itaexpress / Tin ITA / Công nghệ Kỹ thuật Số / Di động / Sẽ không còn ĐTDĐ Motorola?

Sẽ không còn ĐTDĐ Motorola?

Nguồn: CNET

Gã khổng lồ di động nước Mỹ, hãng đã đặt nền móng đầu tiên cho thị trường ĐTDĐ trong thập niên 80, đang cân nhắc một khả năng "động trời": bán lại bộ phận điện thoại di động.

Trong thông cáo báo chí mới phát đi, Motorola cho biết muốn "cải tổ, sắp xếp lại cơ cấu", bắt đầu từ việc từ bỏ bộ phận kinh doanh ĐTDĐ, vốn hoạt động yếu kém suốt 2 năm nay.

Thị phần của Motorola trên thị trường toàn cầu đã giảm từ 20% cuối năm 2006 xuống còn vẻn vẹn 12% năm 2007, đồng thời hãng cũng mất luôn vị trí Á quân vào tay đối thủ Samsung Electronics.

Ý tưởng tồi?

Nguyên nhân chính khiến cho Motorola bết bát như vậy, là vì hãng đã không thể giới thiệu được mẫu điện thoại nào "ra trò" kể từ sau thành công đột biến của Razr V3.

Tuần trước, Motorola từng khuyến cáo giới đầu tư là hãng sẽ phải mất nhiều thời gian hơn kế hoạch để vực lại công việc kinh doanh điện thoại. "Nhiều khả năng, doanh thu và thị phần sẽ còn tiếp tục sút giảm trong quý I/2008".

Phố Wall đã phản ánh khá tích cực trước thông tin Motorola có thể tách riêng bộ phận ĐTDĐ. Giá cổ phiếu của hãng đã tăng 10% lên 12,65 USD vào cuối phiên giao dịch.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia cho rằng nếu chỉ bán bộ phận điện thoại thì chẳng giải quyết được vấn đề gì. "Đây là một ý tưởng tồi, nhất là khi Motorola đã chi tới hàng tỷ USD trong nhiều năm nay để gây dựng thương hiệu".

"Sau khi bán bộ phận ĐTDĐ đi rồi, họ còn lại cái gì mới được? Sẽ là vô nghĩa khi Motorola sử dụng thương hiệu đang có để bán đầu thu kỹ thuật số hay đài radio, đại loại thế", iGillot Research bình luận.

"Huy hoàng một phút"

4 năm trước, Motorola đã gặt hái đủ mọi thành công với dòng máy siêu mỏng Razr V3. Sản phẩm này đã giúp Motorola tăng thị phần một mạch từ 15% năm 2004 lên 23% vào cuối năm 2006.

Tuy nhiên, cùng với thời gian, độ "hot" của V3 cũng giảm dần. Doanh số tiêu thụ tụt hẳn, bất chấp việc Motorola đã liên tục giảm giá để kích cầu.

Kể từ sau đó, Motorola hoàn toàn bất lực trong việc phát triển một mẫu ĐTDĐ cao cấp để thay thế cho RAZR, giúp hãng duy trì đà tăng doanh thu và thị phần sẵn có.

Có người đã ví Motorola là kẻ "huy hoàng một phút" với RAZR, để rồi "trăm năm" còn lại "le lói" trong hoài niệm. Tháng 11/2007, Giám đốc điều hành Ed Zander buộc phải ra đi trước áp lực chỉ trích của các cổ đông và giới đầu tư.

Tuyệt vọng

Motorola cố gắng vẫy vùng, tung ra vài sản phẩm mới với những tính năng bổ sung như 3G, hỗ trợ Internet và nghe-nhìn mạnh mẽ. Nhưng theo nhìn nhận của giới chuyên môn, đây chẳng qua là "bài cũ soạn lại" và "bình mới rượu cũ" mà thôi.

Việc lợi nhuận quý IV/2007 của Motorola giảm tới... 84% chính là giọt nước cuối cùng làm tràn ly. "Chúng ta sẽ không thể hồi phục trước năm 2009", tân Giám đốc điều hành Greg Brown tuyên bố. Thông tin này ngay lập tức khiến giá cổ phiếu của hãng giảm thêm 20% nữa.

Một số người tỏ ra thận trọng trước khả năng Motorola bán đứt bộ phận ĐTDĐ. Năm 2005, Siemens từng tiến hành nước cờ này và người mua là hãng công nghệ BenQ của Đài Loan. Một năm sau, BenQ Mobile tuyên bố phá sản, kéo chìm cả bộ phận ĐTDĐ của Siemens.

Theo Trọng Cầm (VietNamNet)