itaexpress / Tin ITA / Công nghệ Kỹ thuật Số / Tin học / Đại gia PC châu Á "kiếm cơm" trên đất Mỹ

Đại gia PC châu Á "kiếm cơm" trên đất Mỹ

Mẫu laptop EEE của Asus. Nguồn: BBC

Các thương hiệu PC nổi tiếng của châu Á như Lenovo hay Asustek Computer lại tìm thấy triển vọng tăng trưởng tươi sáng tại một thị trường tưởng như "không thể": Bắc Mỹ.

Vốn bị coi là "bão hòa", tăng trưởng chậm và khó tính hơn hẳn so với các khu vực khác, nhưng nước Mỹ lại là một sân chơi "dễ thở" và "dễ làm ăn" cho các doanh nghiệp đến từ phương Đông.

Thay vì húc đầu vào thị trường PC đại trà đã bị các "ông kẹ" như HP, Dell và Apple thống trị từ lâu, họ đã chọn một hướng đi khác: khai thác các phân khúc hẹp như laptop siêu di động hoặc laptop siêu cao cấp thời trang.

Khác biệt hay là chết

"Cách tốt nhất để xâm nhập vào thị trường Mỹ là tung ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt", nhà phân tích David Daoud của hãng nghiên cứu IDC bình luận.

Thậm chí, các hãng PC châu Á cũng rất nhanh nhạy thích ứng với hệ thống phân phối sản phẩm tại Mỹ, bằng cớ là họ đã bắt tay với những gã khổng lồ bán lẻ như Best Buy hoặc website thương mại điện tử có tiếng như Newegg.com hay TigerDirect.com.

Có thể nói, thị trường PC của Mỹ luôn tụt lại phía sau thế giới về tốc độ tăng trưởng. Trong khi tốc độ bình quân của toàn cầu quý III là 15,5% thì lượng PC tiêu thụ tại Mỹ chỉ tăng vẻn vẹn 5,2%.

Thế nhưng, không ai có thể phủ nhận sức hấp dẫn của thị trường Mỹ. Một doanh nghiệp chưa thể đánh giá là thành công, nếu như chưa ghi được dấu ấn tại thị trường này.

Tại Triển lãm CES 2008 tới, Lenovo sẽ công bố quyết định chính thức gia nhập thị trường PC tiêu dùng Mỹ, mặc dù tập đoàn này đã mua lại bộ phận PC của IBM từ năm 2005.

Hiện tại, Lenovo chỉ bày bán các mẫu laptop mang nhãn hiệu ThinkPad của IBM tại Mỹ, nhưng kế hoạch tương lai của hãng là phải làm cho dân Mỹ quen dần với máy tính Lenovo.

Sự mở rộng tất yếu

Không chỉ có các "lính mới", một gương mặt châu Á kỳ cựu tại thị trường Mỹ là Toshiba cũng đang tận hưởng dư vị ngọt ngào của thành công. Doanh số PC tiêu thụ của hãng này trong quý III đã tăng trưởng tới 17% - một con số hết sức ấn tượng.

Với thành tích này, Toshiba hiện đứng thứ 4 tại Mỹ, sau Dell, HP và Apple. Dự định của hãng là tập trung vào các dòng notebook multimedia cao cấp, máy tính bảng và siêu mỏng trong thời gian tới.

Hai hãng Asustek và Acer của Đài Loan cũng dự định mang tới CES 2008 một "đội quân" máy tính xách tay hùng hậu. Đáng chú ý nhất là Asus với mẫu laptop mang tên EEE siêu mỏng, nặng chưa đến 1kg, cài đặt hệ điều hành nguồn mở Linux và giá bán chưa tới 200 USD.

Mặc dù vậy, khó có thể phủ nhận áp lực cạnh tranh khủng khiếp mà các doanh nghiệp châu Á phải chịu từ HP, Dell và AP. Nếu như máy tính xách tay châu Á tập trung vào thiết kế trẻ trung, sành điệu và tính năng cao cấp, thì sản phẩm của HP, Dell và Apple lại nổi lên ở sức mạnh xử lý, tuổi thọ pin, game....

Thị trường Mỹ đang đặc biệt ưu ái máy tính xách tay và ghẻ lạnh máy tính để bàn. Thật may, đây lại là thế mạnh của các thương hiệu châu Á, bởi từ lâu, họ đã nhận hợp đồng sản xuất - lắp ráp gia công cho nhiều thương hiệu PC nổi tiếng của phương Tây. (Lấy thí dụ, hãng Quanta Computer của Đài Loan hiện đang chế tạo laptop cho cả Dell, HP lẫn Apple).

Việc mở rộng thị trường sang Mỹ là một bước đi hợp lý, tất yếu và kinh tế, nhà phân tích David Daoud nhận xét. "Đây vẫn là thị trường công nghệ lớn nhất thế giới, mặc dù Trung Quốc đang là thị trường tăng trưởng nhanh nhất".

Theo Trọng Cầm (VietNamNet)