itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / Mô hình kim tự tháp trong bán hàng đa cấp bị cấm từ 01/07/2014

Mô hình kim tự tháp trong bán hàng đa cấp bị cấm từ 01/07/2014

Nghị định 42/2014/NĐ-CP do Chính phủ ban hành với nhiều quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước đối với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, đồng thời bảo vệ người tham gia bán hàng đa cấp.

Kinh doanh theo mô hình kim tự tháp được hiểu là việc tiến hành hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong đó việc tuyển dụng người tham gia mới; việc gia hạn hợp đồng của người đã tham gia; phí, tiền đặt cọc hoặc khoản đầu tư của người tham gia trong mạng lưới là nguồn thu nhập chủ yếu của người tham gia.

Trên thực tế, người tham gia không được bảo vệ khi kinh doanh theo mô hình kim tự tháp, đồng thời mô hình này yêu cầu người tham gia phải trả trước một khoản tiền lớn và xây dựng mạng lưới khai thác từ chính các thành viên.

Đã có nhiều quan điểm cho rằng điểm khác biệt cơ bản giữa bán hàng đa cấp chân chính với mô hình kim tự tháp là công ty bán hàng đa cấp chân chính có bộ quy chuẩn đạo đức kinh doanh và triển khai thực hiện, giám sát một cách công khai, minh bạch. Thêm vào đó, các công ty này có chính sách trả hàng với giá cả, điều khoản thanh toán rõ ràng, chính sách hoa hồng cũng rõ ràng, minh bạch và không bán được hàng bằng mọi giá.

Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của người tham gia hoạt động bán hàng đa cấp, Nghị định 42/2014/NĐ-CP do Chính phủ ban hành (sau đây gọi là Nghị định 42) trực tiếp quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ bị cấm thực hiện mô hình kim tự tháp kể từ ngày 01/07/2014.

Nghị định 42 cũng quy định rõ doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, cũng như không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới.

Theo quy định cũ tại Nghị định 110/2005/NĐ-CP, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải ký quỹ 5% vốn điều lệ và không được thấp hơn 1 tỷ đồng Việt Nam. Hiện nay, theo Nghị định 42 sắp có hiệu lực, doanh nghiệp bán hàng đa cấp vẫn phải ký quỹ 5% vốn điều lệ, nhưng số tiền tối thiểu đã được nâng lên thành 5 tỷ đồng Việt Nam. Đồng thời yêu cầu cụ thể vốn pháp định cho doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành bán lẻ theo phương thức đa cấp là 10 tỷ đồng Việt Nam.

Công ty Luật PLF

Theo Trí Thức Trẻ