itaexpress / Tin ITA / Bạn đọc viết / Chia sẻ / Chợ tạm khu công nghiệp

Chợ tạm khu công nghiệp

Nguồn: Toquoc.org

Gọi là chợ tạm khu công nghiệp vì nó thường nằm kế cận các KCN. Sài Gòn có một cái chợ tạm không họp vào ngày Chủ nhật, lí do rất giản dị, vì nó nằm ngay cạnh một KCN lớn với gần hai vạn công nhân.

Chủ nhật thì ít công nhân đi làm, và như thế thì bán cho ai? Một lí do vô cùng chính đáng cho chợ cũng được nghỉ ngày Chủ nhật.

Hàng ngày, nó cung cấp nhu cầu ăn, uống cũng như những nhu cầu khác của công nhân khu công nghiệp T. 8h tối bạn mới tan ca, yên tâm, mọi thứ vẫn có đủ cho cái bếp bé tẻo teo của những ngôi nhà trọ: từ rau, thịt, cá, dưa, hành, mắm muối… 10h đêm, bạn phải làm thêm giờ nên về muộn, yên chí, nhưng nhu yếu phẩm tối thiểu cho một bữa tối vốn luôn vội vàng của những công nhân tỉnh lẻ vẫn được đáp ứng đủ. Vẫn những tiếng rao liến thoắng của người bán hàng: “hai ngàn ba bó, rẻ hều, lụm mau, lụm lau…Mua đi chị hai, sao bữa nay về trễ vậy?”. Chuyện mua bán luôn được diễn ra chóng vánh vì… có gì để chọn đâu. Chợ tạm mà, lại còn chợ tạm cạnh khu công nghiệp nữa.

Tôi là một trong số rất nhiều những người đã từng tham, gia vào những hoạt động “thương mại” chóng vánh ấy. Lần đầu tiên, tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy bó rau muống định mua thẳng đuột, bé như quả trứng gà và dài gần nửa mét. Loại rau muống được gieo từ hạt trên cạn chứ không phải được trồng từ đoạn rau muống ngắt ra và vùi xuống đất, có xâm xấp nước hoặc có khi, chỉ là những đám rau muống được quăng xuống nước, trên khúc mương hay một khúc sông nào đó, người ta sẽ khéo léo quây nó lại hoặc có khi chỉ cần chiếc cọc, chiếc sào cắm vào giữa, tự khắc nó sẽ sinh sôi này nở rất nhanh, những ngọn rau muống non mởn, ăn đậm và lành. Chứ cái bó rau muống đang ở trên tay tôi, thẳng đuột và dài ngoẵng đem về luộc hay xào đều nhạt nhẽo. Nhưng chả phải vì nó nhạt nhẽo và đuồn đuột mà bạn sẽ không mua, vì nếu không mua thì bạn sẽ kiếm ra ở đâu cái thứ rau muống màu hơi tia tía đỏ và đậm đà kia bây giờ? Chưa nói đến chuyện bạn đang thèm rau muống. Ăn mà không có rau thì “nó khó” lắm. Đấy là kết luận của khoa học hẳn hoi.

Công nhân trong ca. Ảnh: Ly Quê

Miền Nam đang là mùa mưa, đoành một cái có thể mưa bất kỳ lúc nào, bạn ra chợ lúc 7h tối, mưa; lúc 8h tối: mưa… đừng lo lắng sẽ không mua được cá, thịt hay gì gì khác. Mọi thứ vẫn được bày ê hề trên những chiếc mâm, khay, mẹt, mủng… đại loại là bất cứ cái gì có thể bày biện được. Nắng mưa là chuyện của giời mà lị. Miếng xương, miếng thịt hay con cá đã được làm đâu vào đấy có hơi bợt màu dưới trời mưa tong tỏng cũng chả sao vì vẫn có người mua, là bạn, là tôi, là những công nhân tan ca muộn mà. Tất nhiên, là ai cũng chép miệng: ôi giời, cho nó xong đi, về nghỉ, mai còn đi làm. Tiếng chép miệng ấy hẳn sẽ còn thấy thường xuyên ở bất cứ một cái chợ tạm cạnh khu công nghiệp nào.

Cái chép miệng ấy là lí do để cho những cái chợ tạm như thế tồn tại được. Mua đồ ngon, tươi à, xin mời đi thêm vài km nữa nhé. Mà đi thêm vài km nữa là cả một vấn đề lắm lắm. Thông thường công nhân sẽ thuê nhà ở những nơi gần nhất với khu công nghiệp họ làm. Tiện mà, cái tiện ở đây thuộc về nhiều chuyện lắm, đỡ mất thời gian, đỡ kẹt xe, làm có tăng ca về muộn cũng đỡ nguy hiểm dọc đường. Lại nữa, phần lớn họ đều nghèo, đi làm bằng xe đạp hoặc … đi bộ. Đấy, đấy là điều tại sao “chỉ vài km nữa” thôi là sẽ có thực phẩm tươi ngon mà họ vẫn dừng lại ở cái chợ tạm này, với bó rau muống thẳng đuột gần nửa mét…

Mà giả thử, cái bó rau muống nó có dài thêm tí nữa, thì tôi vẫn mua, bạn vẫn mua…

Ly Quê