itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / Luật Hộ tịch bị “trả về” vì thủ tục rắc rối

Luật Hộ tịch bị “trả về” vì thủ tục rắc rối

Được kỳ vọng sẽ là cuộc “cách mạng” về các loại giấy tờ cá nhân và là “chìa khóa” để tra cứu thông tin cá nhân. Nhưng hôm qua 13.8, lần thứ 2 trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật Hộ tịch tiếp tục bị “trả về” vì chưa giải quyết được bài toán thủ tục hành chính.

Số định danh cá nhân

Theo Tờ trình của Chính phủ, điểm mới mà dự thảo luật đưa ra là quy định số định danh cá nhân. Đây là dãy số tự nhiên được lập trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm mã hóa những thông tin cơ bản của cá nhân.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, hiện mỗi công dân có thể sở hữu đến khoảng 20 loại giấy tờ bao gồm: Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn, Hộ khẩu, Thẻ bảo hiểm y tế, CMND, Hộ chiếu phổ thông, Hộ chiếu công vụ, Hộ chiếu ngoại giao, Sổ bảo hiểm xã hội, Giấy phép lái xe, các loại thẻ, chứng chỉ, quyết định của cơ quan hành chính nhà nước... Mỗi loại giấy tờ đều có số khác nhau, nhưng lại có điểm chung chứa đựng những thông tin cơ bản về hộ tịch của cá nhân (họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch...).

Ông Hà Hùng Cường cho rằng, trong điều kiện phát triển của công nghệ kỹ thuật số, trước yêu cầu của công tác quản lý hộ tịch trong tình hình mới, thì việc quy định “số định danh cá nhân” là hết sức cần thiết. “Số định danh cá nhân chỉ được cấp một lần duy nhất cho cá nhân, được ghi vào sổ bộ hộ tịch, trích lục hộ tịch và giấy tờ khác theo quy định của pháp luật”, ông Cường giải thích thêm.

Sẽ còn lại bao nhiêu giấy tờ ?

Tuy nhiên, khi đưa ra thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo luật và tờ trình chưa thuyết phục. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội thắc mắc: “Số định danh cá nhân có liên quan gì đến 20 loại giấy tờ mà người dân đang mang vác cùng với cuộc đời. Nếu đưa ra lộ trình thực hiện từ 2016 đến 2020, liệu sau 2020 mỗi công dân có số định danh, sẽ còn lại bao nhiêu giấy tờ?”. Cũng cùng ý kiến băn khoăn này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ: “Nếu đọc dự án luật này sẽ thấy phát sinh thêm nhiều giấy tờ và thủ tục hành chính cho nhân dân, tăng thêm biên chế tổ chức, nhân sự quản lý, tăng thêm kinh phí chứ không thấy có giảm. Khi ra số định danh cá nhân, tên tuổi, năm sinh, mã số thuế... mỗi cá nhân chỉ cần một số định danh không?”.

Chưa biết luật Hộ tịch có giúp nhà nước quản lý vấn đề hộ khẩu hay không, nhưng nhiều đại biểu lo luật Hộ tịch gây thêm phiền phức cho người dân.

“Là người dân tôi nghe đã sợ”

Với mục đích cải cách và tạo sự đột phá trong công tác đăng ký hộ tịch, dự luật khôi phục lại và chuẩn hóa chức danh Hộ tịch viên. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, điều này sẽ làm tăng sức ép cho nhà nước. “Ban soạn thảo đã tính đến tác động về vấn đề ngân sách, số tiền tăng thêm để làm thủ tục, biên chế và lương để trả cho 11.000 hộ tịch viên hay chưa?”, ông Hiển đặt câu hỏi.

Phát biểu sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ: “Khi chưa đủ điều kiện, mọi vấn đề chưa được giải quyết khả thi thì không trình. Chúng ta đang học tập đạo đức của Bác Hồ: Cái gì lợi cho dân nhỏ mấy cũng phải làm. Cái gì hại cho dân thì nhỏ mấy cũng cần tránh”. Ông cũng đặt hàng loạt câu hỏi cho Ban soạn thảo như: Một người dân có bao nhiêu giấy tờ liên quan đến phạm vi điều chỉnh, sau khi làm rồi còn bao nhiêu giấy? Trước đi mấy cửa, giờ chạy mấy cửa? Chẳng hạn, khi đăng ký kết hôn ở đâu chưa biết, nhưng phải đến xã để đăng ký hộ tịch. Khi ly hôn phải ra tòa, lại bắt mang giấy đó chạy về xã đăng ký tôi đã bỏ vợ. Bắt dân làm việc đấy, người ta có làm không?...

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần làm rõ khi luật Hộ tịch ra đời sẽ thay thế được bao nhiêu loại giấy tờ; cần làm rõ tính khả thi và sự phù hợp với điều kiện kinh tế VN. Chủ tịch cho rằng, theo dự thảo, sổ hộ tịch làm bằng giấy, ghi từ khai sinh, kết hôn, giám hộ nhận cha mẹ nuôi, thay đổi quốc tịch, đến khai tử... nhưng chưa biết sổ dùng cho một hộ, một người, hay mỗi xã một quyển?... Sổ ghi hằng ngày, lật dở thường xuyên vậy để 100 năm có thực tế hay không? Chưa kể, tất cả những thay đổi liên quan đến cá nhân đều phải về quê khai hết, rồi ở nước ngoài cũng phải mang về ghi, như vậy sẽ rất rắc rối. “Tôi là người dân tôi nghe đã thấy sợ”, ông thẳng thắn.

Rút kinh nghiệm từ việc thay đổi CMND ghi cả tên bố mẹ, gây lãng phí, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải xem xét thận trọng. Nếu cần thí điểm làm vài thành phố. Thường vụ thống nhất chưa trình Quốc hội kỳ họp thứ 6, giao lại cho Chính phủ hoàn thiện.

Thu Hằng/ Thanh Niên