itaexpress / Tin ITA / Bạn đọc viết / Chia sẻ / Bánh Cuốn còn ngon đến tận bây giờ

Bánh Cuốn còn ngon đến tận bây giờ

Bánh Cuốn còn ngon đến tận bây giờ

Một nàng khăn vấn, áo yếm quê xưa ngồi tráng những “tà” bánh cuốn, không biết nên chọn cái gì, nhưng đã là bức tranh lụa mơ hồ và say lòng bậc nhất.

Bởi vì trong đầy rẫy kỷ niệm tuổi thơ tôi có cái tên “bánh cuốn”.

Một thứ mỏng như áo lụa con gái xuân thì, khêu gợi cái bên trong hồng hồng, màu của tôm pha lẫn với thịt băm, mục nhĩ, hành hoa, hành khô và bánh cuốn dịu dàng ấy ai nhìn mà “chịu” được.

Quê tôi sát một cửa biển miền Trung, tôm cá quanh năm. Làng tôi vừa làm muối vừa làm nghề cá. Một làng có vị thế tuyệt vời đắc địa: “tiền giang, hậu lộ”. Trước thì thuyền bè thơ thới, sau lưng là Quốc lộ 1 xe chạy rầm rầm. Chính cái vị trí trời cho ấy đã khiến làng tôi vừa khôn vừa dại, vừa chân quê, thơm thảo thật thà vừa khôn ngoan, đáo để của kẻ chợ. Họ biết ăn ngon, làm ngon và nấu ngon. Bánh cuốn là một đặc trưng của làng tôi. Nó là sự pha lẫn sản phẩm ngũ cốc của đồng ruộng với tôm và nước mắm của biển, mục nhĩ của rừng và gia vị của vườn.

Còn nhớ, lúc nhỏ mỗi lần bà tôi tráng bánh cuốn là trong nhà như có đám giỗ, háo hức lắm. Bà tôi làm khuôn, mẹ tôi và các chị thay nhau xay bột. Cái khuôn uốn hình tròn như ông trăng vót từ tre hoặc nứa, trên căng một tấm vải mịn trắng muốt. Bột xay thành nước sền sệt, đục trắng và thơm như sữa, ngan ngát và dịu ngọt như đi qua cánh đồng lúa lúc lên đòng.

Một thứ mỏng như áo lụa con gái xuân thì...

Những con tôm riu được vớt ra khỏi nước và đưa vào nồi đất. Cả lũ tanh tách, lào xào trên lửa rơm, rồi ưỡn lên, duỗi dần ra, rồi ửng lên một màu hồng thắm. Tôm chín được bóc áo nhẹ nhàng, băm nhẹ nhàng với thịt lợn nạc, mục nhĩ và ít hành khô, hành hoa, rồi lại bắc bếp rim nước mắm ngon vừa độ, thoảng mùi hạt tiêu bắc.

Giai đoạn “cao trào” là giai đoạn tráng bánh cuốn. Lửa củi phải vừa, đều để độ sôi đủ bốc hơi lên khuôn bánh. Nhìn bà tôi tráng bánh giống hệt người ta đang hấp vải, đang gỡ dần lớp vải mỏng tang, thanh khiết, thiêng liêng ra khỏi mặt khuôn mờ mịt hơi nước.

Một chiếc rá vo gạo được úp sấp trên mặt mâm, thoa nhẹ chút mỡ phi hành lên để chống dính, ân cần trải tấm bánh cuốn trắng mướt lên đấy, lấy nhân tôm thịt đặt vào giữa, vếch hai mép bánh lên, cuộn tròn lại, xếp tuần tự lên đĩa, thế là một bánh cuốn sinh thành.

Có lẽ quê tôi có một “kiểu” ăn bánh cuốn không nơi nào có. Một “kiểu” ăn quê mùa và “khiêu khích” hết sức, hay phải diễn đạt rất nôm na là “nhìn thấy ăn mà thèm rỏ dãi”. Cái kiểu ăn chợ quê ấy, mẹ đốp ấy, lê la ấy vừa dễ nhiễm vừa dễ bắt chước và quả là ngon hơn thật.

Một chút nước mắm trong veo nhìn thấy rõ đáy bát, thứ nước mắm thơm sắc và bùi, vắt một chút chanh đủ chua, chút ớt bột rải đều trên mặt nước mắm, ớt tươi thái mỏng. Thứ chấm kỳ diệu này là cộng ẩm và làm thăng hoa cái vị bánh cuốn mỗi khi đụng vào nó, quẹt vào nó, quẹt hết và đưa lên đầu lưỡi. Vếch một động tác dẻo và điệu nghệ, bánh cuốn đã ngấm trong miệng, cả vị bánh, tôm, mục nhĩ, hành hoa, mặn mắm, chua chanh, cay ớt tan ra mê tơi như bánh thánh. Nóng của nhiệt bánh và lửa của ớt trào nước mắt, cong cả sống lưng nhưng sướng tê, sướng dại.

Bánh cuốn là sự pha lẫn sản phẩm ngũ cốc của đồng ruộng với tôm và nước mắm của biển, mục nhĩ của rừng và gia vị của vườn

Đầu lưỡi là nhạy cảm bậc nhất của xúc giác, nơi khơi nguồn, “thẩm định và đánh giá” mặn nhạt của cái hôn - vốn là “đại sứ” của con tim. Thế mà dùng nó vào câu chuyện bánh cuốn thì còn chi bằng, bởi vì nó đánh thức trong ta không chỉ mùi, vị mà cao hơn là hương và với bánh cuốn lại còn sắc nữa.

Tôi được biết đến bánh cuốn chợ quê từ 7 tuổi, giờ đã 50 vẫn còn mê bánh cuốn. Nhưng bây giờ bánh cuốn kém phần xưa vì nó trở thành ẩm thực phổ thông, bán thành từng dãy, từng phố, làm không cẩn thận nữa vì phải kịp tốc độ yêu cầu của người ăn.

Vậy nên, 43 năm trước mà hồn vía cái bánh cuốn làng quê ấy vẫn dai dẳng trí nhớ đến tận bây giờ, thậm chí lẫn cả vào giấc mơ…

Một nàng khăn vấn, áo yếm quê xưa ngồi tráng những “tà” bánh cuốn, không biết nên chọn cái gì, nhưng đã là bức tranh lụa mơ hồ và say lòng bậc nhất.

Hoàng My