itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Gương mặt tuổi trẻ / "Gỗ mới" của Linh

"Gỗ mới" của Linh

Linh (bên phải) đang hướng dẫn một em

học việc tại cơ sở.

Cô gái với niềm tin và nghị lực đã tìm ra một con đường để vượt lên số phận không chỉ cho mình mà còn cho nhiều người khác. Đó là Dương Hoa Linh, một cô gái cá tính và gây ấn tượng cho người xung quanh bằng ánh mắt lấp lánh đầy niềm tin.

Linh sinh năm 1980, khi vừa hết lớp 9, những cuộc cãi nhau và sự chia tay của cha và mẹ đã khiến Linh “tình nguyện đi bụi” – cách nói vui của cô bây giờ. Kiếm sống qua ngày bằng những việc mà một đứa trẻ lang thang có thể làm, từ đi xin, rửa bát thuê, bán bánh mỳ, đánh giầy… đủ cả.

Không phải ai Linh cũng kể về “cái ngày xưa nghĩ lại mà rùng mình”, đấy là quá khứ mà cuộc sống vỉa hè đã tạo ra cho Linh. “Sỏi cô đơn” cái nickname mà Linh tự đặt dường như đã nói lên phần nào một thời sống vô định, còn bạn bè thủa ấy gọi cô là “Linh gan”

Góc chợ, bến xe, chân cầu là những nơi mà trước đây mình ngủ. Có rất nhiều đêm mình ngủ ở trên, phía dưới là dân xì ke, chích choác, chỉ cần bị kéo xuống thì không rõ đời sẽ ra sao nữa. Cái xấu lúc nào cũng sẵn sàng vồ lấy mình mà nhấn chìm trong bùn. Phải nói là may mắn, thật sự may mắn để đến bây giờ còn được ngồi đây…”. Linh chia sẻ. Trước câu hỏi: “Còn điều gì giúp Linh giữ mình không?” thì cô trả lời: “Có, ánh mắt của bố trước khi mất đã níu mình không bị rơi”.

Một ngày cách đây gần chục năm, khi bụng đói đang réo ầm ầm, nặng nhọc lê từng bước trên phố thì cô bé “Linh gan” nhặt được chiếc ví của một ông chủ người Đài Loan đánh rơi, thoáng chốc suy nghĩ trong đầu Linh đã cất tiếng gọi ông ấy để giả lại.

Người phiên dịch đã nói lại cho Linh biết rằng ông Đài Loan kia thấy bộ dạng cô thật thảm hại và hỏi “có đói không, có muốn làm học một nghề đề sống không?”. Tất nhiên là khi đó cô muốn có cái gì ăn trước đã và đồng ý đi theo về. Linh đã được người mà cô gọi là ân nhân ấy nhận vào xưởng sản xuất thủ công mỹ nghệ gỗ. Đó chính là bước ngoặt cuộc đời của Linh.

Trong mấy năm học nghề làm đồ gỗ thủ công mỹ nghệ mà chuyên sâu là xử lý sơn bề mặt, Linh đã nhận được nhiều điều từ nghề không chỉ là những tháng lương với đồng tiền thấm đẫm mồ hôi mà còn nhiều bài học làm người, và cả triết lý sống.

Một bạn khuyết tật đang tham gia vào làm tại cơ sở Gỗ Mới

“Gỗ Mới” tên cơ sở sản xuất thủ công của Linh thành lập đầu năm 2006 chính là một triết lý sống của cô. Từ khúc gỗ vỏ xù xì, rêu mốc, qua bóc tách, mài, khắc, sơn sẽ trở thành các sản phẩm mỹ nghệ như vòng gỗ, mặt dây chuyền… chúng làm đẹp cho con người.

Ở đó không chỉ làm mới gỗ mà còn làm mới nhiều con người. Qua các các nhóm tình nguyện và cả mối quan hệ cũ khi còn đi bụi Linh thu thập các em nhỏ lang thang đánh giầy lại, dạy nghề cho chúng. Bọn trẻ vốn quen sống vô kỷ luật, đến với Linh được rèn rũa, được dạy cho nghề… Qua một năm, hơn 10 em đã thành thạo nghề, chúng đã có được hành trang để bước vào cuộc đời.

Linh nói về quan điểm của cô về trẻ lang thang: “Phải làm sao để đến lúc nào đó để có thể vui mừng đóng cửa các lớp học tình thương, mái ấm vì không còn trẻ lang thang nữa và để làm được điều ấy những đứa trẻ cần phải được học một nghề, xác định cho mình một con đường đi vào đời”.

Đường đi của Gỗ Mới gian nan và trắc trở, thiếu vốn thiếu kiến thức, không nắm rõ các quy định về thủ tục. là những hòn đá cản đường. Có khoảng thời gian mà một người bạn cùng làm chung rút vốn, cắt đứt tất cả các mối hàng, cô lao đao đi tìm lại khách hàng tiêu thụ, gom góp lại đồng vốn theo từng đơn hàng một. Nhưng tất cả không làm Linh nản lòng, bởi vì cô hiểu rằng: đã tìm ra được con đường đi cho mình, cô nói: “Mình có thể cứ đi làm thuê, sống cũng ổn, với tay nghề hiện nay có rất nhiều nơi muốn gọi về để làm, nhưng có một nơi mà mình đem hết tất cả tâm trí của mình thì chỉ có Gỗ Mới”.

Linh (giữa): Muốn tìm hướng đi ra nước ngoài cho Gỗ Mới.

Linh dồn sự say mê, trí lực của mình vào công việc, cô tìm tòi thiết kế ra mẫu mã sản phẩm mới, rồi đi học bổ túc văn hóa để quản lý và xây dựng cơ sở sản xuất. Rồi còn chật vật học vi tính để có thể ứng dụng tin học vào sản xuất, kinh doanh, Linh kể vui rầng: “Đã có lần “say máy tính” vì ngồi ôm lấy màn hình để học cách gửi email, gõ văn bản trong khi đầu đang sốt, rồi ngã vật ra lúc nào không biết.”

Hiện nay Linh đang cùng một nhóm bạn sinh viên thiết kế một trang web nhằm quảng bá sản phẩm, hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài thông qua mạng internet. Đam mê sẽ nối tiếp đam mê… Linh phát hiện ra vẻ đẹp của sơn mài và cô đang giành thời gian để nghiên cứu về dòng sản phẩm này. Tương lai “Gỗ Mới” sẽ là những sản phẩm tinh xảo mang đậm màu sắc và tâm hồn Việt. Cuối cùng như chính Linh đã tâm sự: Đã đi được một chặng đường đầy khó khăn, và quyết tâm đi tiếp để không phụ những gì cuộc sống đã tặng mình.

Minh Hiền (Theo VTC News)