itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / Gạo cứu đói và niềm tin của dân

Gạo cứu đói và niềm tin của dân

Sau việc kỷ luật hàng loạt đối với những người dùng gạo cứu đói bán lấy tiền… tu sửa nhà văn hóa khu phố, đến hôm qua, Phú Yên mới lại “giao các địa phương chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát, bình xét và lập danh sách những hộ thật sự thiếu ăn trong thời kỳ giáp hạt để hỗ trợ”. Trước đó, Phú Yên bị báo chí phát hiện đã “giữ lại” 444 tấn gạo cứu đói. Và việc “rà soát, bình xét” là sau khi chính Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu UBND tỉnh khẩn trương kiểm tra, làm rõ việc cấp phát gạo hỗ trợ cứu đói chưa đến tay hộ nghèo.

Câu chuyện ở Phú Yên cho thấy nhiều điều… không lạ. Không lạ dù đó là lời "kêu" thảm thiết của một tỉnh được mệnh danh là “vựa lúa của miền Trung” luôn dẫn đầu về năng suất. Không lạ dù ngay trong năm "kêu" thiếu đói, năng suất lúa vụ đông xuân 2013 của Phú Yên đạt cao nhất từ trước đến nay với 67,5 tạ/ha. Không lạ vì sau khi “xin” 760 tấn gạo cứu đói dịp tết và giáp hạt (và được nhận 676 tấn), thì Phú Yên mới chỉ “phát” 232 tấn, và đến giờ mới lại “tiến hành rà soát, bình xét, lập danh sách”.
Có quá sớm không để kết luận rằng, ngay cả một tỉnh giàu cũng “xin được” gạo cứu đói vào mỗi cuối năm, trước mỗi kỳ giáp hạt? Việc "xin" gạo cứu đói thành thông lệ đến nỗi như một thứ “của chùa”, để giàu như Khánh Hòa - với GDP tăng 8,2%, thu ngân sách hơn 11.300 tỉ đồng và tỉ lệ hộ nghèo chỉ 4,26%, bằng phân nửa mức bình quân chung - cũng “xin” gạo cứu đói với lý do “Tất cả cũng là lo cho dân thôi mà”! Cũng chưa thể vội vàng bảo Phú Yên cứ "kê" lên mà xin, được bao nhiêu thì hậu xét. Nhưng rõ ràng, sự thật là món quà tết của Chính phủ đối với hộ nghèo - vì những thứ “không lạ” không năm nào không diễn ra - đã trở thành nỗi ấm ức của người được nhận. Ấm ức vì bị bớt xén.
Trên Lao Động mấy hôm trước, một đồng bào phàn nàn: “Tết đến, cái bụng của bà con dân tộc Rắc Lây đói bỏ bữa, nhưng xã lại cắt bớt 5kg gạo cứu đói mỗi người. Vậy nên nhiều hộ phản đối…”. Còn một phụ nữ Quảng Trị thì chìa ra trước ống kính thùng gạo cạn đáy với vẻ mặt giống như là bất bình. Trước thực tế chưa hết tết đã “đói trở lại”; trước thực tế gạo cứu đói được “chia đều cho toàn dân”, hạt gạo cứu đói "qua tay" không ít sự tùy tiện chính quyền ở địa phương, trở thành bằng chứng của sự bất công. Hạt gạo cứu đói, thêm một lần nữa, khẳng định câu chuyện niềm tin của nhân dân.
Hồi trước tết, quan chức cơ quan điều phối hoạt động cứu đói là Bộ LĐTBXH đã khẳng định “Chủ tịch UBND tỉnh sẽ phải chịu trách nhiệm” từ việc đề xuất xin cấp gạo cho đến hậu kiểm việc thực hiện. Đây không chỉ là để thực hiện yêu cầu của Thủ tướng “không được để gia đình nào đói”, mà còn là sự ràng buộc trách nhiệm để hạt gạo cứu đói không làm "no bụng" những quan chức địa phương. Và bây giờ, nhân dân sẽ chờ xem cái "trách nhiệm" đó có được thực hiện hay không?

Theo Đào Tuấn/ Lao Động