itaexpress / Tin ITA / Công nghệ Kỹ thuật Số / Tin học / Chưa thể phấn khởi

Chưa thể phấn khởi với 16 triệu người dùng Internet

Nguồn ảnh: hca.org.vn

Chủ tịch Hội Tin học thành phố Hồ Chí Minh Lê Trường Tùng bình luận như vậy trong Báo cáo toàn cảnh CNTT. Việt Nam hiện đứng thứ 17 thế giới về chỉ số người dùng Internet, nhưng nếu tính theo tỷ lệ dân số thì vẫn xếp hạng gần 100.

12 tháng qua, trong nước có thêm 4 triệu người dùng Internet, tốc độ tăng số người dùng chỉ đạt 25% (bằng 1/3 so với năm trước). Có lẽ đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số sẵn sàng kết nối của VN bị tụt hạng 3 bậc và trong đánh giá về cơ hội số, (DOI) VN thụt lùi tới 7 bậc.

Tuy nhiên, sự thăng hạng của nhiều chỉ số khác đã đưa vị trí của VN trên bản đồ CNTT thế giới cải thiện hơn rất nhiều và được Hội Tin học TP HCM đánh giá là sáng sủa hơn. Năm 2006 VN có duy nhất lĩnh vực chính phủ điện tử tăng 7 bậc, còn lại là tụt hạng và đứng yên thì năm nay, có tới 4/7 chỉ số được cải thiện bao gồm: tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm giảm 2%, tăng 1 bậc; cơ hội CNTT (ICT Opportunity Index) tăng 5 bậc; chỉ số nền kinh tế tri thức (KEI và KI) tăng 14 bậc; mức độ sẵn sàng cho nền kinh tế điện tử (EIU Index) tăng 1 bậc.

Một chỉ số khác cũng có dấu ấn đậm nét về sự tăng trưởng là dung lượng truy cập quốc tế tăng 50%, số kết nối Internet băng rộng cũng nhân đôi, từ 310.000 lên 753.000.

Hiện tại, ba nhà cung cấp VNPT, FPT Telecom và Viettel chia sẻ 86% thị trường Internet trong nước. Dung lượng kết nối Internet quốc tế vẫn giữ được nhịp điệu tăng 150% sau 12 tháng, từ 5.795 Mb/giây lên 8.703 Mb/giây. Ba doanh nghiệp này chiếm gần 95% dung lượng kết nối Internet VN đi quốc tế.

Phát triển người dùng internet từ 2000-2007. Nguồn: hca.org.vn

Các thứ hạng trong nước cũng có sự thay đổi đáng kể. Năm 2006 chứng kiến sự "qua mặt" Fujitsu của Canon để trở thành nhà sản xuất phần cứng lớn nhất thị trường VN. VTC thay thế VietnamNet Media Group trở thành nhà cung cấp dịch vụ nội dung lớn nhất. Thương hiệu FPT đứng đầu trong nhiều lĩnh vực CNTT như: FPT Information System với dịch vụ phần mềm nội địa, FPT Elead với máy tính thương hiệu Việt, FPT Software với gia công xuất khẩu phần mềm.

Điểm nhấn trong thời gian qua là sự hiện diện của các tập đoàn lớn như Microsoft, Intel, IBM, Google, Ebay,... và sự kiện VN gia nhậpWTO, tham gia hiệp định ITA. Với lộ trình giảm thuế, các sản phẩm đang có thuế nhập khẩu 5% sẽ giảm đều trong 3 năm để về 0% vào 2010. Các sản phẩm có thuế nhập khẩu 10% sẽ giảm đều trong 5 năm và còn 0% vào 2012. Các sản phẩm thuế xuất 20-30% sẽ giảm đều trong 7 năm để về 0% năm 2014. 12 tháng qua, công nghiệp phần mềm và dịch vụ trong nước đạt 360 triệu USD. Nếu vẫn giữ được nhịp điệu phát triển như thời gian qua thì mục tiêu 500 triệu USD cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam sẽ đạt được trong năm 2007.

Biểu đồ kim ngạch xuất, nhập khẩu CNTT Việt Nam. Nguồn: hca.org.vn

Năm 2006, kim ngạch nhập khẩu CNTT đạt 1,4 tỷ USD (tăng 13,9%) và xuất khẩu là 1,2 tỷ USD (tăng 18,3% ). Như vậy, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại khá nhiều so với năm trước (năm 2005 tăng trưởng xuất/nhập lần lượt là 59% và 36%). "Tỷ lệ tăng trưởng chậm trong 5 năm trở lại đây chứng tỏ giá trị thị trường phần cứng trong nước tăng không cao, chỉ ở mức độ như năm trước.

Danh sách top các quốc gia và nền kinh tế nhập khẩu CNTT vào Việt Nam không thay đổi. Nhưng đáng lưu ý là lần đầu tiên 5 nền kinh tế có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất gồm Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong đều vượt ngưỡng 100 triệu USD.

Lĩnh vực đào tạo nhân lực CNTT năm qua có xu hướng chuyển mình tích cực hơn khi mà nhiều tiền đề đã được thiết lập, trong đó có Luật Giáo dục mới, Quy chế đại học tư thục... Tuy nhiên, khoảng cách giữa nhu cầu của ngành và khả năng đáp ứng của hệ thống đào tạo vẫn là vấn đề lớn.