiêu vẹo, những cây cột gỗ từ “kiếp trước” có thể đu đưa kẽo kẹt và ngã ấp xuống bất cứ lúc nào nhưng đến nay vẫn còn đứng đó.

Ít mì được phơi khô sau mùa thu hoạch

Chỉ ngoài 60 nhưng nhìn ông chẳng khác nào một bô lão, đầu tóc bạc phơ, bước đi đã lủi thủi, mặt lúc nào cũng trầm ngâm. Chỉ có ruộng vườn và con bò dường như là thân thiết với ông hơn. Với 5 sào ruộng nhưng có đến 5 nhân khẩu, tất cả đều trông chờ vào đó, miếng ăn giáp hạt đã là quá khó đối với gia đình ông, những khi mất mùa hai vợ chồng phải cùng nhau vào rừng kiếm rau củ để sống qua ngày. Số tiền trợ cấp thương binh bậc 4/4 hàng tháng hơn 370 ngàn đồng không đủ trang trải tiền thuốc bệnh cho ông và đứa cháu ngoại đang bước vào lớp 6 do người con gái để lại lúc hai tuổi để đi bước nữa do chồng chết. Hai đứa con trai cũng đã đến tuổi lập gia đình nhưng nghèo quá không có tiền cưới vợ đành phải lang thang về thành phố Tuy Hòa làm thuê với bất cứ ngành nghề gì. Gánh nặng cứ thế đè lên đôi vai người thương binh nơi quê nghèo này.

Mười năm dài là người lính, từ năm 1965 đến khi giải phóng, với thương tật nặng nhưng do giấy tờ thất lạc hết, đồng thời giám định sai lệch của cơ quan chức năng nên ông chỉ xếp thương binh với thương tật 4/4, ngoài ra các chế độ khác đối với ông hầu như không có. Nhiều lúc thấy người ta cũng như mình nhưng được hưởng các chế độ đầy đủ và đối xử công bằng hơn, ông cám thấy xót xa, nhưng ông cũng tự an ủi với chúng tôi: “10 năm sống và chiến đấu ở chiến trường, quanh mình ngày nào cũng bom rơi, súng nổ nhưng còn sống để về cùng gia đình, quê hương đến ngày hôm nay là may mắn lắm rồi”.

Đôi vợ chồng già và đứa cháu ngoại

Biết chúng tôi là những người đại diện của Quỹ ITA-s – Hàn gắn vết thương mang đến niềm vui cho những con người còn bất hạnh như ông, vợ ông, bà Nguyễn Thị Hòa cũng đã mấy hôm tất bật trên hiếc xe đẹp mượn của đứa cháu để lên xã hoàn thành bộ hồ sơ cho chồng mình. Có lẽ nhìn nét mặt khắc khổ của đôi vợ chồng thương binh già này mà tất cả cán bộ ở xã ai nấy cũng đều gắng hết sức giúp cho ông bà với một tinh thần đầy trách nhiệm với một mong mỏi Quỹ ITA-s sẽ hỗ trợ giảm đi phần nào trong vô vàn cái khó khăn, thiếu thốn của họ.

Sự khắc khoải chờ mong bao đêm cũng vì món nợ kia vần còn đó, căn nhà vẫn chưa được sửa san, những đứa cháu vẫn còn đang tuổi ăn học, về đâu khi tuổi đã xế chiều….Những băn khoăn, trăn trở của người thương binh cứ thao thức mãi trong từng giấc ngủ.

C.H