itaexpress / Tin ITA / Công nghệ Kỹ thuật Số / Di động / Giảm cước di động: MobiFone, Viettel "tranh bá"?

Giảm cước di động: MobiFone, Viettel "tranh bá"?

Sau khi giảm cước di động, cuộc đua

tranh về công nghệ mới, chất lượng

thoại bắt đầu! Ảnh: L.A.D

Đằng sau việc Viettel và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trình phương án giảm cước di động lên Bộ Thông tin Truyền thông, người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy cuộc đua tranh, "xưng hùng, xưng bá" trên thị trường di động đang nóng bỏng trở lại...

Theo phương án giảm cước di động được VNPT trình Bộ Thông tin truyền thông, cước di động nội mạng của MobiFone và VinaPhone có thể giảm tới 28%, liên mạng giảm tới 25%. Một phương án giảm cước khác cũng được VNPT đề xuất, theo đó cước nội mạng giảm khoảng 25%, liên mạng giảm 20%.

Với phương án giảm cước mạnh nhất, cước gọi nội mạng trả sau của MobiFone và VinaPhone chỉ còn 970 đồng/phút - mức thấp nhất trong số các mạng di động hiện nay. Vào thời điểm hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xem xét và cân nhắc về phương án giảm cước của VNPT.

Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia về viễn thông, các doanh nghiệp thuộc VNPT như MobiFone sẽ được giảm cước tối thiểu bằng mức của Viettel hiện nay với 2 lý do. Thứ nhất, Viettel, MobiFone, Vinaphone đều là những doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế và cần có sự bình đẳng về quyền được giảm cước di động, làm lợi cho khách hàng.

Thứ hai, trong bối cảnh lạm phát đang leo thang vào cuối năm, các nỗ lực giảm giá cước để giảm chi phí cho người tiêu dùng, giảm chi cho các doanh nghiệp là một việc làm nên được khuyến khích.

Giảm cước có nghẽn mạng?

Trả lời VietNamNet, mới đây, Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, "Trong vòng 10 ngày khi DN trình lên Bộ phương án giảm cước, Bộ sẽ có quyết định về phương án này. Nhưng chắc chắn Bộ sẽ cho phép Vina, Mobi được giảm cước đợt này. Chỉ có điều, mức giảm sẽ điều chỉnh sao cho phù hợp với lợi ích của khách hàng của tất cả các mạng di động".

Đồng thời, ông Hưng cũng nhấn mạnh, vấn đề người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn hiện nay vẫn là chất lượng gọi, thay vì chạy đua giảm cước. Với vai trò của cơ quan quản lý, mối quan ngại lớn nhất hiện nay là các mạng di động cần cam kết và bảo đảm an toàn mạng lưới vào dịp lễ, tết sắp tới.

Mặt khác, khi Bộ Thông tin Truyền thông vẫn chưa có ý kiến cuối cùng về phương án giảm cước của VNPT, nhiều chuyên gia về viễn thông đã bắt đầu dự đoán về một bước ngoặt mới của thị trường di động vào năm 2008.

Theo những dự đoán này, khi giá cước của các mạng di động GSM đã ở mức như nhau thì cạnh tranh giữa các mạng GSM sẽ hoàn toàn khác so với vài năm gần đây. Điểm nổi bật nhất là Viettel với ưu thế về giá cước rẻ, chắc chắn không còn khuyến mại dẫn tới nghẽn mạng trầm trọng như trước đây.

Thay vào đó, các mạng di động sẽ buộc phải tập trung vào chất lượng dịch vụ đặc biệt là chất lượng mạng lưới. Đặc biệt, cũng theo Thứ trưởng Hưng, càng vào thời điểm cuối năm, Bộ sẽ càng tăng cường giám sát, và siết chặt "quản" chất lượng mạng, thông qua Cục Quản lý Chất lượng BCVT-CNTT.

Ai sẽ chiếm lợi thế?

Bài toán đặt ra là khi mức cước ngang bằng nhau, cuộc cạnh tranh sẽ bắt đầu vào thời kỳ mới...Theo đánh giá của nhiều chuyên gia viễn thông, trên thực tế, cuộc chạy đua khốc liệt nhất sẽ là cuộc chơi lớn của 2 đối thủ chính là MobiFone và Viettel.

Năm nay được coi là cuộc đua về mạng lưới phát sóng, với việc cả MobiFone và Vietel đều ồ ạt lắp thêm vài nghìn trạm BTS. Sau đó, tới đầu năm 2008, khi cả 2 mạng này cùng đạt số trạm khoảng 7.000 trạm BTS, thì sự khác biệt sẽ chỉ còn tập trung vào khả năng tối ưu hoá mạng lưới.

Trong cuộc chạy đua này, MobiFone hiện đang tập trung áp dụng công nghệ mới của mạng GSM như AMR (Adaptive Multi Rate), Synthesizer (công nghệ nhảy tần nhóm)… Bên cạnh việc cạnh tranh về vùng phủ sóng, chất lượng thoại, việc áp dụng các công nghệ mới cho các dịch vụ về truyền dữ liệu cũng là một tâm điểm của cạnh tranh trong năm 2008.

Trong năm 2007, trong số 3 mạng GSM, khi Viettel công bố phủ sóng GPRS toàn quốc, ngay lập tức MobiFone đã tuyên bố áp dụng thành công công nghệ EGDE – công nghệ truyền dữ liệu tốc độ cao. Trong khi Viettel đã hoàn thiện phủ sóng GPRS, MobiFone hiện đang dừng ở mức thử nghiệm thành công EDGE vào cuối năm 2007 nên đến đầu năm 2008, khách hàng của mạng này mới được hưởng các tiện ích truyền dữ liệu với tốc độ tương đương ADSL.

Cuộc đua đang diễn ra ngấm ngầm phía trước. Lãnh đạo Viettel đã không "ngần ngại" bộc lộ tham vọng muốn làm bá chủ, "về nhất" trên thị trường di động VN.

Trong khi đó, một chuyên gia về viễn thông thuộc VNPT nhận xét: “Nếu như các năm trước Viettel là một hiện tượng của thị trường thông tin di động của Việt Nam thì năm 2008, hiện tượng này sẽ không còn nữa bởi các ưu thế được nhà nước bảo hộ như giá cước rẻ hơn đã không còn. Trong một cuộc cạnh tranh mới, chất lượng dịch vụ và khả năng thay đổi nhanh chóng với sự phát triển của công nghệ mới mới là lợi thế cạnh tranh hàng đầu của các mạng di động!”

Theo Hoàng Hùng (VietNamNet)