itaexpress / Tin ITA / Bạn đọc viết / Chia sẻ / Tết Hàn thực và niềm nhớ

Tết Hàn thực và niềm nhớ

Tết Hàn thực – 3 tiếng như gợi lại trong lòng cả một trời ký ức!

Đó là ngày tết ngọt ngào và thơm tho nhất trong năm, khi đất trời thấm đẫm hương hoa, hương nắng mới và hương gió mới.

Một buổi sáng bình thường như mọi ngày. Đến cơ quan, kéo ghế, mở máy tính ra là hầu như bị hút trọn vào mớ công việc online chất chồng, chẳng còn ý niệm gì về không gian thời gian nữa... Cho đến khi một chị cùng phòng bước vào, vui vẻ kể chuyện đi mua bánh trôi bánh chay ngoài hàng về thắp hương mà đông quá, chờ đợi cả nửa tiếng đồng hồ, mới giật mình thảng thốt “Hôm nay đã là ngày Tết Hàn thực rồi sao?”

Tết Hàn thực, hay còn được gọi bằng cái tên thân thuộc ngày “bánh trôi bánh chay” diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Theo tục truyền, Tết Hàn thực có nguồn gốc ở Trung Quốc từ thời Xuân Thu cổ đại để ghi nhớ ngày chết của Giới Tử Thôi - một tôi trung của vua Văn Công nhà Tấn. Khi lên ngôi, vua đã quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Ông bèn đưa mẹ vào trong núi Ðiền Sơn cày cuốc. Khi Vua cho gọi, Giới Tử Thôi nhất định không ra. Vua cho đốt rừng, mẹ con Giới Tử Thôi đành chịu chết cháy. Vua ân hận và tỏ lòng thương xót, từ đó cấm dân gian không được đốt lửa và chỉ được ăn đồ nguội vào ngày ấy.

Tết Hàn thực – 3 tiếng như gợi lại trong lòng cả một trời ký ức! Mọi thứ cứ lộn xộn trong đầu chẳng tài nào sắp xếp lại cho tròn vẹn. Cái thứ bánh trăng trắng ngọt mềm ấy chứa đựng biết bao kỷ niệm gắn bó... Nhớ ngày còn thơ bé, trước khi cắp cặp sách lội bộ tới trường, mẹ lại dúi cho ít tiền ăn sáng, dặn dò phải ăn mới có sức mà học. Nhưng thế nào con bé cũng phớt lờ đi ngang hàng bún chả thơm lừng, hàng phở bò với nồi nước dùng nóng hôi hổi để ghé gánh hàng rong khiêm tốn với mấy bát bánh chay sánh vàng óng ả, đĩa bánh trôi no tròn trắng mịn. Món ăn khoái khẩu suốt cả thời cắp sách tới trường o a đánh vần từng chữ. Chẳng hiểu có gì quyến rũ đến thế nhỉ? Tại vỏ bánh trắng trong mịn màng từ thứ gạo chín phần nếp, một phần tẻ (mà phải là nếp cái hoa vàng) hay tại viên đường phên ngọt lịm kín đáo dưới lớp vỏ áo, hay tại những hạt vừng rang bùi bùi ngậy ngậy, nhân đậu xanh thì mềm mà ngọt, hương hoa bưởi thoảng thơm sóng sánh trong vị ngọt sắn dây quấy với nước đường. Chỉ biết, sáng nào cũng sà vào gánh hàng rong, bưng bát bánh lên rồi còn ngắm nghía chán chê mãi mới chịu ăn từng miếng chậm rãi để nghe vị ngọt êm còn đọng lại mãi trong cuống họng.

Biết con là khách quen của gánh hàng trôi chay góc phố, nhưng mẹ có thương cũng chỉ đến Tết Hàn thực mới dành được thời gian nặn bánh, chứ ngày thường hết giờ lên lớp lại cặm cụi bên máy khâu cho kịp đồ khách đặt. Tết bánh trôi bánh chay! – con thường vui mừng chộn rộn chạy quanh chỗ bà với mẹ ngồi nặn bánh. Trẻ con chỉ được ngồi nhìn thôi, nhưng nhớ mãi từng viên bánh trôi tròn tròn mịn mịn dần thành hình dưới bàn tay khéo léo của bà, rồi mẹ bắc xoong nước lên bếp đun cho sôi, thả bánh vào rồi đun nhỏ lửa. Con lại được mẹ giao cho nhiệm vụ ngồi canh khi nào bánh nổi lên thì kêu mẹ vớt ra. Lúc đó con thấy tự hào ghê lắm, bởi Tết Nguyên đán chẳng được thức theo anh chị canh nồi bánh chưng, giờ được một mình canh chừng cả nồi luộc bánh trôi bánh chay này!

Bánh chín mẹ vớt ra, ngâm ngay vào trong nước lọc nguội để bánh “săn” lại. Tiếp đó mẹ lại nhẹ nhàng vớt bánh ra, bày lên bát, lên đĩa rồi rắc chút vừng rang lên mặt bánh, chan vào bát bánh chay chút chè bột sắn sanh sánh hương hoa bưởi thơm... Mâm bánh đã chuẩn bị xong xuôi, mẹ lại giục bố bày biện ban thờ, thắp nén hương thơm mời ông bà về thưởng chút tấm lòng thành của con cháu... Bao nhiêu năm rồi mà mùi khói hương bảng lảng, vị bánh thơm thảo tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên còn lưu luyến mãi trong lòng con... Cứ thế, hương vị bánh trôi bánh chay quấn quýt suốt thời thơ ấu, vào trong cả giấc ngủ êm đềm dìu dịu.

Cuộc sống nhẩn nha trôi, cô bé con ngày nào giờ đã lớn khôn. Gánh bánh trôi, chay góc phố đã không còn sau đôi lần quy hoạch, di dời; bà đã già yếu, mẹ cũng bận rộn với công việc kinh doanh, Tết Hàn thực ban thờ vẫn đỏ đèn thơm hương với những đĩa bánh được mẹ tranh thủ buổi chợ sớm mua về. Âu cũng ấm lòng khi thấy phong tục đẹp vẫn còn được duy trì nối tiếp... Cô bé con thủa nào giờ không còn mê mệt món trôi chay để ăn thay bún, phở mỳ buổi sáng như xưa nhưng vẫn không quên ngày Tết Hàn thực, nhẩn nha nhón từng miếng bánh nhỏ xinh, vừa nhâm nhi vừa ôn lại những ngày ấu thơ âu yếm!

Thi thoảng, trong cái tiết trời mưa phùn rả rích, ảm đảm một màu, tự nhiên lại thấy thèm quá cái vị bánh ngọt bùi dẻo thơm, lại được phen làm nũng cậu bạn vòng vòng khắp phố tìm cho kỳ được hàng bánh trôi chay để thỏa niềm nhung nỗi nhớ!

(Theo Việt báo)