itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Gương mặt tuổi trẻ / Đam mê vượt qua những ngã rẽ

Đam mê vượt qua những ngã rẽ

Nguyễn Ngọc Long

“Bản thân việc không có bằng cấp đã là mất đi nhiều cơ hội, nên vấn đề là tìm được nhà tuyển dụng thực sự cần mình, và chứng tỏ được cho nhà tuyển dụng thấy lợi ích họ có được khi mình đầu quân về cho họ. Bạn có thể không có bằng cấp, nhưng không ai ngăn cản việc bạn trở thành một chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực nào”. Đó là lời khuyên của người Việt trẻ Nguyễn Ngọc Long - trưởng đại diện Fmusic (FPT) dành người xin việc không bằng cấp.

Ngã rẽ đầu tiên: cậu ấm quý tử trở thành “học sinh nghèo vượt khó”

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có bậc nhất đất Cảng, luôn có tên trong danh sách VIP không những vì học giỏi mà còn do sự ủng hộ vật chất lớn lao mà gia đình dành cho nhà trường, có lẽ chẳng bao giờ cậu bé Long hình dung sẽ có ngày mình không có nổi một đôi dep quai hậu theo đúng quy định để đi học.

Vậy mà cái ngày ấy đã ập đến. Năm 1994, Long bước vào lớp 6 và cũng từ đó bắt đầu đối mặt với những chuỗi ngày đầy biến động lớn lao trong cuộc đời và gia đình mình. Hoạt động kinh doanh của gia đình khó khăn kéo theo những món nợ khổng lồ, mẹ Long phải bôn ba vào Nam làm chân quét rác, bố lại chìm ngập trong những “bữa cơm rượu”. Từ một cậu bé hiếu học luôn có mặt trong các đội tuyển, việc phải nghỉ học luôn là mối đe doạ thường trực đối với Long, vì không có tiền, vì không có quần áo, vì không có giầy dép, và vì tủi thân với chúng bạn. Long vẫn còn nhớ rõ năm học lớp 10, ở cái độ tuổi mà bạn bè xung quanh đều đã biết chăm chút đến hình thức bên ngoài thì Long chỉ có mỗi hai cái quần đi học, cái thì ngắn vì mặc lại từ năm lớp 8, cái thì hỏng khoá quần, chẳng thể nào sơ vin cho đúng quy định. Nhà nghèo, đến bữa cơm nước rau muống chấm nước mắm cũng bị thay thế bởi cháo trắng pha muối, Long chẳng dám nghĩ đến cái chuyện “xa xỉ” là đi sửa khoá quần. Có hôm thầy chủ nhiệm gọi lên bảng chữa bài tập, Long không dám đứng lên vì ngượng, đành phải nói là không biết làm bài. Tưởng đã yên, chẳng dè thầy vẫn yêu cầu lên bảng để thầy hướng dẫn trực tiếp. Thế là câu chuyện “cái quần hỏng khoá” vỡ lở. Lòng tự trọng và bản chất mạnh mẽ trong Long vỡ oà. Lần đầu tiên trước một tập thể xa lạ, Long khóc… Cho đến bây giờ, Long vẫn biết ơn người thầy chủ nhiệm 3 năm cấp III của mình, bởi có lẽ không có sự cưu mang che chở từ vật chất lẫn tinh thần thì Long đã phải nghỉ học từ rất lâu rồi. Thương mẹ và bà vất vả, lo chị và em trai phải đứt gánh học hành, Long lao vào kiếm tiền với tất cả những gì có thể, từ việc cho thuê truyện tranh ( minh chứng còn lại của những ngày là “cậu ấm”), cho đến đi trông cửa hàng net, làm gia sư, rồi đến dập khuôn nhựa và cắt vỏ. Từng ấy năm lăn lộn, Long chưa mua được một cái gì cho riêng mình mà tất cả là để đỡ đần gành nặng trên đôi vai mẹ và bà ngoại.

Ngã rẽ thứ hai: Cánh cửa đại học khép lại và con đường trở thành lập trình viên

Long gọi đó là sự “tẩy não” khi lần đầu tiên được tiếp xúc với máy tính. Cũng năm lớp 6, nhà trường mở phòng máy tính để phổ cập tin học cho giáo viên và đội học sinh chuyên Toán. Ngày đó, tin học vẫn là cái gì đó xa lạ và “ghê gớm” lắm, nên Long chẳng thể nào quên cảm giác “thấy nể nể” khi cả trường chỉ có mỗi một nhóm được ngồi vào phòng máy. Háo hức. Tò mò. Hồi hộp. Kể từ đó, Long “đương nhiên coi mình là phải thế”, nghĩa là đời này chỉ là lập trình viên thôi, không ham hố cái gì nữa. Thế là lao vào học. Học ở trường chưa đủ, Long học thêm giáo trình lập trình của chị gái và người thân. Long kể, cứ gặp ai có hiểu biết về lập trình là hỏi ngay. Không hỏi được thì tự kiếm tiền mua sách học. Tình yêu đối với IT được Long gói gọn trong một chữ “thèm”. “Khi cầm một cuốn sách IT trên tay, tôi cảm giác như một đứa trẻ được đọc truyện tranh. Đọc say sưa và mê mải, thấy sung sướng khi nhìn thấy bất kì một cuốn sách IT nào”. Đọc trên sách chưa đủ, Long mày mò các công thức, cái câu lệnh rồi tự thực hành trên “giấy”. Có lần, thấy Long băn khoăn vì việc nhà nghèo chẳng có máy thực hành, vào trường cũng không đủ thời gian để tập gõ bàn phim 10 ngón “ cho nó chuyên nghiệp”, đừng nói đến chuyện học thêm. Thế là chị gái “bày” cho anh một mẹo nhỏ: vẽ ra giấy mô hình bàn phím máy tính để tập luyện ngón. Đó là một kỉ niệm không thể quên trong chuỗi ngày tuổi thơ thiếu thốn của cậu bé.

Đến thời điểm lớp 12, Long xác định sẽ thi vào Khoa CNTT của trường Kỹ Thuật Quân Sự, bởi nó thoả mãn được 2 điều: tình yêu với IT và không mất học phí. Vậy mà cái nghèo vẫn đeo bám ước mơ người trẻ ấy. Ngày nộp hồ sơ, Long không có nổi 40 000đ lệ phí. Mặc dù thầy giáo chủ nhiệm và bạn bè cùng lớp hết sức giúp đỡ và động viên nhưng nhìn thấy 4 năm học đằng đẵng trước mắt với vô số những khoản tiền “khổng lồ”, Long chọn con đường “ở nhà 1 năm kiếm tiền nuôi chị và em học hành”. Ngày ấy, chị gái Long đang học đại học Y, em trai thì chưa học hết bậc phổ thông trung học. Long chỉ nghĩ đơn giản rằng nếu có đi học thành tài thì cũng chỉ lo được cái thân riêng mình, trong khi việc học đó có thể làm gián đoạn con đường học tập của chị và em. Thế là quyết. Không ân hận và suy nghĩ nữa.

Cánh cửa đại học đã khép với người học trò dẫn đầu các đội tuyển Toán, Lý, Văn của trường chuyên Lê Quý Đôn, Long “Nam tiến” và bắt đầu sự nghiệp của riêng mình với một khao khát “trả hết nợ cho mẹ”. Thời gian đầu vất vả, Long xin đi làm ở quán net để có máy thực hành IT miễn phí. Hiểu rằng để trở thành một lập trình viên siêu hạng của Việt Nam, Long phải vươn đến những kĩ năng lập trình cao và hiện đại mà ngày đó thì chủ yếu là trong các giáo trình nước ngoài. Học bằng tiếng Anh là một trở ngại lớn, nhưng điều đó không thể khuất phục ý chí của cậu thanh niên đất Cảng. Thế rồi, có lần anh giám đốc trung tâm đi ngang qua, thấy Long cặm cụi nghiên cứu IT mà không như thanh niên hay tụ tập ở quán net chỉ để chơi game hay chat chít, anh tạo điều kiện cho Long học thêm, mang dự án thương mại điẹn tử về cho Long làm. Và dự án thương mại điện tử đầu tiên thành công là trang web VCCI của Vũng Tàu, Long được cất nhắc hẳn lên làm nhân viên chính thức, chấm dứt chuỗi ngày “la cà” ở các quán net. Tháng 4 vừa qua, trang web Yahoo 360 vốn đang rất thịnh hành trong giới trẻ Việt Nam cũng như thế giới “đụng” phải một lỗi bảo mật CFRS (Cross Site Request Forgery), phương pháp mượn tay người khác để thực hiện một hành động không được phép, và người phát hiện đầu tiên đồng thời lên tiếng cảnh báo cho nhóm quản lí Yahoo 360 cũng như người sử dụng Việt Nam không ai xa lạ mà chính là Nguyễn Ngọc Long.

Ngã rẽ thứ 3: trưởng đại diện Fmusic (FPT) tại thành phố Hồ Chí Minh

Long đầu quân về Fmusic ở vị trí lập trình cho dự án âm nhạc nhacSO với một lí do vô cùng đơn giản: được làm việc với Phùng Tiến Công, một người Việt trẻ mà anh hâm mộ. Vị trí lập trình mà Phùng Tiến Công muốn tuyển vào dự án nhacSO là lập trình ASP, và phải là sinh viên. Với một cái “gan to” và cá tinh “ngông ngênh với đời”, mặc dù chưa từng bước chân vào giảng đường đại học, lại không hề biết gì về lập trình ASP, nhưng Long vẫn mạnh dạn viết thư cho nhà tuyển dụng. Viết thư ứng tuyển, Long đã hoàn toàn thuyết phục được nhà tuyển dụng bởi khả năng lập trình PHP và thậm chí chỉ ra được những lợi ích mà nhà tuyển dụng có được nếu thay thế ASP bằng PHP. Kinh nghiệm xin việc đó, Long dành cho các bạn trẻ có thực lực nhưng không có điều kiện theo đuổi bằng cấp. “ Bản thân việc không có bằng cấp đã là mất đi nhiều cơ hội, nên vấn đề là tìm được nhà tuyển dụng thực sự cần mình, và chứng tỏ được cho nhà tuyển dụng thấy lợi ích họ có được khi mình đầu quân về cho họ. Bạn có thể không có bằng cấp, nhưng không ai ngăn cản việc bạn trở thành một chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực nào”.

Có những bước ngoặt trong cuộc sống của Long trên con đường học vấn cũng như con đường lập nghiệp. Nhưng hãy nghe người Việt trẻ ấy nói về ước mơ của mình để thấy rằng ngọn lửa đam mê trong con người ấy có thể thắp sáng mọi ngã rẽ của cuộc đời : “Tôi không bon chen, mặc dù bon chen chẳng có gì là xấu cả. Sau này, khi trách nhiệm đối với gia đình đã nhẹ bớt trên vai, tôi chỉ có một ước mơ, đó là có một cái máy tính, nối mạng, và lập trình từ năm này sang năm khác…

Phương Liên