itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Du học / Các trường ĐH Anh cạnh tranh thu hút tài trợ

Các trường ĐH Anh cạnh tranh thu hút tài trợ

Nếu bạn có may mắn trở thành sinh viên của trường đại học Oxford, bạn cần biết rằng: chi phí học tập ở đây rất tốn kém. Nhằm tăng ngân sách của trường lên 2,5 tỉ USD, Oxford đã phát động một chương trình gây quỹ tham vọng nhất từ trước tới nay của 1 trường đại học châu Âu.

Theo ông Vivien Dufield, giám đốc chương trình, số tiền đã quyên góp được là hơn 1 tỉ USD và cần phải thuyết phục nhiều người chưa đóng góp. Việc trước mắt là phải đảm bảo tiếng tăm trong tương lai của Oxford, đặc biệt là trong một thế giới đầy biến động hiện nay, “chúng ta phải đứng đầu nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau”, ông nói.

Ra sức cạnh tranh thu hút nguồn tài trợ

Theo báo cáo của Uỷ ban châu Âu năm 2006, do đầu tư thấp hơn nên các trường đại học thuộc liên minh châu Âu chỉ thu trung bình 16.000 USD/ 1 năm mỗi sinh viên ít hơn so với các trường đại học Mỹ. Thu nhập thấp hơn đồng nghĩa với việc chi tiêu ít hơn và kết quả là thứ hạng của các trường cũng tụt trong danh sách các trường đại học hàng đầu thế giới.

Theo bảng xếp hạng uy tín hàng năm của trường đại học Jiao Tong Thượng Hải, Trung Quốc, chỉ có 4 trường đại học châu Âu lọt vào danh sách 25 trường hàng đầu, số còn lại thuộc về các trường đại học giàu có khu vực Bắc Mỹ.

Chương trình này cũng đang được thực hiện tại tất cả các trường đại học khắp nước Anh. Ngân sách thiếu hụt cùng với các trường đại học từ Mỹ tới Trung Quốc đang nỗ lực thu hút giảng viên và sinh viên sắc nhất, các trường đại học trên khắp nước Anh đang ra sức huy động tài trợ.

Rõ ràng yêu cầu này là hiển nhiên: đầu tư đại học ở Anh chiếm 1,1 % GDP vào năm 2004, theo số liệu gần đây nhất của OECD, trong khi Mỹ chi 2,9% GDP. Từ những trường đại học lâu đời như Oxford và Cambridge tới những trường đại học mới đây đầy tham vọng như Warwick đều đang ra sức cạnh tranh thu hút nguồn tài trợ. Tỷ lệ tuyển sinh vào đại học trên toàn thế giới và số sinh viên du học đang tăng vọt, theo Heather Bell, giám đốc chiến lược quốc tế của Oxford, “Dù bạn nhìn nó theo cách nào, thì giáo dục đại học đang được quốc tế hoá và đang phải cạnh tranh rất khốc liệt”

Các trường khắp châu Âu đang gặp khó khăn tương tự

Dường như châu Âu đã nhận thức ra được vấn đề này. Ngày 2-6 vừa qua, trường đại học Toulouse 1 đã khánh thành trường kinh tế Toulouse, đào tạo các khoá học bằng tiếng Anh, lấy từ khoản đóng góp 52 triệu USD từ các doanh nghiệp. Năm ngoái, Pháp đã thay đổi luật để cho phép các trường đại học công lập như Toulouse có quyền tự chủ hơn, theo đó các hoạt động gây quỹ có thể được mở rộng tại Pháp. Tại Đức, chính quyền địa phương có quyền thu học phí từ năm 2005, chính quyền liên bang và địa phương đã thu được 3 tỉ USD để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tại một số trường trong điểm tới năm 2011. Các trường khác tìm các cơ hội tăng doanh thu ở nước ngoài. Tại trường đại học Paris-Sorbonne Abu Dhabi mở vào cuối năm 2006, sinh viên được tuyển chọn đầu vào rất kỹ và phải nộp học phí 20.000 USD mỗi năm.

Các trường đại học Anh thậm chí còn nỗ lực hơn các trường đại học tại châu Âu lục địa nhằm đối phó với những thách thức từ các trường đại học Mỹ, tuy nhiên, sự chênh lệch về hỗ trợ tài chính tư nhân đóng góp giữa 2 nước vẫn còn rất lớn. Mặc dù nguồn đầu tư nhà nước cho giáo dục đại học của Anh và Mỹ là như nhau nhưng các nguồn tài trợ từ các nhà từ thiện cá nhân cho giáo dục đại học tại Mỹ gấp tới hơn sáu lần.

Tại các trường đại học tư nhân đào tạo 4 năm tại Mỹ, sinh viên và gia đình họ đang phải chi phí nhiều nhất từ trước đến nay. Năm ngoái, học phí trung bình của các trường tư nhân Mỹ đã tăng 6% lên hơn 22.000 USD. Đem ra so sánh, học phí tại Anh, mặc dù cao hơn đa số các trường đại học tại các nước châu Âu khác, vẫn còn khiêm tốn.

Chính phủ Anh chỉ bắt đầu thực hiện chương trình này năm 2006 để tăng học phí lên gần 6.000 USD mỗi sinh viên. Cộng cả hỗ trợ của nhà nước, xét mức học phí năm tới, mức thu học phí tại trường đại học Cambridge vẫn dưới 10.000 USD mỗi sinh viên.

Ông Alison Richard, Phó giám đốc trường đại học Cambridge. “Chúng ta cũng nhận được tiền tài trợ như các trường đại học của Mỹ nhưng tài trợ của chúng ta là không đủ và còn có một khoảng cách thực sự lớn với họ”.

Ngay cả các trường đại học giàu nhất nước Anh cũng không thể nào so sánh. Tài trợ chính cho trường đại học Oxford chỉ khoảng 1,3 tỉ USD, trường Cambridge khoảng 2 tỉ USD. (Các trường đại học này có nhiều trường thành viên, Oxford có 39 trường thành viên và Cambridge có 31 trường, thu được tài trợ tổng cộng 11 tỉ USD).

Trường đại học Imperial tại London, một trong những trường xuất sắc nhất về nghiên cứu khoa học, thu được tài trợ khoảng 115 triệu USD. Trong hơn 50 năm qua, theo ông Richard, nguyên hiệu trưởng của đại học Yale trước khi trở thành hiệu trưởng trường Cambridge năm 2003, “Các trường đại học Mỹ đã biết kêu gọi các cựu học sinh nhưng các trường của Anh thì không”

Để xoá bỏ chênh lệch đó thì phải tăng khoản tài trợ đóng góp cho các trường đại học. Tài trợ từ các cá nhân cho trường đại học Yale hiện nay là 23 tỉ USD, cho trường Harvard là 35 tỉ USD. Hàng chục các trường đại học Mỹ nhận được tiền tài trợ hơn 1 tỉ USD.

Năm 2005, trường đại học đã phát động chiến dịch để kỷ niệm 800 năm ngày thành lập trường vào năm tới và hy vọng sẽ quyên góp được 2 tỉ USD vào năm 2012.

Tiền và trách nhiệm

Oxford và Cambridge vẫn là những trường danh giá và nổi tiếng tuy nhiên các trường thành lập sau này đang ngày càng khằng định tên tuổi trên thế giới. Trường đại học Imperial đã kỷ niệm 100 năm thành lập vào năm ngoái và phát động quyên góp 410 triệu USD đến năm 2010 để nâng cấp khuân viên và tăng học bổng. Nhận được khoản hỗ trợ tài chính 200 triệu USD từ các cựu sinh viên và các nhà tài trợ khác, trường cũng chuẩn bị hoàn thành đường chạy và khu lớp học 8 tầng.

Hầu hết các trường đại học tại Anh hiện nay đều thành lập một văn phòng cựu sinh viên để phụ trách kêu gọi các nguồn đóng góp từ các cựu sinh viên. Kết quả trong 12 tháng qua tính đến tháng 8 năm ngoái, số tiền mà các trường đại học tại Anh huy động được là 800 triệu USD, tăng 13 % so với năm trước đó.

Thu hút đội ngũ giảng viên và sinh viên xuất sắc, mặc dù không mang lại nguồn thu tài chính cho trường đại học Warwick, nhưng nằm trong chiến lược trị giá 400 triệu USD để giúp trường lọt vào danh sách 50 trường đại học hàng đầu thế giới vào năm 2015. Hiện nay, trường đứng thứ 57 theo danh sách Times Higher Education Supplement.

Ngày 18-6, Oxford đã nhận được tại trợ lớn nhất từ trước tới nay trị giá 50 triệu USD từ ông Micahel Moritz , một nhà kinh doanh tại Mỹ.

Việt Thắng (Theo Time)