itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Gương mặt tuổi trẻ / Thủ khoa và “cuộc chiến” chống ảo tưởng

Thủ khoa và “cuộc chiến” chống ảo tưởng

6 thủ khoa nghèo của kỳ thi ĐH năm 2007.

“Đi dự liên miên các lễ tôn vinh thế này, không “cảnh giác” thì em sẽ sớm rơi vào vòng hào quang ảo tưởng mất thôi” - thủ khoa Học viện Tài chính Nguyễn Đức Học đã thở dài và lo lắng tâm sự sau khi đi dự buổi lễ trao học bổng do một tập đoàn lớn tổ chức.

Học cho biết chỉ trong vòng 2 tuần, em đã đi dự tới 5 buổi lễ tôn vinh, giao lưu và trao học bổng.

Nguyễn Đức Học là cậu thủ khoa nghèo đến từ xã Đông Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc). Bố mẹ em quanh năm suốt tháng tất bật với gần 10 sào ruộng và kiêm thêm một cửa hàng bán thức ăn gia súc, gia cầm để nuôi 3 mặt con. Chị gái của Học đang là sinh viên của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và em gái thì đang học phổ thông. Những ngày ôn thi của cậu thủ khoa ĐH nghèo này là những ngày cùng gắn bó với chiếc máy xay xát gạo phụ gia đình.

Và giờ đây, khi đã là tân sinh viên, cuộc sống của Học dường như đã mở sang một trang mới. Học cho biết em không ở ký túc xá mặc dù mình có thừa tiêu chuẩn. Em thuê nhà trọ cùng một người bạn để có điều kiện học tốt hơn. Hơn nữa, ở ký túc xá thì không cho sinh viên nấu cơm mà phải ăn cơm bụi thì rất... khó ăn!

Ánh sáng rực rỡ của những đêm trao học bổng, những cuộc phỏng vấn với toàn những mỹ từ và những số tiền tài trợ mà một cậu học trò nông thôn như em chưa bao giờ dám nghĩ tới đã khiến Học nhiều đêm không ngủ được.

Học luôn lo lắng mình sẽ bị “đánh lừa” bởi những ảo giác hào quang đó mà quên mất mình mới chỉ là một tân sinh viên và con đường phía trước còn rất nhiều gian khổ. Học bảo: “Em sợ”. Nhưng khi được hỏi nếu còn buổi lễ trao học bổng nào mời em thì em có muốn đi nữa không? Bẽn lẽn, cậu thủ khoa nghèo trả lời: “Em vẫn muốn”.

Một điều rất đáng mừng cho các thủ khoa nghèo trong mùa tuyển sinh năm 2007 là cùng với sự nỗ lực của gia đình và rất nhiều các tổ chức xã hội nên hầu hết các em đều đang được hưởng một điều kiện học tập và sinh hoạt được coi là khá sung túc so với mặt bằng chung của đời sống sinh viên và chính “bước ngoặt” đầu tiên này trong cuộc sống đang khiến các em phải rất cố gắng để thoát “ảo”.

Cùng tâm trạng này của Nguyễn Đức Học là Nguyễn Đăng Chuẩn, cậu thủ khoa của trường ĐH Bách khoa với biệt danh là thủ khoa đồng ruộng, thủ khoa con nhà nghèo. Đến từ thôn Thanh Tương, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Chuẩn đã đỗ thủ khoa trường ĐH Bách Khoa với 29,75 điểm.

Bố mẹ đều làm nghề nông. Tuy ngoài làm ruộng, bố em còn thêm việc xách vữa, xếp gạch để kiếm thêm nhưng công việc vất vả lại hay phải đi xa làm, tiền công chỉ khoảng 35.000-40.000 đồng/ngày, trừ đi chi tiêu hàng ngày, tiền gửi về cho vợ con chỉ còn là chút đỉnh. Mấy tháng trước khi thi ĐH, bố Chuẩn lại bị tràn dịch màng phổi phải lên Hà Nội nằm viện, mẹ em đi theo chăm sóc.

Nếu thủ khoa Nguyễn Đức Học suốt thời gian ôn thi bên máy xát gạo thì thời gian này của thủ khoa Nguyễn Đăng Chuẩn là gắn với cái liềm, cái cuốc theo anh trai ra đồng đỡ đần cho bố mẹ đều đang trong bệnh viện. Ba ngày thi ĐH là ba ngày lầm lũi buồn bã một mình chốn trường thi nhưng cậu học trò nghèo đó vẫn đạt kết quả cao nhất trường Bách khoa, vượt mặt hàng chục nghìn “anh tài” khác ở một trường ĐH đang được xem là nhất, nhì của Việt Nam.

Hiện nay, Chuẩn đang sống một mình trong một phòng trọ. Em từ chối ở ký túc vì sợ rằng ở đó điều kiện học hành của em không được đảm bảo. Sau mỗi giờ học từ giảng đường trở về phòng trọ, cảm giác của em là sự nhớ nhà và luôn phập phồng một nỗi lo lắng khó gọi thành tên. Chuẩn tâm sự: “Em chỉ muốn học thật tốt vì tất cả mới chỉ là bước khởi đầu và em còn phải cố gắng nhiều lắm”.

Gặp Thủ khoa ĐH Y Hà Nội Nguyễn Đăng Hoàn đến từ Hà Tây tại một lễ trao học bổng cho thủ khoa vừa được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, chắc hẳn không ai hình dung được đây là một cậu học trò rất giỏi cấy lúa như tên mà bạn bè trong lớp vẫn trìu mến gọi. Áo trắng quần jean, Hoàn sử dụng điện thoại di động khá sành điệu để chụp ảnh lia lịa các chính khách phát biểu tại buổi lễ.

Còn nữ thủ khoa ĐH Phương Đông là Hoàng Thanh Huệ người dân tộc Tày thì có phong cách rất style và hệt như một diễn viên Hàn Quốc vậy. Em cũng được Quỹ học bổng ITA Vì tương lai bình chọn là một trong nhưng gương mặt thủ khoa nghèo vượt khó nhất trong các thủ khoa. Giờ Huệ đang sống một mình một phòng với điều kiện khá đầy đủ.

Nữ thủ khoa ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội Đặng Thị Liên đến từ huyện miền núi Yên Thành, Nghệ An cho biết hơn hai tuần nay, em phải đánh vật để nói giọng Bắc vì bạn bè cùng lớp “chê” em nói gì mà khó nghe thế! Liên cũng thuê nhà trọ bên ngoài và mỗi tháng được bố mẹ chu cấp cho 1,2 triệu! Một số tiền được coi là khá lớn khi mảnh đất nơi em sống được coi là một trong những vùng cằn cỗi và khắc nghiệt nhất Nghệ An mà người dân ở đây đều rất lam lũ và vất vả trong cuộc sống.

“Em chưa từng đến một buổi lễ trao học bổng nào hoàng tráng như vậy. Trong trí tưởng tượng của em cũng chưa từng hình dung. Em không nghĩ mình cũng có ngày được dự một buổi lễ như vậy và lại là nhân vật chính nữa”. Rất hồn nhiên, Liên hào hứng chia sẻ tâm trạng của mình như vậy.

Thủ khoa ĐH Y Thái Bình, thiếu nữ Mường của vùng núi Ngọc Lặc - Thanh Hoá, Phạm Thị Quỳnh Như tràn đầy vẻ lạc quan khi em cho hay: “Số tiền học bổng mà em đã nhận được từ khi nhập học đã đủ cho em trang trải suốt một năm học. Còn năm sau thì chưa cần vội nghĩ đến nhưng chắc mọi việc sẽ đều tốt đẹp cả thôi”.

Không biết rồi đây, khi đã thâm nhập sâu hơn nữa với đời sống sinh viên và các thủ khoa sẽ phải đối mặt với việc phải tính toán từng đồng, đồng nào mùa dưa cà, đồng nào mua mắm muối; rồi tiền nhà trọ, điện nước hàng tháng... Các em có đủ nghị lực để “chiến đấu” với chặng đường vẫn còn rất dài ở phía trước?

Mai Minh