itaexpress / Tin ITA / Công nghệ Kỹ thuật Số / Tin học / Cái nhìn cho các nhà IT

Cái nhìn cho các nhà IT

Nguồn: VietnamNet

Hôm nay, anh Hy và mình đi ăn tối với thằng Amit Jalali - Senior Business Manager, International Operations của QAI. Thực sự bị sốc.

Nó còn trẻ quá, chắc mới chỉ 35 là cùng. Vậy mà... Biết 12 thứ tiếng khác nhau. Và rất biết tạo ấn tượng ban đầu. Good business man!

Nói chuyện với nó về việc hợp tác trong giữa hai công ty. Thằng này ngoại giao gớm. Nó khen TMA hết lời. Và nó đã rất khôn khi khen một cách gián tiếp qua việc kể lại lời của người khác. Dù biết vậy nhưng mình cũng cảm thấy nở mày nở mặt lắm. Theo nó, đối với giới gia công phần mềm của Ấn Độ, chỉ có một công ty VN duy nhất có khả năng trở thành đối thủ của họ: TMA Image.

Tuy vậy, nó hỏi mình một câu hỏi làm mình suy nghĩ rất nhiều sau đó, kể cả khi đã về đến nhà: Việt Nam sẽ dựa vào cái gì để có thể theo kịp Ấn Độ? Đâu là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, và của TMA?

Nó chia xẻ với mình về khía cạnh văn hóa: tại sao người Mỹ outsource sang Ấn Độ chứ không phải nơi khác, người Nhật sang Trung Quốc, người Anh sang Ireland còn người Đức thì lại sang Nga? Đó là vì sự tương đồng về văn hóa. Người ta cảm thấy hoàn toàn thoải mái và tin tưởng khi người ta hiểu rõ văn hóa của nhau. Rất dễ hiểu cho ba trường hợp sau: Nhật chịu ảnh hưởng Trung Hoa rất nặng suốt mấy ngàn năm, Ireland chịu rất nhiều ảnh hưởng của Anh, còn Đức và Nga đều là hai nước mang nặng dấu ấn văn hóa Đông Âu - Slave.

Nhưng còn trường hợp giữa Ấn Độ và Mỹ? Ấn Độ không tự cô lập mình bởi cái gọi là văn hóa riêng. Người Ấn Độ, trong công việc, đồng hóa văn hóa của mình với văn hóa khách hàng. Họ luôn luôn "say Yes". Khách hàng muốn họ làm CMMI-L3, họ làm ngay. Và thậm chí còn làm hơn như vậy nữa, họ làm CMMI-L5. Sau khi làm xong, họ thậm chí còn dạy lại cho người Mỹ cách làm những cái CMMI-L4/5. Bởi vậy, trong công việc, người Mỹ hoàn toàn không thấy được sự khác biệt về văn hóa, về ngôn ngữ... Họ thấy hoàn toàn tin tưởng và thoải mái...

1. Tôi tự hỏi chính bản thân mình: Điều đó có thể áp dụng ở Việt Nam hay không?

Câu trả lời là không... Và không chỉ là Việt Nam, mà thậm chí ở cả Trung Quốc cũng vậy. Điều khác biệt đã được chứng minh bằng thực tế và bằng lịch sử. Nếu như người Ấn Độ làm việc rất chuyên nghiệp (văn hóa Tây phương - đúng hơn là văn hóa Mỹ nhưng cuộc sống xã hội rất đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Thì ở VN hay TQ, người ta đang bắt đầu sống thực dụng theo kiểu xã hội Phương Tây (một bộ phận, đặc biệt là giới trẻ trong khi lại làm việc theo kiểu rề rà không chuyên nghiệp mà mình vẫn tự ru ngủ mình mỗi ngày: theo văn hóa Phương Đông, theo kiểu truyền thống, theo những giá trị gia đình, có tình cảm ...

Sự thay đổi, nhất là về văn hóa là khó kinh khủng… Nhưng có thật là không thể được?

2. Tôi chợt nhớ lại những lời của chính bản thân mình trước đây: văn hóa phương Tây chú trọng về khoa học, về tính thực tế, và chính vì vậy họ đi rất nhanh về kinh tế. Còn văn hóa phương Đông chú trọng về mối quan hệ giữa người với người và giữa con người với vũ trụ, với thiên nhiên nên họ duy trì được những nền văn hóa nhiều bản sắc, sản sinh những nhà tư tưởng lỗi lạc và tất cả những tôn giáo chính của thế giới. Thế giới không thể không có phương Tây vì lúc đó thế giới sẽ trì trệ không phát triển. Và thế giới không thể không có phương Đông, vì nếu không thế giới sẽ trở nên cực đoan, thái quá và thực dụng. Cũng giống như một chiếc compa, phải có cả hai chân: cả chân trụ và chân xoay đều quan trọng. Cũng giống như một gia đình, cả người chồng và người vợ đều quan trọng.

Cũng giống như trong một gia đình, muốn hạnh phúc, mỗi người cần phải tự thay đổi cho phù hợp với vai trò mới: là vợ, hay là chồng, là cha hay là mẹ...

Áp dụng lại vào trong trường hợp này: Chúng ta đã thực sự biết mình muốn gì hơn chưa? Và chúng ta đã chuẩn bị được cái tâm thế cần thiết cho để có được cái điều mà mình lựa chọn hay chưa?

Nếu chúng ta muốn có một nền kinh tế mạnh, muốn con cái mình sống sung sướng, muốn xóa được nỗi nhục của một nước "nghèo" và "nhỏ", thì từng người trong chúng ta phải sẵn sàng cho nó. Chúng ta phải thay đổi tâm thế của mình: thay vì tâm thế "phán xét" hay "phản kháng", chúng ta hãy lựa chọn tâm thế "tiếp nhận" và "cộng tác". Thay vì tâm thế "bị động", chúng ta hãy sẵn lòng với tâm thế "chủ động".

Yêu cầu về sự thay đổi tâm thế ấy không chỉ dừng lại ở góc độ từng cá nhân riêng biệt: các doanh nghiệp, các tổ chức và cả chính phủ nữa, đến lượt mình, cũng phải "học" cách thay đổi tâm thế. Cái cách mà chúng ta đối xử, giáo dục nhân viên hay xã hội giáo dục thế hệ trẻ sẽ phải khác. Cái cách mà chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp cũng sẽ phải khác. Tại sao, ở Trung Quốc, chính phủ sẵn sàng hỗ trợ 50% chi phí để các doanh nghiệp phần mềm lấy những chứng chỉ chất lượng quốc tế. Tại sao, chính phủ Trung Quốc sẵn sàng lập ra một vài ủy ban hay các công ty lớn sẵn sàng bỏ ra vài ông tiến sĩ chỉ để ngồi học những cái hay mà Ấn Độ đang làm để áp dụng, còn mình thì không? Tại sao những thành tựu khoa học/công nghệ mới nhất đều được người Ấn tổ chức học hỏi /cập nhật ngay trong tháng, thậm chí trong tuẩn, trong khi ở đây mình lại đóng cửa "cho rằng mình hay", và thậm chí còn cố gắng "try to invent the wheel"?

Cái tâm thế ấy cũng sẽ phải là cái tâm thế vươn đến tầm cao chứ không phải là cái "trung bình chủ nghĩa" đã ăn sâu vào đến tận xương tủy của xã hội: học vừa đủ để đậu, để ra trường có việc làm, làm vừa đủ để còn được tăng lương, lãnh đạo vừa đủ để dự án/phòng ban của mình không bị than phiền. Khi mà phần lớn nhân viên đều chỉ lo cho nồi cơm của riêng mình, thì cái doanh nghiệp ấy sẽ đi về đâu? Khi mà phần lớn mọi người đều an phận thủ thường thì cái xã hội của những con người ấy sẽ đi về đâu?

Một ngày tôi sẽ thấy nền IT Việt Nam từ chối những hợp đồng cỡ chục triệu đô vì quá nhỏ!

Và một ngày tôi sẽ thấy từng hàng người nối đuôi nhau vào Việt Nam để học hỏi cái hay của một đất nước, của một dân tộc muốn và dám thay đổi!

Nếu như, vâng nếu như ngày hôm nay từng người trong chúng ta thay đổi tâm thế của mình...