itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Ai về Ninh Hiệp

Ai về Ninh Hiệp

Chợ vải Ninh Hiệp

Khi đứa bạn đưa cho tôi một miếng vải (cũng không đến nỗi nào) và bảo: “Cho mày may áo đấy” và lại còn ghé tai thì thầm: “Tao đố mày đoán giá”.

Lúc tôi đưa ra một cái giá nó cười ngất: “Ối giờ ôi, Ninh Hiệp mà có vài “con bò lạc” như mày thì có mà họ thôi không làm thuốc Bắc và hạt sen nữa, tất tần tật sẽ đi buôn bán vải mất, có 6 nghìn thôi cụ ạ. Mai đi Ninh Hiệp với tao”.

Thế là tôi đến Ninh Hiệp, để rồi ngỡ ngàng nhận ra, ở đấy, có hai Ninh Hiệp cùng song song tồn tại…

Người người buôn vải, nhà nhà buôn vải

Bạn sẽ phải buộc lòng thừa nhận điều ấy khi mà một xã có 9 thôn thì 8 thôn buôn bán vải. Nó chỉ cách Hà Nội chưa đến 20 cây số trên trục đường Hà Nội - Bắc Ninh, qua thị trấn Yên Viên là đường rẽ vào làng Nành xưa, nay là xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội. Tên cũ của làng là Phù Ninh, tục gọi là làng Nành, thuộc huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc xưa. Nghề vải của làng đã có từ lâu lắm rồi, có lẽ là từ thế kỷ thứ XI, nhưng bắt đầu không phải từ nghề buôn bán vải mà là nghề dệt vải. Vải làng Nành xưa từng nức tiếng trong câu ca truyền lại:

Ai về Ninh chợ mà xem
Lụa vàng tiến ngự tay em dệt thành

Cho mãi đến cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) thì nghề dệt vải mới kết thúc sứ mệnh lịch sử của nó, có lẽ là do điều kiện của lịch sử. Thay vào đó là nghề buôn bán vải ra đời đầu tiên chỉ là những thúng những mẹt vải của các bà bán lẻ để rồi càng ngày càng phát triển, đặc biệt là từ khoảng 10 năm trở lại đây. Đến với Ninh Hiệp bạn sẽ bắt gặp hình ảnh ngay từ rìa làng đã la liệt các hàng vải với đủ màu sắc, chủng loại và tất nhiên là đủ loại giá cả. Nhưng ít người dừng lại ở đó để mua, mà họ thích vào trong chợ vải. Chợ vải nằm ngay cạnh uỷ ban xã, được xây dựng mới khang trang và sạch sẽ.

Một góc chợ vải Ninh Hiệp. Ảnh: Cát Nguyên

Có bước chân vào đến chợ mới hiểu được tại sao các bạn tôi, mẹ tôi (và bây giờ có lẽ thêm cả tôi) lại thích đi Ninh Hiệp đến thế. Cơ man nào là vải, vải kiện, vải cây, vải cân, vải mảnh… tôi có cảm giác như trên trời, dưới đất có bao nhiêu vải đều đổ hết về đây. Không biết có phải là ngoa không nhưng chính người dân ở ngôi làng ấy đã nói vui rằng nếu đem vải ở đây vá lại thành một tấm phông thì tấm phông ấy có thể che kín bầu trời tỉnh Bắc Ninh.

Ở đây, người dân tự hào là nơi cung cấp vải cho toàn miền Bắc, không có loại vải nào trên thị trường có mà ở đây lại không có, vải được nhập về từ đủ mọi con đường, tất nhiên, kể cả những con đường không chính thức. Bạn sẽ không tìm thấy cảnh chèo kéo mời khách, mà bạn có thể xem thoải mái, cho hết miếng vải này đến miếng vải khác lên bàn cân, hỏi giá vô tư rồi đi sang hàng khác cũng chả sao (nhưng đừng dại dột làm điều ấy khi đến những chợ khác, nếu không thì…). Bạn sẽ xem như thế cho đến khi nào mắt bạn hoa lên vì mệt và vì không biết chọn cái gì, cái gì cũng thích mua mà bạn lại không đủ giầu có để mua may liền một lúc hàng chục bộ áo quần. Bạn sẽ dừng lại ở một hàng chè để tăng thêm năng lượng để rồi cái qui trình lúc đầu lại tiếp tục (mà tại sao đồ ăn ở đây rặt chỉ thấy chè là chè). Để rồi sau đấy sẽ lại xem chán, hỏi giá và trả giá.

Cũng cần phải nói thêm rằng có lẽ người Việt Nam mình hễ cứ bước chân vào đến chợ, mua cái lớn bé gì cũng mặc cả ngay cả khi người bán đã nói một cái giá rất rẻ rồi, điều đó lý giải tại sao cho việc khi tôi cầm miếng vải lên ngắm nghía, chị chủ quán tươi cười: “6 nghìn một lạng, miếng này đủ may một áo tay lỡ đấy em ạ, có 12 nghìn thôi, rẻ không?”. “Rẻ gì mà rẻ - đứa bạn tôi hấp tấp như sợ tôi trả hớ – 7 nghìn thôi”. “Sao lại trả rẻ thế em, thôi đấy, người quen chi bớt cho một nghìn nữa”.”Không, chỉ 7 nghìn thôi”, nói xong kệ cho chị chủ quán và tôi cằn nhằn : “Thôi mua được đấy - được gì mà được” rồi nó lôi tôi đi thẳng. Chưa kịp ra hết cửa quán đã nghe tiếng gọi giật lại : “Này, lại đây bán cho này, khiếp giả gì mà lại rẻ thế, mua gì thêm không em? Sao mua ít thế, lần sau mua gì lại hàng chị nhé!”. Con bạn được thể nháy tôi cười tinh quái…

Mặc cho cái nóng như hâm người lên, người ta vẫn đổ về Ninh Hiệp, để rồi ra về với đùm lớn đùm bé của những người đi mua lẻ như tôi hay là của những xe đến lấy hàng buôn về các chợ. Nghề buôn bán vải đã khiến cho Ninh Hiệp trở nên sầm uất và giàu có hơn. Những ngôi nhà cao tầng lần lượt được mọc lên. Người Ninh Hiệp vẫn làm ruộng, trên cánh đồng vẫn xanh màu của lúa, của ngô. Chỉ khác đó là thay cho hình ảnh các bà, các chị là hình ảnh của các ông chồng trên đồng ruộng nhiều hơn trước…

Đó là những cảm nhận ngay lập tức của bạn về Ninh Hiệp. Bởi, nếu như bạn ra khỏi cái thế giới lúc nào cũng nhộn nhịp kẻ bán người mua ấy, đi sâu vào làng, bạn sẽ còn nhận thấy một Ninh Hiệp khác. Một Ninh Hiệp lặng lẽ dòng chảy từ hàng mấy trăm năm đã khiến cho tôi có cảm giác người Ninh Hiệp mải mê với vải quá, hình như họ đã quên mất một Ninh Hiệp đã từng nổi danh bởi một nghề cao quý khắp cả nước, mà nay chỉ còn lại trong trăn trở của một người…

Niềm hy vọng mong manh của cụ lang hái

Cái nghề buôn bán vải đã biến Ninh Hiệp trở nên trù phú và sầm uất, nhưng có lẽ nó cũng là nguyên nhân khiến cho một điều đã từng là niềm kiêu hãnh của làng Nành trở nên mai một nghiêm trọng.

Còn rất ít những gia đình làm thuốc như thế này. Ảnh: Cát Nguyên

Người Ninh Hiệp vẫn nhớ làng họ từng có Chánh ngự y Nguyễn Tán (1817 – 1880) lẫn phó ngự y Nguyễn Khắc Hoạt (1838 – 1903) danh tiếng một thời đều là người làng Nành, các thầy lang giỏi thì xóm nào cũng có tới vài người, nhưng bây giờ thì đó đã là nhưng câu chuyện của “ngày xưa” rồi, bởi hầu như không còn mấy ai thiết tha với nghề đó nữa. Nay chỉ còn lại có cụ lang Hải đã 85 tuổi. Cụ không thể giấu nổi nỗi niềm khi thấy lớp kế cận chẳng mấy ai mặn mà gì với cái nghề nhân đức nhất đã nổi tiếng hàng bao thế kỷ của làng “… Nhà tôi đến đời tôi là thứ 3 rồi đấy, tôi cũng có 3 thằng con trai đấy, nhưng có đứa nào chịu theo nghề của bố đâu. Không ở đâu câu “phi thương bất phú” lại rõ như ở cái làng Nành này, các con tôi luôn nói tôi nghèo nhất làng. Trời đất, làm thuốc mà nghĩ đến chuyện làm giàu thì chỉ có vứt đi thôi. Cũng còn may 2 đứa con gái không chê nghề của bố nghèo nên cũng theo tôi học nghề, cũng chả biết có được không bởi cái nghề này có phải ai cũng học được đâu…”.

Phải, cũng còn may là không phải tất cả mọi người đều quay lưng lại với niềm tự hào một thời của cái làng quê nhỏ bé này, dẫu cho con số ấy không nhiều nhưng nó vẫn khiến cho người ta hi vọng, hi vọng ấy dẫu mong manh thì vẫn cứ là hy vọng… Ra khỏi nhà cụ lang Hải, tôi bước miên man trên con đường của các cuộc hôn nhân truyền thống, nay đã được mở rộng và tôn tạo lại khang trang hơn, mà không biết rằng mình đang đi vào một Ninh Hiệp khác, đó là xóm 8, cái xóm duy nhất trong 9 xóm của Ninh Hiệp không buôn bán vải nhưng tên tuổi của nó thì đã lẫy lừng cả trăm năm bởi…

Từ truyền thuyết đến các dược sư tài hoa

Như một sự phân công của tự nhiên, người xóm 8 trồng và chế biến dược liệu rất giỏi, giỏi hơn rõ rệt so với các xóm khác nhưng ít thầy thuốc. Còn 8 xóm còn lại của làng nhiều thầy thuốc nhưng trồng và chế biến thuốc ít, thái thuốc thì không ở đâu nhanh và đẹp bằng xóm 8.

Tương truyền vào thế kỷ thứ XI có một người con gái họ Lý, thường gọi là Lý nương ham mê nghề bốc thuốc trị bênh cứu người đến nỗi không nghĩ đến chuyện thành lập gia thất. Một hôm trên đường vào rừng tìm cây thuốc, Lý nương gặp một bà lão tóc trắng như cước, da dẻ hồng hào đến trước mặt đưa ra một cuốn sách và nói:” Nương là người có tấm lòng đức độ hiếm thấy và tài trị bệnh cứu người, ta cho nương quyển sách này, về học cho kỹ mà cứu người rồi truyền lại cho đời sau”. Nói xong bà lão biến mất, Lý nương hiểu rằng mình đã được tiên ban cho sách quý, về nhà bà ra sức học rồi đi chữa bệnh ở khắp nơi, tiếng tăm lừng lẫy. Một hôm, bà vượt sông Nhị Hà, qua dòng Thiên Đức, khi ngồi nghỉ dưới một tán cây của làng Phù Ninh (hay còn gọi là làng Nành xưa và xã Ninh Hiệp ngày nay), thấy cảnh vật hữu tình và con người nơi đây cần cù, hiền hoà, hiếu học, bà đã chọn là nơi dừng chân và truyền nghề, không chỉ nghề làm thuốc, trị bệnh cứu người mà cả nghề dệt vải. Khi bà mất đi, nhân dân ở đây đã tôn bà là” Lý Nhũ Thái Mẫu dược sư thần linh”, tổ sư của làng và lập đền thờ bà. Ngôi đền ấy vẫn còn cho đến nay với tên thân thuộc là điếm Kiều.

Chả thế mà ngày nay trong nơi thờ tổ sư của làng có bức đại tự: “ Y chức sùng linh”, tức là nghề thuốc, nghề dệt được thần linh tôn sùng, (theo như lời cụ Nguyễn Khắc Quýnh – người nghiên cứu và giảng dạy Hán tự cổ của làng). Ngày nay, người dân xóm 8 vẫn tiếp tục nghề làm thuốc, chỉ khác là không trồng cây thuốc nữa. Thuốc sống được nhập từ Trung Quốc, Thái Nguyên, Yên Bái… về bán, người làng Nành chế biến rồi đem bán ở khắp các tỉnh, vào cả thành phố Hồ Chí Minh. Một bộ phận thu gom quế hồi, sa nhân, hạt sen… chế biến xuất sang Nhật Bản,Trung Quốc, Châu Âu…

Người làng Nành tự nhận là nơi biết cách sấy thuốc để không mốc, chỉ người làng Nành biết cách chặt hạt sen và làm long nhãn từ lâu và cũng là nơi thái và chế thuốc khéo không ở đâu bằng. Trong giai đoạn 1935 – 1945 hầu như người làng Nành làm chủ thị trường thuốc các tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên…

May cho làng Nành hay là may mắn cho chúng ta là xóm 8, cái xóm trứ danh chuyên làm thuốc ấy không bị cái nhộn nhịp của 8 xóm ngày cũng như đêm thay da đổi thịt rùng rùng vì buôn bán vải quanh nó cuốn mất. Nó vẫn tồn tại, lặng lẽ, khiêm nhường nhưng kiêu hãnh.

Lời kết

Tôi cũng sẽ không ngạc nhiên nếu một ngày không còn xa, người ta sẽ không gọi những con đường lát gạch của những đám cưới truyền thống là đường làng nữa, thay vào đó có lẽ sẽ là tên của các con phố của các dãy nhà cao tầng san sát. Chợ vải Ninh Hiệp có thể sẽ được mở rộng hơn, có nghĩa là người dân ở đây sẽ giàu có hơn bây giờ. Nhưng cũng không biết đến khi ấy cụ lang Hải có còn để xem thế hệ sau cụ có còn tiếp tục con đường của các danh y một thời…, không biết có còn người dân nào cặm cụi ngội chặt hạt sen, hay xóm 8 có còn bào chế thuốc mà họ đã từng tự hào rằng : “Không đâu sánh bằng”.

Chỉ biết bây giờ, vải và thuốc đã tạo cho Ninh Hiệp một đặc trưng không thể lẫn: bên cạnh một Ninh Hiệp nhộn nhịp kẻ bán người mua là một Ninh Hiệp trầm mặc trong mùi vị của thuốc bắc và ngọt ngào hương của hạt sen. Người Ninh Hiệp vẫn truyền nhau câu ca dao trong ngày hội làng:

Ai đi buôn đâu bán đâu
Tháng Giêng mười tám rủ nhau mà về”.

L.T.G