itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Du học / Sinh viên Việt Nam rất chăm chỉ nhưng nóng vội

Sinh viên Việt Nam rất chăm chỉ nhưng nóng vội

Ông Karl Gill

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Karl Gill, Giám đốc phụ trách Hợp tác - ĐH Quốc tế Thái Bình Dương (International Pacific College - IPC), New Zealand, cho biết SV Việt Nam rất chăm chỉ nhưng nóng vội.

- Đại diện của một trường ĐH Mỹ từng nhận xét rằng điểm yếu của SV Việt Nam là khả năng tiếng Anh. Điều đó sẽ khiến cho du học sinh Việt Nam bị hạn chế rất nhiều trong quá trình tiếp thu kiến thức ở một môi trường quốc tế. Ông có thể cho biết, nếu đến New Zealand, du học sinh Việt Nam cũng sẽ gặp những khó khăn tương tự?

Ở những nước sử dụng tiếng Anh là tiếng Quốc ngữ, như New Zealand, HS quốc tế tại các trường ĐH thường gặp khó khăn khi vừa bắt kịp trình độ tiếng Anh của người bản ngữ đồng thời vừa phải tiếp thu tốt các kiến thức chuyên ngành.

Trường IPC được thành lập vào năm 1989, chủ yếu hỗ trợ cho những du học sinh không sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. 100% sinh viên phải ở trong KTX của IPC. Sống chung với nhau tại KTX, SV các nước có điều kiện tìm hiểu và giao tiếp với nhau. Ngoài giờ học, kể cả trong khi ăn uống, chơi và tham gia vào các hoạt động khác, SV buộc phải sử dụng tiếng Anh.

Ngoài ra, trong thời gian đầu, khi đến với IPC, SV phải trải qua một kỳ thi tiếng Anh, để nhà trường xếp lớp. Du học sinh có một lớp căn bản để nâng cao kỹ năng đọc, viết, nghe và nói nhằm đáp ứng các tiêu chí đào tạo cao cấp hơn.

- Ngoài một mô hình hỗ trợ tiếng Anh cho du học sinh, IPC còn có điều gì để thu hút được SV từ các nước khác?

Trước hết, mỗi lớp học tại IPC rất nhỏ, chỉ từ 10 – 15 sinh viên. Các giáo viên có thể theo dõi, biết mặt và nhớ hết tên SV. Mỗi SV là một cá nhân đặc biệt, nên bất cứ SV có vấn đề gì, yêu thích điều gì đều được giáo viên quan tâm chú ý. Ngoài ra, IPC sẽ cung cấp dịch vụ hướng nghiệp và các chương trình thực tập làm việc miễn phí cho SV. Qua đó, họ sẽ học hỏi kinh nghiệm làm việc và tư duy doanh nghiệp như một phần của khoá học.

Ngoài giờ học tại IPC, SV Việt Nam tham gia rất tích cực vào các
hoạt động ngoại khoá, nhằm giao lưu văn hoá với các SV quốc tế khác.

Bên cạnh đó, do có các cơ sở cộng tác và liên kết tại Mỹ (California và New York), Canada và Nhật..., trong quá trình học SV có thể chuyển sang học 1 năm tại các nước này để mở rộng kinh nghiệm học tập. Như vậy, SV có cơ hội gây dựng mạng lưới quốc tế cho sự nghiệp sau này.

Ngoài ra, hiện nay, chính sách của Chính phủ New Zealand dành cho du học sinh đã tốt nghiệp thông thoáng hơn. Trước đây, sau khi tốt nghiệp, SV nước ngoài chỉ có thể xin visa 6 tháng ở lại New Zealand để tìm việc. Nhưng hiện nay, thời hạn đó đã tăng lên 1 năm.

- Hiện có du học sinh từ hơn 20 quốc gia đến học tại IPC như Úc, Braxin, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Paua New Guinea, Đài Loan, Thái Lan,… Trong quá trình làm việc và tiếp xúc, ông có nhận xét gì về SV Việt Nam?

Đáng chú ý, kinh doanh quốc tế là chuyên ngành phổ biến nhất trong sự lựa chọn của SV Việt Nam. Điều đó chứng tỏ du học sinh Việt Nam rất thông minh và nhanh nhạy. Du học sinh Việt Nam rất chăm chú và tập trung vào việc học, hay đặt câu hỏi, và không từ bỏ mục tiêu. Bên cạnh đó, SV Việt Nam thường hay nóng vội khi đưa ra kết luận và thiếu chứng cứ để hỗ trợ cho kết luận của mình.

- Nói như vậy, sau khi tốt nghiệp, IPC có thể giúp SV Việt Nam loại bỏ được những khuyết điểm ấy?

Không chỉ SV Việt Nam, tại IPC tất cả SV sẽ được phát triển toàn diện theo chính sách đào tạo phát triển tiềm năng ở từng cá nhân theo từng chuyên khoa, như Kinh doanh Quốc tế, Quan hệ Quốc tế, Kinh tế Du lịch, Môi trường, Nhật ngữ và Ngôn ngữ học…

IPC chú trọng đào tạo và cung cấp cho SV lối tư duy sâu sắc, các phương pháp mang tính thực tiễn và sáng tạo. SV IPC khi tốt nghiệp phải đạt được những phẩm chất: tự tin vào bản thân, có tính độc lập và khả năng đề ra mục tiêu, đóng góp được cho xã hội.

Bên cạnh đó, SV sẽ được trang bị cách đánh giá thông tin theo những hướng khác nhau, để có lối tư duy sâu sắc, và biết suy nghĩ một cách thấu đáo nhằm giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.

- Cảm ơn ông

Theo Khánh Lê (VietNamNet)