itaexpress / Tin ITA / Công nghệ Kỹ thuật Số / Di động / “Shop” dế vỉa hè

“Shop” dế vỉa hè

Shop dế 100.000 đồng

Hầu hết, người sử dụng điện thoại di động vẫn quen với những showroom, siêu thị “long lanh” nằm ngay mặt phố. Nhưng có một bộ phận khách hàng lại chỉ quen và thường “săn” “dế” ở những cửa hàng vỉa hè giản dị, thậm chí có phần tạm bợ… mỗi khi tối đến.

Từ cửa hàng 100.000 đồng…

Anh H. – một người chuyên bán loại hàng này – tại đầu phố Tây Sơn (đoạn gần trường Đại học Thủy Lợi) tiết lộ, nguồn hàng của anh nhiều lắm, nhưng chủ yếu có hai nguồn chính. Một là khách tự mang tới bán, lúc này điện thoại của họ gần như “chết” rồi. Hai là nhập lại từ các mối quen như các cửa hàng sửa chữa điện thoại di động lớn. Nguồn hàng này có nhược điểm là máy đã bị “lọc” hết linh kiện “xịn”, thay thế bằng linh kiện Trung Quốc hoặc kém chất luợng. “Đôi khi cũng có những nguồn đặc biệt, miễn sao không trộm cắp”, anh nói.

Gian hàng bé nhỏ của anh H. chỉ là một cái tủ kính nhỏ, bầy khoảng chục cái di động cũ rích, SIM và mấy loại phụ kiện kèm theo. Cũng giống như những đồng nghiệp ở đoạn phố này, anh gọi cái tủ kính ấy bằng một cái tên rất độc: “Cửa hàng 100.000 đồng”. Đó cũng là giá tiền tối thiểu để có thể đóng được chiếc tủ “di động” làm đồ mưu sinh cho cuộc sống thường ngày…

Đến những “shop dế” rẻ nhất Hà Thành

Ngồi gần anh H. có anh T., một người có thâm niên 3 năm trong nghề “di động vỉa hè”. Anh T. chỉ vào một dàn máy khoảng hơn hai chục “con” bày ở khoang giữa của cái tủ ba tầng, nói với giọng tự hào: “Đố tìm được mấy “con” này trong các trung tâm lớn. Các hãng không sản xuất mấy đời này nữa đâu”.

Đó là những model cũ rích, vỏ máy xước ngang dọc, màu sơn chẳng còn độ bóng nữa mà chuyển sang xỉn. May mà tên nhà sản xuất vẫn còn “vương” lại chút ít trên vỏ máy. Nhưng theo anh T., những đặc điểm ấy lại tạo nên sức hấp dẫn khiến khách hàng của anh phải “móc ví” và cũng là lý do để những hàng ở đây tồn tại. Như để chứng minh, anh lấy “con” Nokia 8250 lên làm ví dụ. Với vỏ máy màu bạc xỉn, bàn phím ấn lúc được, lúc không, chiếc máy này được bán với giá 150.000 đồng. Anh T. hào hứng, lúc đầu anh cũng nghĩ mấy mẫu này cho cũng chẳng ai lấy, không ngờ chúng vẫn có vị trí và sức hấp dẫn riêng. “Không chỉ dân lao động nghèo, sinh viên, giới sưu tầm điện thoại cổ chẳng hôm nào là không lảng vảng qua đây” – anh nói. Giá của những chiếc di động ở đây có thể nói là rẻ nhất Hà Nội - trung bình khoảng 500.000 đồng là mua được một cái trông khá khẩm. Chiếc đắt nhất cũng chỉ xấp xỉ 1.000.000 đồng với hình thức còn khá ổn và chất lượng nghe-gọi-nhắn tin ở mức “chấp nhận được”.

Nồi nào úp vung nấy

Phải nói ngay rằng, những chiếc di động được bán với cách thức trên không dành cho khách hàng muốn hướng tới độ bền của sản phẩm, ngoại trừ một số người có khả năng “độ” máy. Điều đó được chính các “ông chủ” chuyên kinh doanh di động vỉa hè khẳng định: “Nếu máy còn dùng tốt, khách thường bán cho các đại lý lớn. Còn với những cửa hàng này, máy họ mang đến thường gần như đã “liệt”. Cố lắm, cũng chỉ duy trì thêm được 5, 6 tháng hoặc 1 năm là cùng”. Không chỉ vậy, linh kiện cho mấy loại này cũng khó kiếm nên biết “bệnh” của máy cũng chưa chắc khắc phục được.

Đó cũng chính là nguyên nhân khiến thời hạn bảo hành ở đây cực ngắn: khoảng 5 - 15 ngày sau khi bán. Trên thực tế, vượt quá thời hạn này, khách hàng chỉ còn biết ngậm ngùi nếu chiếc máy bị trục trặc, hỏng hóc. Vì thế, sau thời gian bảo hành, những khách hàng khi mua máy ở đây thường quay lại ít nhất một lần để sửa. Nhưng anh T. cho biết, khách cũng không mấy khi cáu gắt nếu máy nhanh hỏng, vì trước khi mua, các “ông chủ”đã giao hẹn trước cho khách về độ bền của máy. “Khách chấp nhận thì mua, không thì thôi”, anh nói.

Phạm, một dân sưu tập “dế cổ”, cũng là một khách “ruột” của những cửa hàng 100.000 đồng này. Bộ sưu tập của Phạm có cả những chiếc điện thoại đời đầu xuất hiện ở Việt Nam như Ericsson “cục gạch” hay chiếc Motorola Star – tac một thời “độc chiếm” trị trường. Anh cho biết đã mua được 4 mẫu được coi là “cổ” tại những shop vỉa hè này.