itaexpress / Tin ITA / Công nghệ Kỹ thuật Số / Di động / O2- Nỗi niềm thăng trầm

O2- Nỗi niềm thăng trầm

Ra đời từ năm 2001 bởi sự liên doanh của hai hãng viễn thông Anh quốc là British Telecom và BT Wirereless, O2 là một nhà điều hành mạng viễn thông chủ yếu hoạt động tại thị trường châu Âu

Riêng tại châu Á, chi nhánh O2 Asia được thiết lập nhằm cung cấp phần cứng, những mẫu thiết bị đầu cuối là các model thuộc dòng PDA phone và smartphone sử dụng hệ điều hành Microsoft Windows Mobile và cả những phần mềm của Windows Mobile.

Cái tên quen thuộc O2 này hầu như gắn liền với những mẫu điện thoại lai giữa PDA phone (gọi tắt là PDA) với cái tên XDA nổi tiếng. XDA là viết tắt của cụm từ eXtra Digital Assistant - thiết bị trợ giúp số mở rộng. Mọi chuyện bắt đầu từ giữa năm 2002 sau sự xuất hiện của series sản phẩm XDA I (tên mã là HTC Wallaby). Theo các số liệu nghiên cứu thị trường, trong vòng hơn một năm, riêng các model có “lai” với XDA đã bán được hơn 64.000 chiếc ở châu Âu. Ở phân khúc PDA, riêng O2 chiếm 36% thị phần Bắc Âu, gần 60% thị phần tại UK (United Kingdom) - một con số khá lớn.

Thành công vang dội của O2 được thể hiện rõ nét nhất vào nửa cuối năm 2003 với sản phẩm PDA phone thế hệ thứ 2 của hãng là XDA II. Sẽ là không quá lời khi cho rằng chính các PDA của O2 đã làm nên một cuộc cách mạng khiến người tiêu dùng biết rằng “ngoài máy tính, thế giới còn có PDA, điển hình là O2”. Riêng đối với người tiêu dùng các sản phẩm công nghệ ở Việt Nam, vào những năm 2003 - 2006, thương hiệu O2 thành công đến mức từng được “thay thế” cho cụm từ ám chỉ những chiếc PDA phone, giống như cách người miền Nam vẫn hay nhầm lẫn giữa chữ Honda và xe máy, nhất là thời kỳ ngay sau khi đất nước thống nhất.

Đây cũng là thời điểm mà HTC - nhà sản xuất PDA sử dụng hệ điều hành Microsoft Windows Mobile lớn nhất thế giới khi ấy - vẫn còn những hợp đồng sản xuất ODM/OEM cho các hãng viễn thông trong đó có O2. Hàng loạt sản phẩm O2 XDA I, O2 XDA II, O2 XDA IIs, O2 XDA IIi, O2 XDA Exec, O2 XDA Mini, O2 Xphone, O2 Xphone II đều do HTC chế tạo. Đây cũng là thời điểm phát triển rực rỡ nhất của cái tên PDA O2.

Mọi sự đã thay đổi sau khi HTC được tập đoàn viễn thông Telefonica S.A. của Tây Ban Nha mua lại tháng 01/2006 với giá 18 tỷ bảng Anh và giữa năm 2006 với những chiến lược kinh doanh mới của HTC đứng ra bán trực tiếp đến người tiêu dùng. Chính sách kinh doanh PDA và smartphone của O2 có những thay đổi đáng kể theo từng khu vực. Ví dụ như ở châu Âu với 2 chi nhánh chính là O2 UK và O2 Germany, những sản phẩm PDA và smartphone ODM/OEM do HTC chế tạo vẫn được phân phối đến khách hàng dưới những dạng gói dịch vụ kèm theo thuê bao.

Bất ngờ xảy ra! O2 Asia chấm dứt đặt hàng từ HTC và chuyển sang tìm các nguồn sản phẩm ODM/OEM từ những nhà sản xuất phần cứng khác ở Đài Loan như Quanta, Asus... Hàng loạt sản phẩm điện thoại thông minh xuất hiện thời gian này do O2 phân phối ở châu Á đều từ những nhà cung cấp ngoài HTC như AsusTek là O2 XDA Zinc và O2 Graphite; Gigabyte Communications với O2 XDA Stealth; Quanta Computer là series O2 XDA Atom (Atom, Atom Exec, Atom Life) và Arima với O2 XDA Flame.

Sự đa dạng hóa nguồn cung này phần nào giảm bớt áp lực do phụ thuộc quá nhiều vào HTC. Mặt khác, với hàng loạt sản phẩm liên tiếp ra đời, O2 Asia đã bổ sung dải sản phẩm đủ sức cạnh tranh với Dopod, một công ty thuộc sở hữu của HTC phân phối các sản phẩm tương đương cạnh tranh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cuối năm 2006, O2 Asia đã chiếm hơn 10% thị phần PDA châu Á. Những thị trường như Ấn Độ, PDA và smartphone O2 chiếm đến 35% thị phần - một con số thuyết phục và hầu như họ chiếm trọn lãnh địa công nghệ này.

Mọi chuyện lại bắt đầu từ những thay đổi của O2. Sự đa dạng hóa vội vàng nhà cung cấp ODM/OEM đã làm cho chất lượng PDA O2 theo chiều hướng đi xuống. Ở góc độ người tiêu dùng, những “con dế” PDA do O2 Asia phân phối đều gặp phải những vấn đề về chất lượng sản phẩm hay tương thích mạng hạ tầng viễn thông ở mỗi quốc gia khác nhau. Ngay từ việc PDA đầu tiên không do HTC sản xuất là XDA Atom đã gặp hàng loạt lỗi nghiêm trọng như không tương thích với mạng di động hoạt động trên băng tần 900/1800 MHz của GSM, ví dụ ở Việt Nam, Indonesia...

Có ý kiến còn cho rằng mẫu mã và chất liệu sản phẩm của 02 Asia kém xa so với các sản phẩm từ HTC chế tạo và những nhà sản xuất mới không thể có trình độ và kinh nghiệm bằng HTC. Nhưng những mẫu sản phẩm sau này của O2 Asia mặc dù đặt hàng từ những công ty có kinh nghiệm sản xuất PDA như Asus, Arima vẫn gặp phải những vấn đề tương tự mà dường như O2 không xử lý triệt để. Mới nhất là O2 XDA Flame cũng gặp phải vấn đề về chất lượng sóng và pin khá tồi. Không những gặp phải vấn đề tại thị trường châu Á, một số sản phẩm do O2 Asia đặt hàng dự định phân phối vào châu Âu như PDA 3G O2 XDA Zinc cũng bị từ chối do không vượt qua những thử nghiệm về mạng tại UK.

Không những vậy, O2 Asia còn gặp phải những vấn đề về dịch vụ sau bán hàng. Những khách hàng khu vực châu Á ở Singapore, Malaysia, Thailand phàn nàn khá nhiều về sự hỗ trợ ngày càng kém của O2 đối với những sản phẩm của mình trên một số diễn đàn của cộng đồng người sử dụng PDA (www.ppcsg.com). Có thể những lời phàn nàn này là số ít nhưng nó cũng nói lên phần nào về chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ của O2 Asia dần tỉ lệ nghịch với sự nổi tiếng của thương hiệu này.

Còn ở Việt Nam, khi mà hàng nhập khẩu chính thức chỉ chiếm thị phần quá nhỏ so với hàng nhập lậu cũng gây không ít ảnh hưởng đến thương hiệu O2 chính hãng vì những sản phẩm của O2 không được đảm bảo về chất lượng bởi nhà cung cấp cũng đã làm cho cái tên PDA này mất dần niềm tin với khách hàng. Điều này đã và đang xảy ra khi mà thương hiệu HTC và Dopod ngày càng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, họ đang cố gắng thể hiện cho người tiêu dùng nhiều hơn nữa sự tin tưởng về chất lượng đối với người dùng PDA Việt Nam.

Với những bất lợi về chất lượng sản phẩm cũng như trong chế độ hậu mãi, rõ ràng hãng còn quá nhiều công việc cần phải xử lý trong tương lai để khẳng định vị thế thương hiệu O2. Trong bối cảnh miếng bánh béo bở ở thị trường PDA và smartphone ngày càng có nhiều nhà sản xuất bước chân vào; cùng với sự tiến bộ với tốc độ chóng mặt của ngành công nghệ thông tin và viễn thông, nếu không có biện pháp điều chỉnh kinh doanh phù hợp, O2 Asia rất khó khẳng định được vị thế vốn có của mình. Hi vọng bằng những thế mạnh về giá trị thương hiệu và kinh nghiệm trong quá khứ trong suốt thời gian dài vừa qua, cùng với sự thay đổi kịp thời trong chiến lược kinh doanh, O2 sẽ lấy lại những gì mình đang dần để mất ở châu Á.

Theo eChipM