itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Gương mặt tuổi trẻ / Học và sáng tạo từ “trường đời”

Học và sáng tạo từ “trường đời”

Nguyễn Hữu Năm

12 tuổi đã học khảm trai và điêu khắc, nhưng Nguyễn Hữu Năm (xóm Mạ, thôn Phú Yên, xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Tây) lại mê Rô bốt đến mất ăn, mất ngủ.

Và dù chỉ sở hữu tấm bằng THCS, nhưng Năm đã là chủ của nhiều sáng chế hữu dụng trong đời sống.

Ấn tượng đầu tiên khi gặp Nguyễn Hữu Năm là sự cởi mở, hồn nhiên. Năm kể: “Mình vẫn còn nhớ mãi cảm giác lâng lâng khi được đeo chiếc Huy chương Vàng trong đêm trao giải Ý tưởng sáng tạo dành cho thanh thiếu niên toàn quốc lần thứ nhất năm 2005 (do T.Ư Đoàn, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức).

Mô hình cẩu Rô bốt của Năm đã vượt qua 227 sáng chế khác giành được giải nhất. Kỷ niệm đáng nhớ nhất với Năm sau khi đoạt giải là lần đầu được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Bác giản dị và gần gũi lắm! Chỉ tiếc mình không được nắm tay bác dù đã được xếp ngồi gần bác nhất”.

Năm không ngần ngại tiết lộ chuyện mình phải bỏ học từ năm lớp 9 vì gia đình đông anh em, kinh tế nhiều khó khăn.

Những chú Rô bốt vì vậy đều được làm từ… phế liệu.

Như Rô bốt DC26 mang đi dự giải cấu tạo một phần từ chiếc đầu Video hỏng của hàng xóm và mấy mảnh gỗ thừa của gia đình. DN5 được là một trong ba sản phẩm của Việt Nam tham dự Triển lãm sáng tạo quốc tế tổ chức tại Ấn Độ, chủ yếu làm từ các linh kiện điện tử Năm mua ở “chợ Trời” Hà Nội.

Sau giải khuyến khích cho sản phẩm bộ van chống lật cho xe ô tô trong cuộc thi Ý tưởng sáng tạo toàn quốc lần thứ hai, Năm bắt đầu có những sáng chế thực tế áp dụng vào cuộc sống.

Từ quan sát việc làm gỗ của các anh, Năm thiết kế chiếc máy bào gỗ. Năm 2006, chiếc máy bào gỗ ra đời. Thay cho việc bào gỗ bằng tay nay mọi công việc xẻ, bào đều được thực hiện trên máy. Năm đã bán được 5 chiếc giá 750.000đồng/1 máy.

Tiếp đó là chiếc máy kéo nan mành, tăng năng suất lao động và hạn chế được rủi ro cho người thợ.

Và gần đây nhất, Năm cho ra đời chiếc máy thái sắn, công suất 2 tấn/1 giờ sau hơn một năm suy nghĩ và lắp ráp. Năm khoe đã có hai cơ sở chế biến nông phẩm tới đặt mua với giá 20 triệu đồng/1 chiếc.

Năm bật mí bí quyết thành công của mình là học lỏm. “Mình hay lân la tới các xưởng cơ khí, các khu công nghiệp cao, xem họ sản xuất và vận hành máy móc thế nào rồi về nhà mày mò làm theo”.

Ước mơ của Năm rất giản dị: Muốn có một xưởng cơ khí được tạo dựng bằng chính đôi tay lao động của mình.
Năm tâm sự: “Không cần xưởng phải quá to, chỉ cần có 5 đến 7 người thợ nhưng được thỏa sức sáng tạo là điều mình thích nhất!”.

Hải Hằng