itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Gương mặt tuổi trẻ / Cô gái có 50 ông, bà

Cô gái có 50 ông, bà

Đang có công việc ổn định, Nguyễn Thị Mỹ Loan, sinh năm 1983 từ bỏ tất cả, vào chùa sống và chăm sóc những cụ già neo đơn, bị bệnh tại Mái ấm tình thương Chùa Diệu Pháp, quận Bình Thạnh, TPHCM.

Loan, sinh viên theo học ngành điều dưỡng, trường Trung cấp dạy nghề Phương Nam, TPHCM, đã gắn bó với Mái ấm tình thương chùa Diệu Pháp trên 5 năm. Mái ấm hiện phụng dưỡng 50 người già neo đơn nhưng chỉ có 2 điều dưỡng. Riêng Loan chăm sóc 17 cụ bị liệt, mất trí nhớ. Các cụ già, sư tăng, phật tử và người dân sống quanh chùa đều âu yếm gọi cô là cô Lượm.

Mỗi ngày, cô dậy từ 3 giờ để dọn giường chiếu và tắm táp, lau rửa, thay quần áo cho các cụ và cùng điều dưỡng giúp các cụ ăn 4 bữa. Sau khi ăn, cô massage, đọc sách, hoặc trò chuyện, an ủi để các cụ vợi bớt cô đơn.

Nhiều cụ bị mất trí, ốm yếu, nhưng lúc trái tính trái nết nói lảm nhảm suốt ngày không biết mệt. Chuyện Loan và các điều dưỡng bị các cụ la mắng, dọa đánh, xảy ra như cơm bữa. Thế nhưng, bao nhiêu người là bấy nhiêu cảnh đời thương tâm, khiến cô không đành lòng trách giận.

Nhiều cụ ngày nào cũng khóc lóc, ngóng ra cửa đòi về, nhưng con cháu không ai đoái hoài. Có bà quê ngoài Bắc, không rõ tên tuổi, do phật tử đưa vào. Đến bữa ăn, bà năn nỉ cho mang cơm về chia cho con cháu ăn cùng. Hồi đầu, Loan chưa biết cụ bị lẫn nên đồng ý, không ngờ cụ bỏ đi lang thang, khiến các điều dưỡng viên tá hỏa tìm.

Loan cho biết, những ngày mới vào chùa, cô thường xuyên ói mửa, không ăn được cơm sau mỗi lần dọn dẹp đồ thải của các cụ già bị liệt, không tự chủ sinh hoạt cá nhân. Cô đặc biệt ấn tượng về một cụ mất trí nhớ, thường bốc chất thải ăn, nên bị các bạn già đặt cho biệt danh "bà ăn phân". Loan kể, có sáng thấy bà lang thang trong khuôn viên chùa, cầm một vật giống củ khoai lang, lại gần mới phát hiện, bà đang ăn phân. Dỗ dành mãi, bà mới cho tắm rửa, đến lúc chà răng, rửa miệng, Loan bị bà cắn chảy cả máu tay.

"Các cụ hiền lắm nhưng lúc trái tính có hành động khó kiểm soát như vậy. Lúc đầu em hơi nản song cứ nghĩ người nào cũng đến rồi bỏ đi thì ai chăm sóc các cụ, thế là em ở lại. Có người không nói được, nhưng qua ánh mắt em biết rất thương em. Nhiều cụ đến lúc chết vẫn không có ai đến nhận, tội nghiệp lắm", Loan tâm sự, mắt xa xăm buồn.

Ít ai hình dung được, cô gái bé nhỏ nhẫn nại ngồi đút cơm cho các cụ già từng là một nữ sinh quậy phá, đến nỗi phải bỏ học ngang lớp 12, trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 5, TPHCM.

Sau khi nghỉ học, Loan xin đi làm tại quầy bán quần áo thời trang ở siêu thị Cống Quỳnh, quận I, mức lương hơn 1 triệu đồng mỗi tháng. Một ngày cuối năm 2001, Loan theo bạn đến thăm chùa Diệu Pháp khi nơi này đang phải chống chọi với triều cường. Cảnh các cụ già nằm co quắp trên những chiếc giường nhỏ tại Mái ấm tình thương, nước ở dưới tràn lên, mưa từ trên dột xuống, khiến cô bị ám ảnh, quyết định sẽ quay lại nơi này.

Những ngày tiếp đó, Loan thường tranh thủ giờ nghỉ ca ở siêu thị đến chùa Diệu Pháp, xin thày trụ trì Mái ấm tình thương cho phụ chăm sóc các cụ già. Và 8 tháng sau, cô nghỉ việc, xin phép bố mẹ vào ở trong mái ấm, dành toàn thời gian cho những người cao tuổi neo đơn.

"Hầu hết bạn bè nói em khùng. Ba mẹ tuy không ngăn cản, nhưng chưa hẳn yên tâm. Mãi sau này, mọi người thấy em thực sự hạnh phúc với công việc đã chọn, mới ủng hộ toàn toàn", Loan cho biết.

Những ngày làm việc ở Mái ấm, Loan đã hoàn thiện chương trình bổ túc THPT và thi đậu vào ngành điều dưỡng tại Trung cấp dạy nghề Phương Nam, TPHCM. Cô xác định sẽ gắn bó lâu dài với công việc chăm lo các cụ già neo đơn.

"Sau này, người đàn ông nào đến với em cũng phải cùng chí hướng, thông cảm, yêu thương các cụ già ở mái ấm như ông bà mình", Loan tâm sự.

Gia đình Loan hiện sống tại quận Bình Tân, TPHCM. Hàng tuần, cô đều tranh thủ ghé về nhà thăm nom bố mẹ, và bà ngoại. Cô bày tỏ, chỉ cầu người thân khỏe mạnh để toàn tâm giúp đỡ những thành viên trong mái ấm.

Còn sư thày Thích Thanh Tri, quản lý Mái ấm tình thương chùa Diệu Pháp cho biết, tuy nhà chùa tạo điều kiện, trả học phí cho Loan học điều dưỡng để có chuyên môn chăm sóc các cụ, nhưng cô có quyền ra đi bất cứ lúc nào. "Công sức Loan đóng góp cho Mái ấm 5 năm nay vượt quá sự mong đợi của chúng tôi ", thày Tri nói.

Loan là một trong 20 thanh niên được đề cử danh hiệu Công dân trẻ thành phố anh hùng, do Thành Đoàn TPHCM tổ chức năm 2006.

Theo Lan Hương
Vnexpress